'Bô lão vé số' mùa Covid-19: 'Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày'

Huy Hậu. Ảnh: Hải Long |

Hơn chục 'bô lão', mỗi người mỗi cảnh, nhưng đều bởi vì nghèo, không gia đình, không người chăm sóc, nên dù đã ngoài 70, già yếu, bệnh tật, họ vẫn bám trụ Sài Gòn, kiếm từng đồng cơm bằng những tờ vé số và cả lòng thương cảm của những người xa lạ.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 1.

"Ba với cô chú nhất định trở về hôm nay nhé…" - anh Út nhắc lại lần nữa qua điện thoại. 

Sáng nay, 6h, sau khi đọc thông tin toàn bộ xe khách liên tỉnh tại TP.HCM sẽ tạm ngưng hoạt động, anh Út đã tức tốc chạy ra các bến xe huyện, với hy vọng tìm được 8 chiếc vé cuối cùng.

"Hết rồi, hết sạch vé về Phú Yên rồi ba ạ. Hay ba với mọi người ra đường lộ đi. Xe chạy Bắc Nam nhiều lắm, có ghế ngồi ghế, đứng thì đứng, nhất định phải về…" - anh nói. Ông Tiếng (59 tuổi) ngồi trong góc nhà, không biết đáp gì với cậu con trai. 

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 2.

Những người già bán vé số ở Sài Gòn thường sống chung với nhau trong những căn nhà tập thể.

5 hôm trước, trong cuộc gọi điện về quê, ông dặn: "Các con mua gạo trữ đi. Dịch có thể ra tới ngoài đó".

"Thôi ba ơi! Tới đâu hay tới đó, tiền đâu mua gạo", 4 đứa con chen nhau trả lời.

3 con lớn của ông Tiếng đi biển đánh cá ở Phan Thiết (Bình Thuận). Đợt vừa rồi, Bình Thuận có ca dương tính Covid-19, tàu phải đóng bến hơn tháng. 3 anh em dắt díu về quê, sống bằng mớ rau rá vợ con trồng quanh nhà. Nhưng tháng 3, nắng lớn, cây mọc tới lóng tay đã khô như rơm. 

Còn anh Út thì từ nhỏ chân tay đã dễ gãy. Thương bố mẹ lắm, năm trước, anh xin chân phụ xe múc ở Nha Trang. Xe chạy được giáp tháng thì anh gặp nạn, xương lại gãy, vợ chồng ông Tiếng tiếp tục quay vào Sài Gòn kiếm sống.

Cúp điện thoại, ông Tiếng lục vốc tiền trong túi rồi đi thẳng ra chợ. Ông mua 4 thùng mì, mỗi thùng 70.000 đồng, 15kg gạo, loại 150.000 đồng/bao rồi thuê xe chở ra bến xe gửi về quê. "Ba mua đồ dự trữ cho tụi con rồi đấy! Sáng mai ra xe lấy. Giữ đó mà chống dịch. Ba má ở Sài Gòn, tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho, có thể sống qua ngày…" - ông khoe.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 3.

Nghe xong, anh Út chỉ biết khóc.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 4.

Căn nhà ông Tiếng thuê nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP HCM), rộng chừng 70m2, một trệt, một lầu, là nơi cư trú của gần 20 cụ già suốt 11 năm nay. Lớn nhất đã 85 tuổi, ít hơn thì 80, 70, 60 tuổi đều có. Nhưng tùy lúc, có khi nó cũng lên đến ba bốn chục người.

Trẻ, chân tay lành lặn thì ngủ tầng trên, già cả, tàn tật ở dưới đất. Một người một manh chiếu, nằm chen chúc nhau.

Ông Tiếng cũng từng là dân bán vé số dạo trước khi bị cái chân "hư" và một bên mắt mù làm cho nghỉ hẳn. Giờ, vợ chồng ông chỉ đi đứng trong nhà, quản lý, lo chuyện cơm nước, lãnh-đổi-trả vé số nhà cho bà con người già cùng ở. Mỗi tờ như thế, ông nhận 200-300 đồng hoa hồng, nhưng chỉ cần 1 lần vé số giả thì có thể mất 100.000 đồng đến hơn triệu.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 5.

Một người một manh chiếu nằm ngủ.

Công việc của các "bô lão vé số" bắt đầu sau 5h chiều. Đó là giờ vé số ra lò. Ban ngày, họ nằm ngủ, ăn 2 bữa cơm, hoặc ngồi bó giò cùng nhau thư giãn bằng một bộ phim trên chiếc tivi cũ.

Nhưng từ sau Tết, dịch Covid-19 xuất hiện ở TP.HCM, quán xá vắng khách nhậu, họ phải tận dụng cả ngày lẫn đêm. 

6h sáng, nhà tập thể vắng tanh. Người già đã tủa ra các điểm chợ từ sớm, hy vọng có thể hết số vé trước 4h chiều. Nếu sau giờ này mà không kịp về ăn cơm, đồng nghĩa họ sẽ phải giữ chiếc bụng đói, tiếp tục đi bán qua 2h sáng hôm sau. 

Số tiền tiết kiệm đã hết sau chuyến về quê ăn Tết, vé xe cộ quá đắt đỏ trong khi chân tiền trọ vẫn đóng đều theo tháng,… là những lý do khiến người già như ông Tiếng, dù buôn bán ế ẩm, vẫn quyết bám trụ Sài Gòn, gia tăng đoạn đường và thời gian bán xuyên đêm.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 6.

Họ quyết bám trụ Sài Gòn, kiếm từng đồng cơm bằng những tờ vé số và cả lòng thương cảm của mọi người về sự nghèo khổ, đơn côi, nhọc nhằn…

Thứ 5, ngày 26/3, các quán nhậu cuối cùng đã đóng cửa. Buổi chiều, ông Tiếng đã đưa bà Hai 'Cụt' (85 tuổi), ông Sâu (84 tuổi), cùng 4 người già nhất về quê tránh dịch. Căn nhà giờ còn 8 người, rộng nhưng buồn hiu hắt.

Ông Hải (60 tuổi) ngồi tỉ mẩn đếm mớ tiền lẻ. "1 triệu 4 trăm 50 ngàn không lẻ thêm một đồng". Đó là toàn bộ tài sản ông thu được sau Tết bằng cách tằn tiện, ra đường chỉ uống ly nước mía 5 nghìn đồng cầm hơi.

5 năm trước, trên đường đi làm về, ông Hải bị xe tải hất tung lên trụ điện rơi xuống. Đợt đó, ông nằm viện 2 tháng rưỡi, mất một ngón chân, gãy đôi xương vai trái lún sâu 2 cm. Mẹ ông (nay 90 tuổi) phải bán số hơn năm mới đủ tiền nuôi con. Qua năm, mất khả năng lao động, ông vào Sài Gòn, đẩy xe lăn phụ mẹ cùng đi bán vé số.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 7.

Ông Hải dơ ngón chân bị cụt sau vụ tai nạn.

Được 3 năm thì mẹ con ông Hải tiếp tục bị một thanh niên vượt đèn đỏ tông. Chiếc xe lăn gãy đôi, ông Hải ôm bà già lăn 4-5 vòng, nhưng chàng thanh niên chỉ bảo: "Tui đưa 500.000 ngàn, hổng lấy tui chạy cũng vậy…". 2h sáng, ông cắn răng nhận.

Từ sau vụ tai nạn đó, mẹ ông về quê rồi lẫn hẳn. Mình ông Hải ở thành phố, tháng tháng gửi vài trăm nghìn tiền phụng dưỡng mẹ. Gần Tết vừa rồi, người mua còn nỡ lòng giựt ông 700.000 đồng tiền vé số. Trả nợ cho chủ vừa dứt thì dịch vào, tiền không có, mẹ vẫn lẫn, ông chấp nhận ở lại Sài Gòn bán vé số.

Nhiều gia đình cả mẹ và con, đã già, đều ở chung với nhau để cùng bán vé số.

Nhà bà Thảo (71 tuổi) khá khẩm hơn xíu khi còn đông con. Nhưng đứa thì đào mì, đứa hái cà phê đâu đâu tút tận Buôn Mê Thuột, "6 đứa mà một hột cơm chín cũng không đủ để nuôi ba mẹ", bà nói vậy.

Bà Thảo bị bệnh tiểu đường nặng. Tháng nào có tiền bốc thuốc thì khoẻ. Hết thuốc, chân tay phình ra, ứ nước như bị ong đốt khiến bà không tài nào ra khỏi giường được.

"Ở quê làm gì ra tiền mà về chi cậu? Nghỉ hơn 2 tháng, tiền nhà vẫn đóng, không đi bán số, tiền tích luỹ đã hết, lúc đó chắc bệnh trước dịch rồi" - bà Thảo cười, phân trần.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 9.

"Nghèo", "không gia đình", "con cái không đủ kinh tế để nuôi dưỡng"... là lý do khiến người già ở nhiều địa phương bám trụ Sài Gòn kiếm sống.

Bà Mai (61 tuổi) thì có cậu con trai học giỏi lắm. Thế mà, đến năm lớp 12, thi rớt đại học, buồn chán, sau đó đi hiến máu xong về phát bệnh. "Lúc tỉnh còn nói năng đàng hoàng, chứ lên cơn thì nó đánh cha, bóp cổ mẹ như khúc gỗ" - bà kể.

Bà Mai xây cái nhà riêng, giam lỏng con trai vô đó, 2 buổi cha bỏ cơm qua khe cửa cho con. Còn bà thì bỏ đi Sài Gòn, đến nay đã hơn năm chưa về nhưng tiền vẫn gửi đều đặn.

Hơn chục người già, mỗi người mỗi cảnh, nhưng bởi vì nghèo, không gia đình, con cái không đủ kinh tế để nuôi dưỡng..., nên dù đã ngoài 70, già yếu, bệnh tật, họ vẫn bám trụ Sài Gòn, kiếm từng đồng cơm bằng những tờ vé số và cả lòng thương cảm của những người xa lạ về sự nghèo khổ, đơn côi, nhọc nhằn…

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 11.

Những đôi chân bị biến dạng vì đi nhiều.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 12.

8h10. "Xe Cúc Tư còn 2 ghế trống, ba cho cô chú về trước nhé. Con sẽ kiếm thêm cho ba…" - anh Út reo lên trong điện thoại. Ông Tiếng gọi hỏi từng người, tất cả im lặng một lúc lâu rồi đồng ý.

9h, chị Đào về nhà đầu tiên đã vội đi tìm bà Liễu 'què' (62 tuổi). Bà hay lết bán vé số ở chợ Tân Mỹ (Q.7). Ngày thường, cứ lết 2 cái chân vẹo như khúc gỗ hết một vòng chợ thì vừa chẵn trăm tờ vé số rồi về. Nhưng mấy nay, khách vãn, bà phải lết vào tận hẻm sâu khiến chị Đào dong xe, tìm "nổ đom đóm mắt".

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 13.

Bà Liễu (62 tuổi), hỏng chân, không chồng con, đang nuôi mẹ già trên 90 tuổi bằng những đồng tiền vé số.

10h30, anh Tòng (43 tuổi), ông Hải, bà Mai, bà Thảo cũng đã về. Ông Tiếng vừa gom vé "ế" thành cục cao gần 2 gang tay, vừa nhắc: "Ăn nhanh để xếp đồ! Được xe nào thì về xe nấy". Mọi người đều ngồi ở góc nhà, ăn dấy ăn dá cơm trắng với rau muống luộc.

12h, điện thoại reo: "Xin lỗi, xe em đủ chỗ rồi… Anh ráng kiếm xe khác…", thêm chút nữa lại có tiếng xin lỗi vang lên khiến 8 người già xìu hẳng.

"Giờ sao Tiếng? Còn vài tiếng nữa... Đừng bỏ tụi tui ở lại một mình nghen!" - bà Thảo hỏi. 

"Về về chung, ở thì ở chung. Yên tâm, nếu không còn ghế thì tui sẽ là người ở lại…" - ông Tiếng nói, trong khi mỗi người đã một góc tường, dán mắt vào chiếc điện thoại trắng đen liên tục gọi điện tìm những chiếc vé cuối cùng.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 14.

Xấp vé số cao hơn cả 2 gang tay lần đầu tiên có trong 11 năm.

Mọi người đều đang đợi chuyến xe cuối cùng trở về nhà.

14h, chị Đào tìm thêm được 3 ghế cuối. "Người già, tàn tật đi trước nhé. Đào theo phụ, chỉ mình mày bế nổi bà Liễu. Tòng cụt tay cùng về luôn…" - ông Tiếng đề nghị, nhưng mấy bà già vẫn ngồi lì, không ai chịu nhúc nhích.

"Đi cùng đi, ở cùng ở, con không thể về trước" - Đào từ chối, bà Thảo đồng ý theo. Đến lúc ông Tiếng bảo: "Hay giờ ra lộ có ghế ngồi thì ngồi, luồng ngồi luồng, không bỏ ai ở lại." thì cả nhà mới gật đầu nhất trí, huỷ xe.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 16.

Ông Tiếng bế bà Liễu lên xe.

Xe lăn, nón lá đã gom chất đống trong kho, gạo, mì tôm ông Tiếng đã bỏ lên xe đẩy ra lộ, quần áo, bánh trái, quà từ thiện thì bà Thảo, Đào đã đóng vào những chiếc thùng cát-tông… 14h30, đội quân bô lão vé số Sài Gòn tiến thẳng ra đường. 

Hôm nay, họ trở về quê, cùng nhau.

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 17.

***

Khi bài viết này kết thúc, 7/8 người già trong khu tập thể của ông Tiếng đã trở về với gia đình. Riêng bà Mai chọn ở lại Sài Gòn. Ban sáng, con gái bà gọi vào, nó không ngừng khóc khi nghe mẹ bảo: "Má không về!". Ông Tiếng đành gửi bà sang một nhà ký túc khác, vẫn còn người ở lại để tiện bề chăm sóc khi bà cần.

5h chiều, vé số ra lò, bà Mai đội chiếc nón lá, cài thêm chiếc khẩu trang, tiếp tục đi bán. 

Con đường Trần Xuân Soạn (Q7, TP.HCM) nhộn nhịp quán nhậu, nay vắng ngắt, lẻ tẻ ánh đèn hắt ra bờ sông. 

Bô lão vé số mùa Covid-19: Ba má ở Sài Gòn tiền lớn không có, chứ cơm rau người ta cho có thể sống qua ngày - Ảnh 18.

Bà Mai một mình ở lại Sài Gòn, đêm 28 vẫn tiếp tục đi bán vé số.

19h15’, bà Mai cuối cùng cũng đi hết con đường. Bà bán được 15 tờ vé số, thu lời tầm 17.000 đồng, cho 2 tiếng đồng hồ cuốc bộ.

Từ 1/4, vé số sẽ ngừng phát hành 15 ngày.

TP.HCM đề xuất hỗ trợ người bán vé số 50.000 đồng/ngày

Ngày 1/4, Sở LĐTBXHTP HCM đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND TP, đề xuấtviệc hỗ trợ người bánvé sốtrên địa bàn gặp khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, qua thống kê ban đầu của các quận, huyện, hiện nay có 7.978 người bán vé số cư trú trên địa bàn (thường trú và tạm trú) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19,tác động làm giảm thu nhập, ngưng việc làm.

Do đó, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề xuất UBND TP hỗ trợ cho đối tượng trên 50.000đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ: 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ là gần 6 tỷđồng. Sở LĐTBXH đề xuất chi từ Quỹ Vì người nghèo TP và quận, huyện.

Trướcđó, tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn TP hôm 30/3, Chủ tịch UBND TP cho biết Chính phủ đã có thông báo tạm ngưng dịch vụ xổ số trong 15 ngày, từ ngày 1/4. Như vậy, sắp tới một bộ phận người bán vé số sẽ rất khó khăn.

Những người này thường từ các tỉnh đến TP bán vé số lấy tiền hoa hồng kiếm sống qua ngày, có người còn phải gửi tiền về nuôi gia đình, đa phần rất khó khăn.

Do vậy, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở LĐTBXH có phương án hỗ trợ những người bán vé số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại