Để lại tâm thư trước khi chết, Mã Siêu trở thành "tội đồ" gieo họa khiến Thục Hán diệt vong

Trần Quỳnh |

Dù chỉ để lại một bức tâm thư vì tương lai gia tộc, thế nhưng chính di nguyện của Mã Siêu đã vô tình tiếp tay cho một nhân vật phá hủy cơ nghiệp nhà Thục Hán sau này.

Mã Siêu (176 – 222), tự Mạnh Khởi, là võ tướng cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông từng là một chư hầu có tiếng khi hùng cứ đất Tây Lương, sau khi trải qua nhiều biến cố thì đầu quân cho Lưu Bị và trở thành viên hổ tướng dưới tay vị quân chủ này.

Giờ đây mỗi khi nói về con đường quan lộ của Mã Siêu trong tập đoàn chính trị Thục Hán, có nhiều ý kiến cho rằng vị tướng này không được quân chủ hết lòng trọng dụng, tin tưởng.

Dù vậy thì trước lúc Mã Siêu qua đời, di ngôn cuối đời của ông vẫn được Lưu Bị để tâm và thành toàn. Do đó cũng có thể mối quan hệ giữa viên hổ tướng họ Mã và Lưu Huyền Đức không có quá nhiều uẩn khúc như hậu thế vẫn nghĩ.

Thế nhưng có lẽ bản thân những nhân vật lịch sử ấy cũng không thể ngờ rằng, chính di nguyện cuối đời của Mã Siêu đã gieo xuống mầm họa khiến cơ nghiệp Thục Hán sau này càng thêm nhanh chóng bị tận diệt trong tay Tào Ngụy.

Vị tướng họ Mã và tấn bi kịch của gia tộc bị thảm sát dưới tay Tào Tháo

Để lại tâm thư trước khi chết, Mã Siêu trở thành tội đồ gieo họa khiến Thục Hán diệt vong - Ảnh 1.

Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", Mã Siêu có biệt danh là "Cẩm Mã Siêu", trong đó từ "Cẩm" được dùng để ca ngợi những thứ tuyệt mỹ và đẹp đẽ. (Ảnh minh họa).

Sinh thời, Mã Siêu mang trong mình dòng máu Khương và được cho là hậu duệ của tướng Mã Viện thời Đông Hán.

So với nhiều viên hổ tướng khác của Lưu Bị, điểm khác biệt lớn nhất từ vị tướng họ Mã này vốn là yếu tố về phương diện xuất thân. Bởi gia tộc của ông vốn có nhiều đời làm quan lại của Hán triều, người cha ruột Mã Đằng còn từng làm tới chức Chinh Đông tướng quân.

Tuy nhiên khi Hàn Toại làm phản, cha ông ban đầu trở mặt với triều đình rồi kết thân với họ Hàn và chia nhau cát cứ ở Lương Châu. Mặc dù sau đó Mã Đằng đã về kinh quy phục, nhưng Mã Siêu vẫn quyết định lưu lại vùng đất này.

Năm 211, Mã Siêu bị Tào Tháo khép vào tội dấy binh làm phản. Sau thất bại ở trận Đồng Quan trước quân Tào, họ Mã ở kinh thành đã phải chịu thảm án tru di tam tộc.

Sử sách ghi lại, gia tộc của Mã Siêu khi đó có hơn hai trăm nhân khẩu nhưng không có một ai trốn thoát, chỉ còn Mã Siêu và người em trai Mã Đại rút về Lũng Thượng mới may mắn tránh được họa sát thân.

Trải qua nhiều biến cố, Mã Siêu cuối cùng đã đầu quân cho thế lực của Lưu Bị và trở thành một viên hổ tướng có tiếng dưới quyền vị quân chủ này.

Thế nhưng theo nhận định của trang Sohu, bản thân ông năm xưa dù gia nhập Thục Hán nhưng luôn đem lòng dè dặt, cẩn thận, mà quân chủ Lưu Bị ít nhiều cũng có phần không hết lòng trọng dụng viên hổ tướng này.

Có lẽ chính sự nghi kỵ xuất phát từ cả đôi bên đã khiến cho sự nghiệp của Mã Siêu trong thời kỳ đi theo Lưu Huyền Đức được nhận định là không thực sự có chiến công vang dội nào. (Theo Sohu).

Năm 222, vị tướng họ Mã qua đời ở tuổi 46. Tương truyền rằng trước lúc lâm chung, Mã Siêu đã để lại một di ngôn và mong mỏi được Lưu Bị thành toàn. Thế nhưng không ai ngờ rằng, chính di nguyện của ông đã khiến Thục Hán sau này càng trượt dốc trên con đường diệt vong.

Di ngôn của Mã Siêu gieo xuống mầm họa cho cơ nghiệp Thục Hán

Để lại tâm thư trước khi chết, Mã Siêu trở thành tội đồ gieo họa khiến Thục Hán diệt vong - Ảnh 2.

Dù mối quan hệ quân thần giữa hai nhân vật này có nhiều uẩn khúc tới đâu, thì vị quân chủ họ Lưu này vẫn đáp ứng di nguyện trước lúc lâm chung của Mã Siêu. (Ảnh minh họa).

Năm xưa trước lúc lâm chung, Mã Siêu đã để lại một bức tâm thư cho quân chủ Lưu Bị. Bức thư này cũng được xem là di ngôn cuối đời của viên hổ tướng họ Mã.

Về di nguyện nói trên, "Tam Quốc chí" có chép:

"Hai năm sau Siêu chết, khi ấy mới ngoài bốn mươi tuổi. Lúc chết, dâng sớ tâu rằng: ‘Trong cửa nhà thần có hai trăm nhân khẩu, đã bị Mạnh Đức giết sạch, chỉ còn người em là Mã Đại, gánh vác việc nối dòng huyết thống ăn lộc nối đời, xin ký thác nơi Bệ hạ, dẫu nói cũng chẳng thể hết lời’."

Bản thân Lưu Bị cùng triều đình nhà Thục Hán sau đó đã đáp ứng di nguyện nói trên của ông. Người em trai là Mã Đại được trọng dụng và bổ nhiệm tới chức Bình Bắc tướng quân, lĩnh tước Trần Thương Hầu. Con trai Đại là Mã Thừa được nối dõi chức tước, cơ nghiệp.

Nhờ sự tác thành của quân chủ đối với di nguyện của Mã Siêu, gia tộc họ Mã của ông vào thời điểm ấy đã tránh được kết cục sa sút tới mức suy vong.

Thế nhưng không ai có thể tiên liệu được rằng, một hậu nhân trong gia tộc của viên hổ tướng họ Mã ấy đã trở thành mầm họa đối với Thục Hán. Nhân vật đó chính là Mã Mạc – cháu ruột của Mã Đại.

Sinh thời, Mã Mạc từng làm tới chức Thái thú Giang Du và trấn thủ thành trì được đánh giá là trọng yếu này.

Trong cuộc chiến tranh Thục – Ngụy vào năm 263, Đặng Ngải vì muốn đánh úp kinh đô nhà Thục nên đã dẫn theo một nhánh quân âm thầm đi qua đường núi Âm Bình. Con đường hành quân của phe Tào Ngụy vừa vặn đi qua thành Giang Du.

Thực tế, khi ấy quân của Đặng Ngải vừa phải vượt qua một chặng đường hiểm trở, cả tinh thần và thể chất đều hết sức mệt nhọc. Đa số các nhận định đều cho rằng, Mã Mạc khi đó chỉ cần kiên trì cố thủ trong thành là có thể giữ vững phòng tuyến ở Giang Du.

Chỉ tiếc rằng người hậu nhân này của gia tộc họ Mã lại không được thừa tưởng cái tài hữu dũng hữu mưu từ cha ông, hơn nữa còn nhát gan vô cùng.

Ông không chỉ chủ động đem binh ra khỏi thành để tấn công Đặng Ngải mà còn chuốc lấy thất bại nhục nhã trước một toán quân vốn đã suy giảm sức chiến đấu.

Chưa dừng lại ở đó, thất bại phủ đầu nói trên đã khiến cho Mã Mạc nhanh chóng suy sụp tinh thần, cuối cùng chủ động đầu hàng, chắp tay đem thành trì này giao cho Đặng Ngải.

Nhánh quân của Tào Ngụy tiến vào thành Giang Du nghỉ ngơi lại sức, chỉ một thời gian ngắn đã nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu. Trên con đường tiến công Thành Đô, đoàn quân này tiếp tục tiêu diệt phòng tuyến của Gia Cát Chiêm ở Miên Trúc và đánh thẳng vào kinh đô nhà Thục.

Tốc độ tiến quân thần tốc đó đã khiến Hậu chủ Lưu Thiện trở tay không kịp, ngay tới phản kháng cũng không có cơ hội, chỉ còn cách xin hàng, cơ đồ nhà Thục Hán cũng chính thức diệt vong từ đây.

Để lại tâm thư trước khi chết, Mã Siêu trở thành tội đồ gieo họa khiến Thục Hán diệt vong - Ảnh 4.

Không ít ý kiến đều cho rằng, Mã Mạc chính là một trong những nhân vật phải chịu trách nhiệm cho kết cục suy vong của tập đoàn chính trị Thục Hán. (Ảnh minh họa).

Nhìn lại những biến cố nói trên, không khó để nhận thấy chính sự đầu hàng của Mã Mạc đã tạo thêm cơ hội cho phe Tào Ngụy, khiến Thục Hán càng nhanh chóng bị đẩy đến bờ tận diệt.

Gia tộc họ Mã từ sau khi phải chịu án tru di dưới tay Tào Tháo dù đã có chút suy vi, thế nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng dòng họ của Mã Đằng, Mã Siêu lại có thể sản sinh ra một hậu duệ thua kém về thực lực và chí khí tới vậy.

Vì thế mà có ý kiến cho rằng, nếu không có di ngôn gửi gắm người nhà của Mã Siêu năm xưa, một Mã Mạc vốn bất tài cũng chẳng thể leo tới vị trí Thái thú trấn thủ một thành trì trọng yếu như Giang Du.

Nếu lịch sử quả thực tiếp diễn theo chiều hướng như vậy, thì cơ nghiệp Thục Hán ít ra còn có thể kéo dài được thêm một thời gian nữa. Chỉ tiếc rằng lịch sử vốn không có "nếu như", và những bậc tiền nhân như Mã Siêu, Lưu Bị có lẽ cũng chưa bao giờ có thể tiên liệu được thế cục bi thảm sau này.

*Theo quan điểm của Sohu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại