Đề Văn yêu cầu dịch teencode, tưởng không khó mà lại khiến học trò 'xanh mặt'

VÂN TRANG |

Các "thánh" lướt MXH suốt ngày cũng phải chịu bó tay trước đề Văn khó nhằn này.

Với thế hệ 8X - 9X chắc hẳn không còn xa lạ trào lưu teencode khi dùng Blog Yahoo 360 độ ngày xưa. Nhưng mỗi ngày lướt new feeds, chúng ta cũng ít nhất nhìn thấy ai đó sử dụng loại ngôn ngữ này với những cách dùng "đặc biệt" như "hjhj, d0 ng0k" (hihi, đồ ngốc) đòi hỏi người đọc phải có "trình độ" nhất định mới hiểu cuộc hội thoại thế nào.

Các giáo viên cũng nhanh tay sử dụng teencode để tăng tính tương tác trong tiết học. Nhưng học trò có dịch được hay không lại... hên xui lắm đấy!

Như mới đây, trong tiết dạy Văn của một trường cấp 3, cô giáo đã ra đề nhận xét những câu văn sau. Đề bài chỉ là bình luận văn học, cho đến khi lướt xuống câu 4, dân tình mới tá hỏa vì lại dùng... teencode.

Đề Văn yêu cầu dịch teencode, tưởng không khó mà lại khiến học trò xanh mặt - Ảnh 1.

Bài tập Ngữ pháp của một trường cấp 3 (Ảnh: Group Trường Người Ta)

Cụ thể, đề bài như sau:

Nhận xét về những câu sau:

Câu 1: Khi ra pháp trường, anh ấy vẫn hiên ngang đến phút chót lọt.

Câu 2: Truyện Kiều của Nguyễn Du đã nêu cao tư tưởng nhân đạo hết sức là cao đẹp

Câu 3: Tình cảm của tác giả đối với non sông đất nước, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài tuy xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc.

Câu 4: "ThiẾU zẮng a 3 hUmz e k thỂ shỐng thÊm 1 fÚt jÂy nÀo nỮa" (Dịch: Thiếu vắng anh 3 hôm, (khiến) em không thể sống thêm 1 phút giây nào nữa)".

Thực tế, đáp án của đề Văn này không hề dễ chút nào. Cả 4 câu trên đều mắc lỗi sử dụng từ ngữ hay ngữ pháp lủng củng nào đó.

- Câu 1: Từ "chót lọt" dùng miêu tả khí thế hiên ngang của người tử tù là không hợp lý. Bởi từ này sai chính tả (cách dùng đúng: "trót lọt"), và từ "trót lọt" cũng dùng để chỉ sự suôn sẻ khi vượt qua khó khăn nào đó.

- Câu 2: Từ "cao đẹp" bị lặp, khiến câu văn đọc không xuôi.

- Câu 3: Thiếu vị ngữ.

- Câu 4: Dùng teencode.

Đề Văn yêu cầu dịch teencode, tưởng không khó mà lại khiến học trò xanh mặt - Ảnh 2.

Ngôn ngữ teencode cũng khó dịch lắm chứ bộ! (Ảnh: Lương Trang)

Thế mới thấy "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", chỉ bài tập nhỏ thôi cũng đủ khiến học trò ôm đầu không biết giải sao cho đúng.

Thực tế, đây không phải lần đầu việc sử dụng tiếng Việt được đề cập trong các bài giảng môn Ngữ Văn, thậm chí còn xuất hiện trong bài kiểm tra. Nếu chỉ học luyện Văn thông thường sẽ rất khó hiểu, nên nhờ một chút teencode này đã giúp tiết học trở nên hào hứng hơn. Nhờ thế cũng giúp học trò hiểu rõ tầm quan trọng trong việc sử dụng đúng tiếng Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại