Dạy trực tuyến hiệu quả xuất phát từ nhu cầu muốn học của học sinh

Phương Cúc |

Học trực tuyến truyền hình là giải pháp tình thế hiệu quả nhất đối với việc học tập của các em học sinh lớp 12 hiện nay.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng đã hướng dẫn các trường dạy học song song qua 2 kênh: truyền hình và internet nhằm đảm bảo lượng kiến thức cho học sinh các cấp đặc biệt là lớp 9 và lớp 12.

Từ sáng 16/3, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình TP Đà Nẵng tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình học trên truyền hình các môn dành cho học sinh lớp 12 ôn luyện, học tập.

Các bài giảng trên truyền hình là các bài ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia, bao gồm các môn học: Toán, Anh, Văn, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Hoá học.

Em Nguyễn Đình Thức, học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Sơn Trà cho biết, học qua truyền hình giúp em củng cố kiến thức: "Chúng em có thể xem đi xem lại nhiều lần nên có thể hiểu hơn.

Thầy cô dạy rất dễ hiểu nên chúng em có thể tiếp thu bài tốt hơn".

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hiền, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho rằng, học trực tuyến truyền hình là giải pháp tình thế hiệu quả nhất đối với việc học tập của các em học sinh lớp 12 hiện nay.

Nhưng để việc học trực tuyến đạt hiệu quả, học sinh phải chủ động, xuất phát từ nhu cầu muốn học. Vì vậy, việc lùi lịch thi THPT quốc gia trong hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học quá nhiều vì dịch Covid-19 là một giải pháp đúng đắn và cần thiết.

Theo cô Huệ, đề thi sắp tới chỉ nên giới hạn trong bộ đề ôn tập kỳ 2 lớp 12: "Bộ cũng ban hành đề minh hoạ rồi, chúng tôi cũng sẽ bám đó để triển khai cho học sinh.

Tôi cũng mong muốn rằng những gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thì khi triển khai thi thực tế đề thi cũng nên sát với thực tế học để các em khỏi bỡ ngỡ".

Với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm nay học sinh tại Đà Nẵng vẫn thi 3 môn: Toán, Văn, Anh. Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, nhà trường vẫn đang triển khai dạy học qua phần mềm zoom (học trực tuyến).

Phần mềm học trực tuyến này giống như một phòng học thu nhỏ, có thể rà soát, đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua kênh này.

Tuy nhiên, theo thầy Phước, phương pháp học trực tuyến dẫu sao cũng chỉ là hỗ trợ không thể thay thế học tại lớp. Vì vậy, đề thi chuyển cấp của lớp 9 năm nay nên tinh giản nội dung chương trình học.

"Nếu thực hiện thi 3 môn Toán, Văn, Anh thì cũng được nhưng có thể tinh giản bớt nội dung. Những nội dung nào nâng cao, những nội dung nào cần tinh giản trong chương trình học kỳ 2 thì nên thông báo sớm để các trường thông báo đến các em học sinh.

Nhà trường cũng sẽ chủ động xây dựng lại kế hoạch dạy học của mình, tập trung vào các phần còn lại để bổ túc cho các em có kiến thức nền tảng để thi vào lớp 10", thầy Phước nêu ý kiến.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, trong đó cho lùi kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8/2020 và tinh giản chương trình học các cấp.

Theo công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các môn theo chương trình nâng cao, nhà trường căn cứ vào nội dung Bộ đưa ra để chủ động giảm tải phù hợp với đặc thù của môn.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, vì dịch bệnh kéo dài, bắt đầu từ hôm nay (1/4), Sở sẽ tiến hành hướng dẫn các trường dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Nhưng có một khó khăn là không phải tất cả học sinh đều có điều kiện về thiết bị để học trực tuyến. Ông Mai Tấn Linh cho rằng, để vượt qua những khó khăn này, Đà Nẵng phải tiến hành song song 2 kênh dạy học trên truyền hình và internet.

"Khó hiện nay chúng tôi thấy đó là khâu kiểm tra đánh giá. Bây giờ chúng tôi vẫn xác định: trong tình huống giai đoạn đầu là ôn tập thì hoàn toàn không cho điểm.

Nhưng kể từ giai đoạn có chỉ đạo của Bộ, nếu như trong quá trình học tương tác giữa giáo viên và học sinh, những học sinh nào có ý tưởng phát triển tốt thì để động viên các em thì sẽ lấy đó làm điểm kiểm tra miệng.

Với những bài kiểm tra định kỳ thì phải khi nào các em đi học, giáo viên dạy và học sinh có mặt đầy đủ thì mới cho kiểm tra đồng loạt lấy điểm cho công bằng với các em", ông Linh nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại