Đề ra nhiều chính sách kỳ lạ, TQ làm dấy lên nghi ngờ về một điều Bắc Kinh "chưa muốn thừa nhận"

Tất Đạt |

Lũ lụt, nạn châu chấu, dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi và căng thẳng thương mại với Mỹ đã khiến Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn tới an ninh lương thực.

Chiến dịch tiết kiệm quy mô lớn

Mới đây, một chiến dịch toàn quốc để ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc đã làm dấy lên những suy đoán về việc nước này không thể cung cấp đủ lương thực cho 1,4 tỉ người dân khi đối mặt với lũ lụt, dịch bệnh, nạn châu chấu hoành hành cũng như căng thẳng với các đối tác thương mại lớn.

Lời kêu gọi đột ngột trên toàn quốc của Bắc Kinh - với tên gọi "Chiến dịch Vét sạch Đĩa" - đã khiến các chuyên gia chuyên nghiên cứu về thị trường lớn nhất thế giới bối rối. Mặc dù Trung Quốc nhấn mạnh rằng kho dự trữ vẫn còn dồi dào, nhưng việc chiến dịch tiết kiệm thức ăn xuất hiện vào thời điểm này đã khiến các nhà quan sát phải đặt dấu hỏi lớn.

Tới nay, một số khu vực ở Trung Quốc đã đề ra những chính sách "lạ" để thực hiện chiến dịch nói trên. Theo Hoàn Cầu, các các cơ sở giáo dục ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã quyết định đưa "tiết kiệm thực phẩm" vào một trong những tiêu chí để đánh giá các trường học, giáo viên và học sinh ở địa phương, cam kết sẽ phạt nặng những trường lãng phí thực phẩm.

Đề ra nhiều chính sách kỳ lạ, TQ làm dấy lên nghi ngờ về một điều Bắc Kinh chưa muốn thừa nhận - Ảnh 1.

Việc tiết kiệm thực phẩm cũng trở thành một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh. Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã

Thành tích tiết kiệm thực phẩm của trường học sẽ được đề cập trong đánh giá thường niên. Những trường có thành tích tốt sẽ được khen thưởng trong khi những trường có sai phạm sẽ bị phê bình, khiển trách. Tuy nhiên, hiện chưa rõ hình phạt đối với các trường này là gì.

Tiếp đó, các trường sẽ phải đưa ra hệ thống đánh giá việc tiết kiệm thực phẩm của học sinh và ghi vào hạnh kiểm. Các cơ sở giáo dục cũng phải đề ra các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, khuyến khích học sinh trồng cây, tự nấu ăn để "tăng nhận thức về sự siêng năng và tiết kiệm".

Một số người lo ngại rằng chính sách này có thể khiến học sinh nhịn đói để tiết kiệm đồ ăn. Trong khi đó, một số người khác nhấn mạnh cần tiết kiệm thực phẩm vì có nhiều học sinh ở Trung Quốc chỉ ăn 1 nửa khẩu phần và đổ phần còn lại đi.

Ngoài Tây An, các thành phố khác ở Trung Quốc cũng thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm thực phẩm. Tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một khách sạn đã chỉ định một người làm "giám sát viên thực phẩm" và đặt ra tiêu chuẩn đánh giá cho bồi bàn. Nếu lượng thực phẩm khách bỏ lại vượt quá 15%, bồi bàn sẽ bị phạt. Một giám sát viên tên Zhang Yun cho biết mới đây ông đã phát hiện đầu bếp cắt miếng thịt gà quá to.

Đề ra nhiều chính sách kỳ lạ, TQ làm dấy lên nghi ngờ về một điều Bắc Kinh chưa muốn thừa nhận - Ảnh 2.

Một giám sát viên quan sát hành vi lãng phí đồ ăn ở nhà hàng Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, một nhà hàng ở tỉnh Hồ Nam đã đề xuất một ý tưởng độc đáo để ngăn khách hàng gọi quá nhiều món. Theo đó, khách sẽ phải cân bằng một chiếc cân đặt ở cửa ra vào và nhà hàng sẽ đưa ra thực đơn phù hợp với cân nặng của khách.

Tờ Bloomberg mới đây đã phỏng vấn hàng loạt công ty mua bán nông sản, văn phòng thực phẩm và chuyên gia nghiên cứu ngành công nghiệp thực phẩm về chính sách mới của Trung Quốc. Có thể thấy, Trung Quốc đang muốn giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu và đề phòng khả năng các nguồn cung sẽ bị gián đoạn.

Darin Friedrichs, chuyên gia cấp cao tại tổ chức StoneX Group ở Thượng Hải, nói: "Mối lo ngại về nguồn cung thực phẩm do COVID-19 đã khiến các lãnh đạo Trung Quốc buộc phải quan tâm nhiều hơn vấn đề an ninh lương thực và tính tự chủ. Điều này bao gồm đa dạng nguồn nhập khẩu từ nước ngoài và giảm thiểu lãng phí thực phẩm trong nước".

Nguồn cung hạn chế

Nhiều nạn dịch đã gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc trong năm nay. Các tỉnh miền nam Trung Quốc đã trải qua các đợt lũ lụt nặng nề và nạn châu chấu phức tạp. Giá thịt lợn bắt đầu tăng cao, thậm chí kể cả khi Trung Quốc nỗ lực gia tăng các đàn lợn trở lại sau đợt dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm.

Mối lo sợ rằng thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm virus corona cũng làm gia tăng áp lực với Trung Quốc. Thành phố Quảng Châu đã yêu cầu các công ty đông lạnh ngừng nhập khẩu thịt và hải sản đông lạnh từ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng từ virus corona sau khi chính quyền địa phương ở Thâm Quyến phát hiện COVID-19 trên cánh gà nhập khẩu từ Brazil.

Chiến dịch tiết kiệm đồ ăn đã được áp dụng gần như ngay lập tức ở Trung Quốc. Những người livestream (quay video phát trực tiếp) ăn một lượng thức ăn khổng lồ đã không còn được hoạt động nữa trong khi các hiệp hội yêu cầu nhà hàng đặt ra giới hạn về số lượng món mà khách hàng có thể gọi.

Ba người được Bloomberg phỏng vấn cho rằng chiến dịch này để nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất là Trung Quốc không còn đủ lương thực để cung cấp cho người dân.

Một báo cáo đăng trên Nhân dân Nhật báo cho biết: "An ninh lương thực là nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia. Lãng phí thực phẩm có thể là hành vi cá nhân, nhưng nó sẽ dẫn tới hệ quả nghiêm trọng".

Hiện tại, mỗi năm Trung Quốc lãng phí tới 35 triệu tấn thực phẩm, tương đương với 6% tổng số nguồn cung. Do đó, việc tiết kiệm thực phẩm sẽ được thắt chặt dựa trên những vấn đề như chi phí gia tăng, nguồn tài nguyên hạn chế trong khi nhu cầu không giảm.

Tờ Hoàn Cầu đã phủ nhận "sự quá đà của truyền thông" khi cho rằng các chiến dịch này cho thấy Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, khẳng định đây chỉ là "một vấn đề cần nhận được nhiều sự chú ý hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại