ĐB Nguyễn Sỹ Cương: 'Cứ cháy nhà, chết người rồi mới rà soát, xử nghiêm'

Hoàng Đan |

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã bày tỏ bức xúc trên nghị trường trước việc nhiều vụ tai nạn, hoả hoạn nghiêm trọng xảy ra và quản lý Nhà nước thường "chạy" theo sau.

Phát biểu trước Quốc hội vào chiều 2/11, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Chính phủ rất quyết liệt nhưng xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và chưa rõ nguyên nhân.

"Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội là những vấn đề bức xúc đó đều có 1 điểm chung, nguyên nhân là do sự vận hành của bộ máy Nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

Thực tế, những vấn đề xảy ra cái gì cũng có thể được giải thích do buông lỏng quản lý và sự giải thích đó luôn luôn đúng", ông nói.

Ông Cương cũng nhìn nhận thực tế hiện nay, quản lý Nhà nước luôn đi sau các vấn đề cần được quản lý, khi xảy ra sự vụ bức xúc đều được giải thích do buông lỏng quản lý.

Ông Cương điểm lại hàng loạt vụ việc như sập mỏ khai thác đá, vài chục người chết; sạt lở bãi thải, vài gia đình bị chôn vùi; lật du thuyền trái phép, nhiều người chết; cháy cơ sở karaoke ở Hà Nội làm chết nhiều người... và bày tỏ:

"Cứ xảy ra rồi đại diện chính quyền mới đến, tuyên bố sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm. Vâng, lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không đợi đến khi xảy ra mới làm".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ công chức đông như thế thì tình trạng tinh giản biên chế gần như "giậm chân tại chỗ".

"Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với tôi, chính quyền kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn việc gì không biết chứ có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sản xuất biết tuốt và việc thăm hỏi là thường xuyên", vị ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề cập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình về vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm"

Theo Bộ trưởng Tân, Bộ Nội vụ đã hoàn thành nghiên cứu cán bộ công chức cấp hàm trong hệ thống các chức danh, chức vụ ở cơ quan hành chính Nhà nước.

Bộ đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc nghiên cứu bổ nhiệm chức danh hàm.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo giao cho Bộ tiếp tục hoàn thiện đề án theo hướng xác định rõ, giải thích văn bản pháp luật ban hành, chế độ bổ nhiệm hàm là theo Nghị định của Chính phủ hay quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bởi vì trong Luật Cán bộ công chức không có chức danh hàm nên gây khó khăn trong việc xây dựng Nghị định. Đến ngày 19/7/2016, Bộ đã có báo cáo số 3431 gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xây dựng văn bản pháp luật bổ nhiệm chức danh hàm.

"Đến ngày 11/8, Văn phòng CP có văn bản nêu ý kiến của Phó Thủ tướng giao Bộ phối hợp với Ban Tổ chức TƯ để xây dựng dự thảo Nghị định này để xin ý kiến Bộ Chính trị.

Ban Tổ chức TƯ và Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Theo ý kiến của Ban tổ chức TƯ chúng tôi có trình Thủ tướng CP việc tiếp tục nghiên cứu để sau khi hoàn chỉnh việc bổ sung 2 quyết định cán bộ của Đảng chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ xây dựng chức danh hàm", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay, chức danh Thư ký của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư các tỉnh ủy không có trong Luật Cán bộ công chức nên sẽ bổ sung cùng với đề án trên.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại