Đất sân golf không làm nhà ga mà là khu vực “hậu cần”?
Chiều 27/2, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cùng 3 thứ trưởng GTVT, đại diện Bộ Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, UBND TPHCM và các doanh nghiệp hàng không liên quan và một số chuyên gia hàng không về quy hoạch sân bay TSN.
Ông Thể cho hay, đây là một trong những cuộc họp quan trọng nhất của Bộ GTVT trong năm 2018. Bởi vì, việc mở rộng sân bay TSN được Chính phủ rất quan tâm, phương án quy hoạch TSN đã đưa ra có nhiều ý kiến trái chiều nên Chính phủ, Bộ GTVT chọn tư vấn quốc tế (ADPI của Pháp) để có cái nhìn độc lập, không lệ thuộc vào tổ chức, cá nhân nào tại Việt Nam.
Đây cũng là cuộc họp cuối cùng trước khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.
Sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Ảnh: Bảo An.
Báo cáo tại cuộc họp, tư vấn ADPI đưa ra dự báo lưu lượng tại đề xuất nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, năm 2020, TSN có 269.000 lượt cất hạ cánh (tương đương 44 triệu lượt khách, 701.000 tấn hàng hóa); năm 2025 có 301.000 lượt (51 triệu khách, 960.000 tấn hàng); năm 2030 là 315.000 lượt (55 triệu khách, 1,2 triệu tấn hàng).
Tư vấn Pháp cũng đưa ra những phân tích về thực trạng công suất TSN hiện nay ở các khía cạnh: Hệ thống đường cất hạ cánh, vùng trời, sân đỗ, nhà ga hành khách, giao thông tiếp cận.
Các phân tích của tư vấn cho thấy, các yếu tố liên quan đến công suất bay tại TSN đều đang gặp nhiều hạn chế. Trong đó, tư vấn nêu quan điểm về vấn đề tranh cãi lâu nay: Hai đường cất hạ cánh hiện nay không đảm bảo cho hai tàu bay cất hạ cánh độc lập.
Với mục tiêu cụ thể, tư vấn cũng đưa ra phương án có thể nâng cấp TSN lên đến 60-70 triệu khách/năm (mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 50 triệu khách/năm).
Phương án này bắt buộc phải xây dựng thêm đường cất hạ cánh mới, lấy đất khu vực sân golf ở phía Bắc sân bay TSN để xây dựng nhà ga. Tư vấn khuyến cáo không nên triển khai phương án này vì giải phóng mặt bằng lớn, ô nhiễm tiếng ồn, chi phí vận hành cao.
Tư vấn Pháp đề nghị lấy sân golf Tân Sơn Nhất làm sân đỗ nhà ga hàng hóa, xưởng sửa chữa... để đạt mục tiêu nâng công suất sân bay lên 50 triệu khách/năm. Ảnh: Nhật Minh.
Với phương án công suất 50 triệu hành khách, tư vấn đề nghị không xây dựng mới đường băng mà giữ nguyên hai đường băng hiện tại, có cải tạo.
ADPI đưa ra hai phương án cho mục tiêu này: Xây dựng thêm nhà ga ở phía Bắc và phía Nam. Tư vấn cho rằng, việc xây dựng phương án nhà ga ở phía Bắc (phần sân golf) sẽ tăng chi phí xây dựng, giải phóng mặt và cả chi phí khi vận hành.
Từ đó, tư vấn đề xuất phương án ưu tiên là xây dựng nhà ga ở phía Nam (cạnh nhà ga hiện nay) để tận dụng hạ tầng, cơ sở vật chất chung. Ở phía Bắc (phần sân golf) được giải phóng làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.
Cần làm nhanh và rẻ, đáp ứng 50 triệu hành khách
Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đều đồng thuận với các định hướng lớn trong đề xuất của ADPI. Trong đó, Tiến sỹ Trương Như Hùng, Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, dự báo của ADPI chưa thực sự chính xác.
Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng lượng khách tại TSN của ADPI đưa ra (chỉ 2,2% năm) thấp hơn thực tế trong 10 năm qua (khoảng 14%) nên các phương án đưa ra chưa thể giải quyết ách tắc của TSN trong tương lai.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần nhìn vấn đề mở rộng TSN trong tổng thể, có “đôi có cặp” với sân bay Long Thành. Ông Cao Xuân Tới, Hội Khoa học kỹ thuật hàng không cho rằng, phương án tư vấn Pháp đưa ra là hợp lý, thuyết phục vì đến năm 2025 sân bay Long Thành có thể đưa vào hoạt động một phần để phân tải cho TSN.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý không nên đặt quá cao mục tiêu mở rộng TSN vì mục tiêu là tạm thời, trước khi có Long Thành. Vì vậy, cần tìm giải pháp nhanh, rẻ, hiệu quả.
TGĐ Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng, ngoài các giải pháp về hạ tầng, việc điều tiết tại TSN có thể triển khai bằng việc chỉ cho sử dụng các máy bay cỡ lớn như các sân bay đông đúc trên thế giới, hàng không giá rẻ làm chủ công nghệ, tối giản dịch vụ, khách có thể mua vé tại ga và bay luôn để tiết kiệm không gian, thời gian.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mở rộng TSN phải vượt qua là việc đang được cân nhắc. Thiếu tướng Vũ Văn Kha - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân nêu quan điểm sẵn sàng nhường đất cho phát triển kinh tế nhưng kinh tế và quốc phòng vẫn phải song hành “như xây dựng một ngôi nhà cần có cổng bảo vệ” - ông Kha nói.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng GTVT yêu cầu tư vấn ADPI và các cơ quan tham mưu phải đưa ra phương án chi tiết sử dụng phần đất cả phía Bắc và phía Nam sân bay, khái toán tổng mức đầu tư.
“Quy hoạch 50 triệu nhưng lượng khách có thể do chúng ta điều hành lên đến 80 - 90 triệu như cách thay đổi máy bay cỡ nhỏ lên cỡ lớn khiến lượng khách sẽ tăng đột biến. Ngoài ra, điều tiết chuyến bay đến Cần Thơ, Sóc Trăng, đặc biệt là khi các tuyến đường cao tốc sẽ hình thành trong thời gian tới” - ông Thể nói. Ông Thể cho hay, trong tuần này, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng, không để chậm hơn.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM):
Trả toàn bộ đất sân golf là hợp lý
Sân golf nằm trong sân bay là điều rất kì cục. Nguyên thủy, đất sân golf đó dành cho sân bay nên việc sân golf trả lại toàn bộ đất cho sân bay là việc không cần bàn cãi. Với ngành hàng không, đất đai xung quanh sân bay rất quan trọng để phát triển khu vực hậu cần.
Có những sân bay, dịch vụ phi hàng không mang lại doanh thu lớn hơn dịch vụ hàng không. Vì thế, lấy sân golf để xây dựng nhà ga, sân đỗ, trung tâm thương mại, hội nghị là rất cần thiết.
Tôi không nhất trí với việc tư vấn ADPI đề nghị xây dựng nhà ga hành khách mới ở phía Nam. Việc xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách ở phía Bắc tuy có gây ra khó khăn trong sân bay nhưng sẽ tạo thuận lợi rất lớn với khu vực ngoài sân bay.
Nhà ga hành khách phía Bắc sẽ mở lối ra cho sân bay ra QL 1A, các tỉnh đến Tân Sơn Nhất không cần qua nội thành. Nên nhớ, Tân Sơn Nhất không chỉ là chuyện nội bộ một sân bay và cũng không phải là chuyện của riêng TPHCM mà là mối quan hệ liên vùng.
Bảo An (ghi)