Ảnh minh họa.
Dự thảo luật này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Theo đó, tờ trình nêu ra hai phương án quy định điều kiện hưởng BHXH một lần. Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Cụ thể, phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Đề xuất này hướng tới mục đích hạn chế dần tình trạng rút BHXH một lần của thời gian qua. Theo phân tích của giới chuyên gia, trong ngắn hạn, phương án này có thể không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn.
Phương án 2 quy định: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đây là phương án vừa phúc đáp được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.
Có thể nói, phương án này hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).
Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn. Bên cạnh đó, người lao động vẫn tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, người lao động có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong 4,5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, có gần 1,3 triệu lượt người lại tiếp tục tham gia BHXH. Số này chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.