Nhà tắm, nhà vệ sinh là một trong những căn phòng quan trọng nhất trong kết cấu của một ngôi nhà. Bên trong phòng sẽ được lắp đặt các trang thiết bị cần thiết để phục vụ nhu cầu sử dụng của con người như bồn cầu, bồn rửa mặt, gương, giá treo hay không thể không kể tới hệ thống vòi nước, vòi hoa sen.
Khi được hỏi về vấn đề làm sạch nhà vệ sinh, nhà tắm, những cái tên bồn cầu, bồn rửa mặt dược nhắc tới đầu tiên. Tuy nhiên rất ít ai nói về chiếc vòi hoa sen. Trung bình mỗi gia đình đều ít nhất sử dụng vòi hoa sen 1 lần trong ngày, tuy nhiên nó lại gần như chẳng bao giờ được làm sạch.
Điều này có thể được thể hiện thông qua những video được một số người dùng chia sẻ trên mạng xã hội kèm theo chú thích, họ bị sốc khi tiến hành kiểm tra chiếc đầu vòi hoa sen nhà mình. Sâu bên trong các lỗ nhỏ thường có công dụng phun nước, ẩn chứa nhiều chất bẩn cùng các vi khuẩn khác nhau. Chúng có thể tới từ môi trường, cũng có thể đến từ nguồn nước.
Vòi hoa sen là vật dụng sử dụng hầu như hàng ngày trong mọi gia đình, nhưng lại chẳng ai nhớ tới việc vệ sinh
Một nghiên cứu của Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học và Môi trường Mỹ từng phát hiện ra rằng, vòi hoa sen dân dụng thường chứa một lượng lớn Mycobacteria, một loại vi khuẩn được biết là có khả năng gây bệnh phổi. Chúng phát triển trong lớp màng nhầy nhụa, sâu bên trong đầu vòi hoa sen.
Chính vì vậy tốt hơn hết, người dùng không nên phớt lờ mà hãy duy trì thói quen vệ sinh đầu vòi hoa sen nhà mình định kỳ, khoảng 1-2 tháng 1 lần. Có như vậy, thiết bị luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước được ổn định, chảy đều, đồng thời bảo vệ chính sức khỏe của người sử dụng. Trong quá trình sử dụng, nếu người dùng thấy nguồn nước cung cấp từ vòi hoa sen giảm đột ngột, hoặc nước có cặn bẩn bất thường thì có thể tiến hành vệ sinh ngay.
Cách vệ sinh đầu vòi hoa sen tại nhà dễ thực hiện
Các chuyên gia về vệ sinh nhà cửa cho biết, không cần thiết gọi thợ chuyên nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người dùng có thể tự thực hiện các thao tác vệ sinh đầu vòi hoa sen ngay tại nhà và bằng những nguyên liệu đơn giản.
Chúng bao gồm giấm, xà phòng, baking soda và một chiếc túi nilon. Bước đầu tiên, sử dụng túi nilon có chứa giấm trắng, buộc chắc chắn và kín vào đầu vòi hoa sen. Lưu ý nên buộc sao cho dung dịch giấm thật sát với các tia phun nước của vật dụng. Quá trình này để phục vụ cho việc các chất bẩn dần được làm mềm, dễ dàng vệ sinh hơn và loại bỏ hơn.
Bước đầu tiên cần ngâm đầu vòi hoa sen trong giấm trong thời gian dài để các chất bẩn từ từ mềm ra (Video Kristen)
Tùy vào điều kiện sử dụng của từng gia đình mà thời gian ngâm này cũng khác nhau. Có thể là khoảng 30, 60 phút, hoặc nhiều giờ đồng hồ liên tục. Thời gian lý tưởng nhất là ngâm đầu vòi hoa sen qua đêm, từ tối hôm trước, sau khi cả gia đình sử dụng xong, đến sáng hôm sau.
Dưới đây là video ghi lại "thành quả" sau khi ngâm đầu vòi hoa sen trong giấm qua đêm của một người dùng. Có thể thấy các chất bẩn khi được mềm ra và rụng dần ra chính chiếc túi nilon được bọc bên ngoài.
Nhiều chất bẩn bên trong đầu vòi hoa sen bắt đầu mềm ra sau thời gian dài ngâm với giấm (Video @kali)
Một video khác được cô gái tên Kristen đăng tải. Sau thời gian ngâm từ tối hôm trước đến đêm hôm sau, tuy lượng vết bẩn được mềm ra có phần ít hơn với trường hợp khác, song cô vẫn không khỏi bất ngờ vì bấy lâu nay không hề để ý tới vấn đề vệ sinh của đầu vòi hoa sen.
Ở chiếc đầu vòi hoa sen này, có vẻ ít chất bẩn hơn (Ảnh Kristen)
Sau khi các vết bẩn từ sâu bên trong các vòi phun của đầu vòi hoa sen mềm ra, người dùng tiến hành tháo đầu vòi hoa sen ra để vệ sinh sâu. Để vệ sinh sâu từng vòi phun của vật dụng, hãy tận dụng những chiếc tăm nhọn. Cuối cùng, dùng bàn chải và dung dịch baking soda hoặc xà phòng để cọ rửa, làm sạch phần bên ngoài của vòi hoa sen.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, người dùng không nên sử dụng thuốc tẩy hay các dung dịch tẩy rửa chứa nhiều cồn để vệ sinh vòi hoa sen. Trong một nghiên cứu, họ nhận thấy rằng các chất tẩy mạnh thậm chí còn làm vi khuẩn có hại tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi không được làm sạch triệt để bên trong môi trường kín. Ngoài ra, chất tẩy mạnh đọng lại có thể đi cùng nguồn nước, gây hại cho làn da con người.
Video Better Homes & Gardens