Liên quan đến vụ việc 2 bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn tại TP Hồ Chí Minh vì quá đói mà cướp bánh mỳ, toà án tuyên phạt 8 tháng 20 ngày tù giam với một trong hai người trong khi giá trị thiệt hại là 45.000 đồng.
Ngày 24/7, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo quan trọng, trong đó kết luận rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Tân 8 tháng 20 ngày tù và bị cáo Tuấn 10 tháng tù quá nghiêm khắc.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc xét xử từng vụ án cụ thể thì phải căn cứ vào hồ sơ, quá trình tố tụng, đặc biệt là quá trình xét hỏi, đánh giá toàn bộ mức độ hành vi để lượng hình đúng quy định luật pháp.
"Tôi chưa có điều kiện xem xét cụ thể vụ án này nhưng cũng thấy dư luận ồn ào rằng xử nặng. Mức án nặng hay nhẹ tôi chưa thể khẳng định được nhưng khi có dư luận mà Chánh án TANDTC có chỉ đạo như thế tôi cho là kịp thời.
Kể cả không có dư luận mà thấy có vấn đề thì cũng cần chỉ đạo xem xét lại, theo quy trình từ cấp xét xử sơ thẩm lên phúc thẩm và giám đốc thẩm", đại biểu Xuyền nêu quan điểm.
Ông Bùi Văn Xuyền.
Cũng theo ông Xuyền, tuỳ điều kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ án và tình hình địa phương mà có ý kiến khác nhau về mức án, nhưng trên tất cả là xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, để bị can, bị cáo "tâm phục khẩu phục", đảm bảo công minh thì mới có ý nghĩa giáo dục.
"Chúng ta cứ nói xử mức án như thế để răn đe là không phải, mà xử căn cứ đúng mức độ hậu quả và hành vi phạm tội gây ra", ông Xuyền nhấn mạnh và cho rằng, với hành vi cướp bánh mì nếu do quá đói thì có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ nhất.
"Trước đây có vụ chỉ cướp 15.000 đồng nhưng bị cáo không biết người bị hại chỉ có chừng ấy tiền trong người nên cũng bị xử 6 đến 9 tháng tù. Mức khung trong luật quy định nhưng có thể xem xét đánh giá nhiều tình tiết giảm nhẹ để có thể xử dưới khung.
Khi thẩm phán lượng hình thì căn cứ nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, hành vi đơn giản biểu hiện cố tình, nhận thức xã hội của bị can bị cáo... quy định trong luật thì có thể xử dưới khung hình phạt. Nhưng tội cướp là nặng nên có khung hình phạt cao", ông Xuyền nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, vụ việc xử lý 2 thanh niên này lại chưa thành niên, chưa đến tuổi trưởng thành nhưng phạm tội thì nhà nước ta có chính sách pháp luật, đường lối xử lý riêng đối với những người này.
"Đối với những vị thành niên phạm tội thì đáng lẽ ra phải có những biện pháp giáo dục để giúp đỡ họ phát triển lành mạnh trở thành người có ích cho xã hội hơn là việc đưa họ vào nhà tù để có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc", ông Chiến nói.
Đại biểu Chiến cũng nhấn mạnh thêm, đây là vụ việc thuộc về trật tự xã hội nên cũng cần thiết để xem xét xử lý. Nhưng việc đảm bảo trật tự an ninh xã hội phải phù hợp với từng đối tượng, đối với tính chất từng vụ việc để qua đó có hình thức xử lý, hình phạt phù hợp.
Trong trường hợp 2 thanh niên trộm bánh mỳ ở TP.HCM thì không nhất thiết cứ tống giam vào tù tất cả.
Trước đó, ngày 29/7, Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu viện trưởng Viện KSND TP.HCM thực hiện ngay việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng giảm nhẹ cho các bị cáo, đảm bảo đúng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo và nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu viện trưởng Viện KSND TP.HCM chỉ đạo việc kiểm tra áp dụng pháp luật và làm rõ những thiếu sót, vi phạm trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án trên theo quy định của pháp luật.