Trong phiên chất vấn sáng nay (31/10), ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) gửi đến Bộ trưởng TT&TT câu hỏi về quản lý nhà nước trên môi trường mạng hiện nay.
ĐB Vượt phản ánh, thực trạng các thông tin sai sự thật, xuyên tác, tin độc, tin bẩn, hình ảnh phản cảm, lợi dụng mạng để cá độ, đánh bạc ngàn tỷ, rửa tiền, thanh toán điện tử qua mạng, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn về KT-XH, đạo đức, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
"Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, Bộ TT&TT đã tập trung xử lý giải quyết tuy nhiên vấn đề trên vẫn là vấn đề nóng, lo lắng, bất an cho gia đình, xã hội và đất nước.
Bộ trưởng cho biết những giải pháp đột phá. Bộ trưởng có cam kết ngăn chặn, xử lý kịp thời vấn đề trên?", ông Vượt đặt câu hỏi.
Tại phiên chất vấn buổi chiều, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu, lâu nay trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm.
"Một ví dụ là sau lấy phiếu tín nhiệm, đã có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các Bộ trưởng. Thậm chí có cá nhân đăng lên là đại diện cho dân, đi ngược lòng dân. Tôi xin hỏi Chính phủ và Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?", ông Cương hỏi.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, câu chuyện thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ hay nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng hơn.
Ông nói, chúng ta sống trên không gian mạng được khoảng 10 năm, chưa nhiều kinh nghiệm và sự phát triển còn tiếp tục, trong khi đời sống thực đã có kinh nghiệm nhiều nghìn năm. Một số logic trong đời sống thực có thể mang sang áp dụng ở không gian ảo để xử lý thông tin sai.
"Thứ nhất, chúng ta phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật và cái này phải sửa một số quy định pháp luật.
Thứ hai, phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá tức là phải dùng pháp luật. Một ngày trên mạng xã hội tiếng Việt có 100 triệu thông tin nên chúng ta không thể dùng người được.
Hiện nay Bộ TT&TT bước đầu xây dựng trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng có thể đọc được 100 triệu tin/ngày và phân tích, đánh giá, phân loại.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có công cụ quét rác và đây là câu chuyện vừa pháp luật, vừa công nghệ.
Ở đây, cần chỉ ra một đầu mối xử lý và vấn đề này Chính phủ phải ra quyết định, còn công cụ quét rác, dọn dẹp là kỹ thuật - công nghệ có thể làm được", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hùng cho rằng, cái khó của chúng ta là có những mạng xã hội xuyên biên giới, cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam, dó đó phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt, yêu cầu gỡ bỏ thông tin.
"Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của EU, một số nước Đông Nam Á và quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật. Đồng thời, cần có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, mạng xã hội bây giờ không phải ảo nữa mà là thật rồi nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này. Đặc biệt, người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng.
Khi cái tốt lớn hơn thì cái xấu giảm đi và cần nâng cao nhận thức của người dân về việc thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên không phải cái gì xem cũng tin ngay. Cái này cần truyền thông.", ông Hùng nói thêm.