Bàn giao tới đâu, thi công đến đó
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32km (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (gọi tắt là Ban Hạ tầng, chủ đầu tư) cho biết, dự án được khởi công từ tháng 2/2023. Trong năm 2023 đã có 9/10 gói thầu của dự án đã được khởi công xây dựng, đến nay tiến độ thi công luôn đảm bảo kế hoạch đề ra.
Sáng 12/1, UBND quận 12 phối hợp UBND quận Gò Vấp và chủ đầu tư đã tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận mặt bằng gói thầu xây lắp còn lại thuộc dự án (gói thầu xây lắp số 10). Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Hạ tầng cho biết, gói thầu xây lắp số 10 với chiều dài khoảng 8,3km đi qua địa bàn quận 12, Gò Vấp là gói thầu cuối cùng của dự án, ảnh hưởng đến 225 hộ dân.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu và có kế hoạch thi công chi tiết. Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ phối hợp với các sở ngành, đặc biệt là các địa phương để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch vào dịp 30/4/2025, đảm bảo chất lượng công trình, mỹ quan đô thị và an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường.
Ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TPHCM cho biết, tháng 11/2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo thi đua 60 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, có yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương rà soát đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng với 79 dự án để giải ngân vốn thi công xây lắp, trong đó có dự án này.
Linh hoạt trong GPMB
Theo ghi nhận của PV, các công trình giao thông trọng điểm ở tỉnh Bình Dương đang gặp khó ở khâu GPMB, tái định cư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Để khắc phục tình trạng này, Bình Dương đã linh hoạt đưa ra giải pháp, tránh gián đoạn dự án. Đơn cử, dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km với kinh phí đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng.
Dự án đang vướng ở khâu tái định cư khi thiếu đất để bố trí tập trung. Để khắc phục tình trạng này, Bình Dương đã bố trí đất với giá trị tương đương hoặc cao hơn ở những nơi riêng lẻ khác nhau.
Vào những ngày đầu năm 2024, UBND TP Dĩ An (Bình Dương) đã tổ chức cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 TPHCM bốc thăm chọn suất tái định cư. Trong giai đoạn 1 của dự án, TP Dĩ An bố trí 205 nền tái định cư tại khu tái định cư đất công phường Đông Hòa (198 nền) và 7 nền tại khu tái định cư khu phố Thống Nhất 1 (phường Dĩ An). Đơn giá đất nền tái định cư dao động từ 29 - 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí thửa đất.
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, dự án mở rộng quốc lộ 13 đang gặp vướng trong di dời lưới điện, GPMB. Dự kiến trong quý 1/2024, Bình Dương hoàn tất thủ tục di dời lưới điện. Hiện nay, trên quốc lộ 13 đoạn mở rộng dài gần 13km có đường dây điện 22 kV chưa di dời.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn cho biết, trước mắt để không làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, Bình Dương thống nhất tạm ứng ngân sách để di dời lưới điện.
Ngày 12/1, Ban Quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư (Ban QLDABT) tỉnh Đồng Nai đã tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (giai đoạn 1) đoạn qua địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban QLDABT chi trả đợt đầu tiên cho 79 hộ và một tổ chức tôn giáo có đất bị thu hồi tại huyện Long Thành số tiền trên 160,5 tỷ đồng với diện tích đất thu hồi 17,8 ha.
Ngoài ra, UBND thành phố Biên Hòa đã phê duyệt phương án bồi thường được 34 trường hợp với số tiền 113,9 tỷ đồng với diện tích thu hồi là trên 60,5 ngàn m2. Ban QLDABT đang tiếp tục lập phương án bồi thường đối với 36 trường hợp đủ điều kiện tại phường Tam Phước với số tiền khoảng 61 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thiện phương án để tổ chức niêm yết và trình phê duyệt trước ngày 28/1.
Một dự án trọng điểm khác trên địa bàn Đồng Nai cũng đang được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đó là dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Dự án này có 11,2km qua địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhưng từ khi khởi công vào tháng 6/2023 dự án vẫn chưa thi công được do chưa có mặt bằng. Dự án này đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB ngay từ đầu năm. Đến ngày 10/1, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch đã chi trả gần 57 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 28 hộ dân thuộc vùng dự án đường Vành đai 3- TPHCM.