Đại biểu QH đề nghị công khai danh tính 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc để dân biết, giám sát

Minh Phong |

Đại biểu QH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng các cơ quan có trách nhiệm liên quan đang quá chậm trễ trong việc công khai danh sách 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc khi đi cùng chuyên cơ trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội vào tháng 12-2018.

Liên quan đến vụ việc 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi đi cùng chuyên cơ trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội vào tháng 12-2018, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 27-9, ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho rằng các cơ quan chức năng đang quá chậm trễ trong việc công bố danh tính 9 người này.

"Tại sao đến bây giờ vẫn chưa công khai danh sách 9 người bỏ trốn mà vẫn cứ "úp úp mở mở", nhập nhèm như vậy. Phải công khai những cá nhân đó ra để dư luận đánh giá xem những người đó mà cũng lên được chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội" - ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh đặt vấn đề.

Theo ông Nguyễn Tiến Sinh, trong sự việc này, quá trình lựa chọn, quản lý, chuẩn bị cho đoàn đi công tác là có vấn đề, sơ suất.

Đại biểu QH đề nghị công khai danh tính 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc để dân biết, giám sát - Ảnh 1.

Đài MBC của Hàn Quốc đưa tin 9 người trong đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc bỏ trốn - Ảnh: Đài MBC

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, trong trường hợp lựa chọn doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài thì những doanh nghiệp được chọn phải có tầm cỡ ở trong nước, không thể chọn hời hợt để rồi họ bỏ trốn ở lại nước ngoài. "Việc bỏ trốn không chỉ ảnh hưởng đến đoàn công tác thời điểm đó mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh và quan hệ quốc tế" - ông Sinh nhấn mạnh.

Một lần nữa ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh cho rằng cần sớm công khai danh sách 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc để xem họ là ai, để người dân nắm được và giám sát các hoạt động sau này.

Trước đó vào tháng 12-2018, sau khi Chủ tịch Quốc hội kết thúc chuyến thăm tại Hàn Quốc, các cơ quan chức năng của Việt nam đã phát hiện có người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.

Trong quá trình lưu trú tại Hàn Quốc, ban tổ chức chuyến công tác đã giữ hộ chiếu của những người này phục vụ công tác quản lý chung của đoàn. Sau khi về Việt Nam, số hộ chiếu đã được Bộ KH-ĐT bàn giao cho cơ quan chức năng để làm rõ, truy tìm những cá nhân bỏ trốn, đến nay có 2 người đã về nước.

Bộ KH-ĐT cho biết việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các hoạt động chính trị, ngoại giao ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao kết hợp phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, hiện thực hóa các cam kết về hội nhập.

Sau sự cố 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, Bộ KH-ĐT cho rằng những người này đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, bỏ cả hộ chiếu lại. "Toàn bộ số hộ chiếu này, sau đó đã được Cục Đầu tư nước ngoài bàn giao cho các cơ quan chức năng"- Bộ KH-ĐT cho hay và khẳng định phải nghiêm túc rút kinh nghiệm khi lần đầu tiên xảy ra một sự cố như vậy.

Ngoài việc phối hợp với các cơ quan khác truy tìm những người đang bỏ trốn, Bộ KH-ĐT cho biết trong trường hợp phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, bộ sẽ không bao che mà nghiêm khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật.

"Bộ coi đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo. Bộ sẽ siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức, quản lý chặt chẽ đoàn doanh nghiệp đi nước ngoài tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước"- Bộ KH-ĐT khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại