Theo dự thảo đề cương, với sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý thuế, một trong những điểm đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 theo định hướng: đưa đối tượng cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 124 luật Quản lý thuế vào khoản 1 Điều 66 luật Quản lý thuế cho thống nhất.
Bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, quy định tại khoản 1 Điều 2 luật Quản lý thuế, "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Do đó, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định tại khoản 1 Điều 66 là không phù hợp với thực tiễn.
Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế (gồm: chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh), chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định tại khoản 7 Điều 124.
“Biện pháp kê biên tài sản và biện pháp thu bên thứ 3 gặp nhiều khó khăn như: quá trình xác minh thông tin thì khó xác định quyền sở hữu tài sản của đối tượng nộp thuế để cưỡng chế hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nộp thuế nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu”, Bộ Tài chính cho biết.
Bên cạnh đó, hầu hết tài sản của người nộp thuế đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc thời gian sử dụng của tài sản thấp. Việc thực hiện rất phức tạp và mất nhiều thời gian, công chức cơ quan thuế không được đào tạo về nghiệp vụ thẩm định giá trị tài sản kê biên…