ĐBQH lo ngại có “nghị gật” hội trường không hiểu tình hình địa phương

Hoàng Đan |

ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nếu không có cơ chế thu hút cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND dễ dẫn đến tình trạng ĐB không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được.

Đại biểu Quốc hội lo thiếu người tài trong HĐND các cấp sẽ có nhiều 'nghị gật'

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một trong những vấn đề được quan tâm là có giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh hay không.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, mỗi tỉnh có hai Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách không phụ thuộc Chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Theo vị ĐB đoàn TP Hà Nội, trong định hướng của Đảng dự kiến đa số Bí thư sẽ là Chủ tịch HĐND, trường hợp chuyên trách là tình huống không phổ biến, không kéo dài. Hơn nữa, giám sát đòi hỏi chuyên môn cao, với hai Phó Chủ tịch mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát, khi đó mới có hiệu quả.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, ông Hiểu đồng ý "dứt khoát phải giảm, chỉ còn 1".

Dù vậy, theo quan điểm của ông Hiển, khi bàn giảm hay tăng ĐB hoạt động chuyên trách thì giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào cần giữ thì phải giữ.

"Quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm ĐB HĐND, đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không dù tăng biên chế, giữ nguyên hay thế nào thì cũng không giải quyết được.

Nếu không có thể dẫn đến việc rất phản cảm mà có nhiều nơi người ta dùng đến từ "nghị gật", tức là ĐB không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, trong khi nhân dân thì nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất lạnh, không có ĐB nào có ý kiến gì cả", ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu ở nghị trường.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề, qua nghiên cứu và hôm qua khi góp ý về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức, Luật viên chức, ông đã đề cập về việc từ chức của cán bộ, công chức nhưng Dự luật không có quy định đó. 

 “Cán bộ, công chức chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, không cho phép người ta từ chức thì tại sao trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Ban soạn thảo lại đưa bổ sung là cho từ chức. 

Nếu cán bộ, công chức không cho người ta quyền được từ chức mà người ta viết đơn từ chức thì có nghĩa là vi phạm pháp luật. Hai luật này cùng một cơ quan soạn thảo nhưng lại vênh điểm này. Tôi đề nghị chúng ta phải soi lại, nếu không đưa điều luật này ra thì xử lý cán bộ của chúng ta như thế nào”, ông nói.

Cần rà soát quy định đại biểu sau vướng kỷ luật rồi lại xin nghỉ vì lý do sức khỏe

Còn ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) góp ý vào điều 27 sửa đổi điều khoản 1 điều 101, quy định, đại biểu HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.

ĐBQH lo ngại có “nghị gật” hội trường không hiểu tình hình địa phương - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy.

Theo ĐB Thủy, quy định như vậy đối với ĐBQH hay đại biểu HĐND khi vướng vào kỷ luật rồi có đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe, "nhưng có đúng là vì lý do sức khỏe không".

Bà nói, trên thực tế có nhiều ĐB trong quá trình nhiệm vụ bị vướng vào kỷ luật Đảng rồi làm đơn xin thôi nhiệm vụ ĐB.

"Đáng ra họ cứ viết thẳng ra một cách công khai minh bạch, trung thực với tổ chức, với nhân dân vì bị kỷ luật không còn xứng đáng làm ĐB nữa nên xin thôi. Chứ không phải ĐB sau vướng kỷ luật rồi lại xin nghỉ vì lý do sức khỏe, tôi thấy như vậy không đúng, ĐB không trung thực với nhân dân", ĐB Thủy nói và cho rằng cần phải rà soát lại quy định này.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thì cả hệ thống chính trị đều phải làm.

"Nhưng tinh giản biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ vào nhiệm vụ từng cơ quan", bà Quyết Tâm nói và lưu ý, có nơi cần giảm nhưng có nơi phải tăng, không máy móc cào bằng.

Theo bà Tâm, để tăng chất lượng hoạt động của HĐND thì phải tăng số lượng ĐB chuyên trách. Vì vậy, bà đề nghị cân nhắc tăng biên chế chuyên trách ở HĐND cấp tỉnh.

"Chủ tịch HĐND tỉnh có thể chuyên trách hoặc không tuỳ thuộc tình hình cụ thể, nhưng phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. Nếu Quốc hội thấy khó quá về biên chế thì cũng không nên cào bằng các tỉnh, TP", nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nói.

Từ thực tế, bà Tâm cho biết, ở những tỉnh, TP lớn, dân số đông thì số lượng đại biểu HĐND đông. Tương tự là số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh. Bà lấy ví dụ ở TP Hồ Chí Minh có 2 Phó Ban chuyên trách là cần thiết, giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của các ban chuyên trách và hoạt động thẩm tra, giám sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại