Đề xuất lương tối thiểu tăng 7,3%

Bảo Trân |

Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất năm 2017, tăng lương tối thiểu vùng 1 thêm 250.000 đồng, vùng 2: 220.000 đồng, vùng 3: 200.000 đồng, vùng 4: 180.000 đồng.

Ngày 7-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công (Ban Chỉ đạo).

Đề nghị giảm mức đóng BHXH

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Minh Huân cho biết để chuẩn bị tăng lương trong năm 2017, Hội đồng Tiền lương quốc gia (Hội đồng) đã họp và báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng .

Theo đó, đại diện cho người lao động mong muốn lương tối thiểu được điều chỉnh nhiều hơn để bảo đảm đời sống người lao động tốt hơn, trong khi người sử dụng lao động nêu nhiều thực tế khó khăn. Trên cơ sở đó, Hội đồng chốt lại phương án tăng từ 7,1%-7,5%.

Cụ thể: vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng (tăng 7,1%); vùng 2 tăng 220.000 đồng (tăng 7,1%); vùng 3 tăng 200.000 đồng (tăng 7,4%); vùng 4 tăng 180.000 đồng (tăng 7,5%). Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng tối thiểu là 213.000 đồng (tăng 7,3% so với năm 2016).

Bộ LĐ-TB-XH đang soạn thảo nghị định lấy ý kiến của các bộ, ngành địa phương về việc này, sau đó báo cáo Chính phủ trong tháng 9.

Đáng chú ý, theo ông Huân, hiện tỉ lệ đóng BHXH ở Việt Nam là cao, với tổng chi phí đóng là 32,5% (trong đó: 10,5% từ người lao động, 22% từ người sử dụng lao động).

“Nhiều doanh nghiệp (DN) đề nghị giảm từ 22% xuống 18%. Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu và sẽ báo cáo Chính phủ có thể giảm cho DN khoảng 0,5%; phần bảo hiểm tai nạn lao động hiện kết dư giữa đóng và sử dụng chỉ mới 10% cho nên để giúp DN trong lúc khó khăn thì có thể giảm 1%” - ông Huân nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cơ bản thống nhất với đề nghị của Hội đồng và yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017 trong tháng 9.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu đến sản xuất kinh doanh của DN, đời sống người lao động để xác định mức lương tối thiểu phù hợp; đánh giá tỉ lệ đóng - hưởng của quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp, hài hòa quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Số cán bộ giáo dục quá lớn

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng các bộ, ngành cần sớm xây dựng đề án cải tổ bộ máy theo hướng tinh giản, chuyển đổi đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) sang đơn vị tự chủ tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được làm 10 năm qua nhưng tiến độ rất chậm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo mạnh, quyết liệt hơn nữa. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng các đơn vị sự nghiệp công lập phải xác định rõ tổng chi là bao nhiêu và tự chủ được thì tiết kiệm được bao nhiêu?

“Đơn vị hành chính sự nghiệp mà tự chủ tài chính hoặc tự chủ được một phần sẽ là cuộc cách mạng. Nguồn được giữ lại từ tự chủ tài chính sẽ để tăng lương cho cán bộ công chức” - ông Hà nhìn nhận.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ… cũng trình bày báo cáo về đổi mới đơn vị hành chính sự nghiệp công lập. Bộ Y tế cho biết đang xây dựng một dự thảo nghị định có đề xuất một số mô hình quản lý bệnh viện.

Trong đó, các đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư được thành lập hội đồng quản lý, ban kiểm soát, thí điểm thuê tổng giám đốc bệnh viện… Sắp tới, Bộ Y tế thành lập đoàn đi Singapore học tập mô hình quản lý bệnh viện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ không hài lòng với sự chuyển đổi của các bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo chưa tích cực, vẫn ở mức thí điểm, Bộ Y tế đã tích cực và có thể tiến tới có mô hình công ty cổ phần bệnh viện. Cán bộ ngành giáo dục có số lượng quá lớn, nếu quyết liệt đổi mới tự chủ tài chính thì giảm ngân sách rất lớn.

Sớm tìm ra giải pháp đột phá

“Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công được hạch toán như DN là cơ sở quan trọng để thực hiện tự chủ, đồng thời yêu cầu các bộ đẩy mạnh hơn nữa việc trao quyền tự chủ cả về biên chế, nhân sự, tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và thu nhập cho viên chức, người lao động.

Có đẩy mạnh tự chủ tài chính thì mới tính việc cải cách tiền lương một cách căn bản. Tinh giản một biên chế rất gian nan nhưng tự chủ cả một đơn vị thì coi như tinh giản bộ máy làm công ăn lương cả trăm người” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Ông đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập ban soạn thảo đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tìm ra giải pháp đột phá trong đổi mới hoạt động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại