Ông Ngô Bá Trường (trú tại xã Quảng Điền) kể, từ 4h sáng cùng ngày, ông Trường đi ra ruộng kiểm tra thì phát hiện bao đê có dấu hiệu rạn nứt; nước chảy tràn từ đê ra ruộng dân.
“Chỉ trong vòng ít phút, một đoạn đê bị vỡ toác khoảng 10 mét, nước từ sông Krông Ana tràn vào số diện tích của người dân ở khu vực hạ du khiến chúng tôi không kịp trở tay”.
Người dân tham gia khắc phục sự cố đê vỡ
Theo người dân địa phương, mấy ngày nay họ luôn sống trong thấp thỏm, lo âu vì sợ nước có thể tràn qua đê bất cứ lúc nào. Nhưng không ai ngờ, đê lại vỡ một cách nhanh chóng đến như vậy.
Đất cát, cây gỗ được chở tới nơi đê vỡ để trám vá
Ngay sau sự việc xảy ra, huyện Krông Ana đã huy động lực lượng công an, quân đội cùng dân chúng tổ chức gia cố đoạn đê bị vỡ.
Theo quan sát của phóng viên báo Tiền Phong, vị trí vỡ đê nằm sát khu vực núi Bầu Rô, thuộc thôn 1, xã Quảng Điền. Đoạn này nằm ở vị trí cuối cùng của đê bao Quảng Điền. Lượng nước ở trên cao dồn về, chảy qua khu vực này, áp lực cực mạnh khiến đoạn đê bao vỡ tung.
Sự cố đê vỡ nằm khu vực núi Bầu Rô, thuộc thôn 1, xã Quảng Điền
Ông Võ Đại Huế - Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết, sự cố đê vỡ tại xã Quảng Điền đến giờ khiến ít nhất hơn 300 ha lúa của người dân mất trắng và thiệt hại chưa dừng lại ở đó.
Một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Krông Ana cho biết, cùng với lực lượng chức năng, người dân đã sử dụng cọc gỗ đóng bao quanh khu vực vỡ đê để ngăn nước tràn. Sau đó sẽ dùng lưới B40 và đất đá gói trong bao tải đắp lại đoạn đê vỡ trước đó.
Người dân kết cây bông gòn thành bè để gia cố cho đê
Công trình đê bao Quảng Điền có tổng vốn hơn 300 tỉ đồng, được đưa vào sử dụng năm 2014. Công trình này chạy dọc dòng sông Krông Ana, đi qua địa phận 2 huyện Krông Ana và huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) nhằm mục đích ngăn nước, phục vụ tưới tiêu cho vựa lúa ở hai huyện Krông Ana và Lắk. Hiện trên tuyến đê bao này nhiều đoạn đã xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng.
Đê Quảng Điền đang được gia cố