Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết sự thống lĩnh của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ dễ bị tổn thương.
Kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao như động cơ xe điện. Xuyên suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã phát triển khả năng xử lý các kim loại này, từ đó họ có thể quyết định giá các sản phẩm trên thị trường toàn cầu.
Bà Tai chỉ ra khoảng một thập kỷ trước, mỗi khi Trung Quốc tăng hoặc giảm giá kim loại đất hiếm, các mỏ của Mỹ có thể hoạt động trở lại, nhưng cũng có thể phải đóng cửa.
Trước thập niên 1980, Mỹ cũng chiếm thị phần lớn trong thị trường kim loại đất hiếm. Nhưng vấn đề về lương cho người lao động và áp lực tiêu chuẩn môi trường đã khiến ngành này rời xa đất Mỹ.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại ủng hộ lĩnh vực này. Vị Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá không phải Trung Quốc có nhiều đất hiếm hơn, mà là do họ quyết theo đuổi các chính sách công nghiệp phối hợp thương mại. Nhờ đó, Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường.
Dưới thời chính quyền ông Donald Trump và trong giai đoạn bùng nổ đại dịch Covid-19, Mỹ phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố sáng kiến trị giá hàng tỷ USD nhằm khuyến khích các công ty phát triển và sản xuất các công nghệ quan trọng ở Mỹ. Năm nay, các quan chức Mỹ và châu Âu cũng đã thảo luận về việc giảm thiểu rủi ro hoặc mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thương mại, công nghệ và tài chính ngày càng leo thang. Nhiều doanh nghiệp Mỹ bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Ấn Độ, vì quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng được cải thiện.
Mới đây, Bà Tai cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal. Bà Tai cho biết tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ luôn tồn tại, nhưng trước đây đôi bên đã “không thể tìm ra cách để khai thác”.
Theo CNBC