Đề xuất mức phạt vi phạm nồng độ cồn mới nhất

Bảo Linh/VOV.VN |

Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với nghị định số 100/2019 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Tại Nghị định số 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Ảnh minh họa

Tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Cụ thể, các mức phạt mới về vi phạm nồng độ cồn từ 01/01/2025 được đề xuất  tại dự thảo mới lần này như sau:

1. Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua có hiệu lực từ 1-1-2025 đã quy định rõ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể, cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Luật giao Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng. (Điểm c khoản 8 Điều 7 Dự thảo Nghị định)

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. (Điểm a khoản 10 Điều 7 Dự thảo Nghị định)

Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ còn bị trừ điểm giấy phép lái xe với từng mức vi phạm nồng độ cồn tương ứng.

2. Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Theo quy định hiện hành thì mức phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 -miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ còn bị trừ điểm giấy phép lái xe với từng mức vi phạm nồng độ cồn tương ứng.

3. Đối với xe máy chuyên dùng

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Quy định hiện hành phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người điều kiển xe máy chuyên dùng có hành vi vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn tùy theo mức độ hành vi vi phạm.

4. Đối với xe đạp, xe đạp máy người điều khiển xe thô sơ

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Việc giảm mức phạt tiền đối với người tham gia điều khiển phuơng tiện giao thông trên đường mà trong máu có nồng độ cồn thấp không có nghĩa là Nhà nước không xử lý nghiêm.


Anh Phạm Văn Thuận, ở Thanh Xuân Hà Nội cho rằng, mức phạt thấp nhất với người vi phạm nồng độ cồn được quy định hiện nay quá cao, không phù hợp với thực tế, bởi lẽ nhiều người uống bia hôm nay thì ngày mai đã tỉnh táo và hoàn toàn làm chủ được phương tiện. Tuy nhiên, khi bị kiểm tra nồng độ cồn vẫn dính phạt ở mức thấp nhất, do tuỳ cơ địa của từng người, cơ thể họ chưa đào thải hết lượng cồn.

Anh Nguyễn Văn Quyền, cử nhân Đại học Luật Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất hạ thấp mức phạt đối với việc điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại dự thảo lần này

Anh Quyền cho rằng: “Nếu cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là quá nghiêm khắc và chưa phù hợp…Cần nới rộng, nghiên cứu thực tế và quy định áp dụng các nước ra sao để rút kinh nghiệm cho phù hợp với tình hình thực tiễn… Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong khi đó, khi ăn những thực phẩm có đường như nho, sầu riêng… khi lên men trong dạ dày thì cũng có thể tạo ra nồng độ cồn trong cơ thể. Ngoài ra việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men thì cũng có thể tạo ra nồng độ cồn trong máu và hơi thở ở mức độ rất thấp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại