Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng đề xuất phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030, với mục tiêu tới năm 2030 sản lượng hàng hoá đường sắt tăng gấp 4-5 lần hiện nay. Trong đó, tập trung chính cho các tuyến đường sắt liên vận quốc tế kết nối với Trung Quốc tại Lạng Sơn và Lào Cai, để phát huy hết lợi thế đường sắt kết nối liên vận thẳng tới các nước châu Âu.
Bộ GTVT đánh giá, hiện đường sắt liên vận vẫn còn nhiều hạn chế do giới hạn bởi hạ tầng, ngoài khác biệt về khổ ray 1.000mm của Việt Nam với 1.435mm của các nước, các ga hàng hoá còn thiếu bãi hàng, đường xếp dỡ, chiều dài các ga, kết nối với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là vận tải contaner… Tình trạng này chủ yếu do vốn đầu tư cho đường sắt hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong nhiều năm qua…
Để tăng năng lực vận tải hàng hoá đường sắt, đặc biệt với tàu liên vận quốc tế, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ dùng ngân sách đầu tư cải thiện hạ tầng đường sắt. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, bố trí vốn cải tạo, nâng cấp hạ tầng các ga liên vận quốc tế hiện có để tăng năng lực thông quan, xếp dỡ hàng container.
Bộ GTVT dự kiến giai đoạn tới năm 2025 ưu tiên đầu tư, nâng cấp 7 ga phục vụ vận tải liên vận quốc tế, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 860 tỷ đồng, gồm các ga: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các ga liên vận quốc tế trên 2 hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây theo quy hoạch, ưu tiên các ga: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Yên Viên, Trảng Bom.
Bộ GTVT trình Chính phủ đề xuất bố trí hơn 800 tỷ đồng đầu tư cải tạo 7 ga hàng hoá đường sắt để phục vụ nhu cầu vận tải liên vận quốc tế.
Hồi đầu năm 2022, Tổng công ty Đường sắt (VNR) đã có kiến nghị các bộ ngành, Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 để đầu tư, nâng cấp các công trình đường sắt quốc gia. Trong đó, tập trung vốn cho cải tạo, nâng cấp nhà ga hàng hoá, bãi hàng để tăng năng lực bốc xếp container nhằm tạo lợi thế cho đường sắt.
Trong hơn 7.000 tỷ đồng kể trên, VNR kiến nghị bố trí khoảng gần 2.400 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 41 nhà ga hành khách và hàng hóa; khoảng 1.900 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 13 hầm xuống cấp; hơn 1.100 tỷ đồng để cải tạo đường cong bán kính nhỏ, xử lý các điểm nguy cơ sạt lở; khoảng 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 được phê duyệt, dự kiến ngân sách bố trí cho đường sắt hơn 15.900 tỷ đồng (bằng khoảng 4,7% tổng nguồn vốn đầu tư công lĩnh vực giao thông). Số vốn này dự kiến khởi công mới 4 dự án đường sắt gồm 3 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM; cải tạo, nâng cấp 3 ga hành khách và 6 ga hàng hóa.
Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua, đường sắt liên vận quốc tế đã khẳng định được vai trò quan trọng trong đảm bảo lưu thông hàng hoá xuất/nhập khẩu, trong bối cảnh các cửa khẩu đường bộ phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong khi cước vận tải biển tăng cao.
Khi vận tải hàng hoá đường sắt tăng, theo VNR , các ga hàng của đường sắt đã xảy ra tình trạng ùn ứ, quá tải hàng hoá, đặc biệt tại các ga cửa khẩu và ga trong nội địa trên tuyến Yên Viên - Đồng Đăng. Các ga trên tuyến Bắc - Nam hạ tầng kho bãi, đường kết nối ra vào cũng không thuận lợi cho vận chuyển container từ Nam ra Bắc, cũng như xuất qua Trung Quốc và đi châu Âu bằng đường sắt.
Theo Bộ GTVT, hiện nay vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai qua Trung Quốc. Trong 5 năm qua (2017 - 2021), tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận tải hàng hóa vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2017 tăng 26%, năm 2021 tăng 31% so với năm 2020, đạt 1,13 triệu tấn (chiếm gần 20% tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt cả nước).