ĐBQH đề xuất đổi giờ làm, Bộ trưởng Nội vụ nói từ trước đến nay không có nghiên cứu, khảo sát

Hoàng Đan |

"Bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hoà việc tránh ùn tắc giao thông", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có trao đổi xung quanh đề xuất đổi giờ học, giờ làm mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đưa ra trước đó.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đề xuất đổi giờ học, giờ làm như đại biểu Quốc hội Cảnh đề xuất là ý kiến cần tham khảo.

Tuy nhiên, để quyết định thay đổi thì cần nhiều vấn đề liên quan như bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ tránh ùn tắc giao thông.

"Bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hoà việc tránh ùn tắc giao thông", ông Tân nói.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tập quán của chúng ta không nghỉ giờ trưa và anh chị em ở cơ quan cũng tranh thủ giờ làm buổi trưa.

"Ở cơ quan không có chỗ nghỉ, ăn cơm xong thường nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Vấn đề đổi giờ làm cần lắng nghe ý kiến của người lao động, rồi tổng hợp, bố trí hợp lý, người làm trước, người làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn, khi ra đường không bị ùn tắc", Bộ trưởng nêu.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, từ trước tới nay, Bộ không có nghiên cứu khảo sát để thay đổi giờ làm việc.

Ông nói, giờ làm hành chính phải phối hợp nhiều cơ quan, giờ làm việc theo quy chế chung, ví dụ phía Bắc bắt đầu làm việc là 8h nhưng phía Nam là 7h hoặc 7h 30 mới bắt đầu giờ làm, đó là do đặc điểm tình hình. Việc thống nhất chung cả nước thì rất khó, với vùng miền, thành phố lớn có tính đặc thù.

"Nói gì nói chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. Tăng giảm gì cũng theo Luật Lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cũng cho rằng, giờ làm việc phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng.

Đặc biệt, miền Trung thời tiết nóng khắc nghiệt hơn, giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn. "Vấn đề này, nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định giờ, chứ không nhất thiết thống nhất trong cả nước", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói.

Ông cho biết, ở Quảng Nam, giờ hiện nay áp dụng rất phù hợp. Ví dụ, buổi sáng, đối với cán bộ công chức 7h vào làm việc, 11h nghỉ, chiều bắt đầu làm việc từ 1h30 đến 5h, đủ 8 tiếng.

"Tôi công tác ở Quảng Nam 30 năm, tôi thấy giờ làm việc ở tỉnh Quảng Nam áp dụng như vậy là phù hợp. Còn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tuỳ theo thời tiết, khí hậu, mùa thì quyết định giờ làm việc", ông Phan Việt Cường cho hay.

Trả lời câu hỏi "có ý kiến cho rằng, thay đổi giờ làm sẽ giúp tăng năng suất lao động?", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng: Điều này phải đánh giá lại. Năng suất lao động tuỳ thuộc vào chất lượng công việc của mỗi người. Cho nên cần phải có đề tài khoa học để đánh giá thông qua giờ làm việc đánh giá năng suất lao động, chứ không thể nói đổi giờ mà làm chất lượng lao động tăng lên.

Tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội tại hội trường Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề cập về vấn đề giờ học, giờ làm.

Ông Cảnh cho rằng, hiện nay ở nước ta nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài làm việc lúc 8h30 hoặc 9h. Trên một tờ báo điện tử có diễn đàn ý kiến của độc giả, qua đó cho thấy có nhiều sự ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm vì vậy chúng ta cần tiếp tục xem xét.

"Chúng ta đang dùng thời giờ làm việc của nước nông nghiệp để áp đặt các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ là không phù hợp. Đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích tất cả giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả giờ làm, kỷ cương của công chức", đại biểu Cảnh nói.

Sau khi phân tích, đại biểu Cảnh cho rằng, đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết giao thông ở các đô thị lớn mà cái lớn hơn nhiều đó là nâng cao hiệu quả giờ làm việc, giúp xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, giúp cải cách hành chính, bảo đảm sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội theo hướng văn minh hiện đại.

Đại biểu Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng và chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với giờ làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại