Ngoài cái lạnh khủng khiếp giữa tháng 12, điều khiến Wang Wen ấn tượng nhất về Nam Cực là quy mô hoạt động của Mỹ trong môi trường hết sức khắc nghiệt ở đây và hình ảnh lá cờ Mỹ tung bay trong gió.
Nhìn thấy đội quân hàng trăm nhà khoa học Mỹ đang làm việc tại vùng đất khắc nghiệt nhưng giàu tài nguyên này, trong lòng Wang dậy lên khao khát cháy bỏng rằng một ngày nào đó Trung Quốc cũng có thể bắt kịp Mỹ tại đây.
Mùa hè vừa qua, ông đã viết 1 báo cáo cho Viện nghiên cứu Tài chính Chongyang (trực thuộc ĐH Renmin, Bắc Kinh), nói về thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc khi cố gắng tăng cường ảnh hưởng trong hệ thống quốc tế không phải do nước này tạo ra.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có 1 vị lãnh đạo không hề giấu diếm tham vọng tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế như Chủ tịch Tập Cận Bình .
Vì thế, Bắc Kinh có thể nhìn vào Mỹ như 1 thước đo để suy nghĩ về những gì cần thiết để trở thành siêu cường : đó có thể là lực lượng hải quân viễn chinh (blue water navy, tức là lực lượng có khả năng hoạt động trên các vùng biển nước sâu chứ không chỉ gần bờ) hay tăng số lượng các trạm nghiên cứu ở Nam Cực.
Liệu Trung Quốc có trở thành 1 siêu cường và nước này có sẵn sàng bỏ ra số chi phí khổng lồ đi kèm với vị thế này hay không là những câu hỏi sẽ ảnh hưởng đến thế giới trong suốt nhiều thập kỷ tới. Vấn đề này sẽ định hình bức tranh thương mại quốc tế cũng như trật tự thế giới.
Siêu cường cần có gì?
Kể cả khi Trung Quốc không hứng thú với việc trở thành 1 siêu cường, đất nước này vẫn là tiêu điểm chú ý của thế giới. Khi bắt đầu chặng đường trở thành đất nước có thể nói là có sức ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới hiện nay, bản thân Mỹ cũng không muốn trở thành bản sao của các đế quốc trước đó.
Ngày nay, 11 tàu sân bay và mạng lưới các căn cứ quân sự trải rộng trên khắp thế giới đang bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Trung Quốc có thể đi theo con đường tương tự. Tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đang hướng tới việc sẵn sàng chiến đấu khi bắt đầu thử nghiệm trên biển lần cuối cùng cách đây 2 ngày. Năm ngoái Trung Quốc lần đầu tiên mở căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại Djibouti, một quốc gia ở Đông châu Phi.
Hình ảnh tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc chế tạo tại cảng Đại Liên. Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh chi tiêu cho các hoạt động ngoại giao. Chiến dịch "Made in China 2025" có mục tiêu thay thế vượt mặt Mỹ trên lĩnh vực công nghệ.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 21 tỷ USD trong năm 1990 lên 228 tỷ USD trong năm ngoái – cao gấp 3 lần Nga, theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy mô hình phát triển dựa trên hệ thống chính trị hoàn toàn đối lập với phương Tây và 1 nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước của Trung Quốc ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn trong thời gian vừa qua nếu so với những ý tưởng tự do lâu nay vẫn được Mỹ và các định chế quốc tế như IMF thúc đẩy.
Với số tiền khổng lồ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, Trung Quốc ngày càng nâng tầm ảnh hưởng tại một số quốc gia.
Điểm yếu của Trung Quốc
Tuy nhiên bên cạnh đó Trung Quốc cũng có những điểm yếu. Cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ khiến TTCK nước này sụt giảm 20% kể từ tháng 1, làm dấy lên cuộc tranh luận trong nước về việc liệu có phải Chủ tịch Tập Cận Bình đã quá tự tin khi công khai thách thức vị trí số 1 của Mỹ.
Đồng thời, nên nhớ rằng thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc hiện đang thấp hơn so với Mexico tại thời điểm dân số Mexico bắt đầu già hóa. Một số nhà đầu tư cũng lo lắng về sức khỏe của các ngân hàng lớn – nhóm từ mấy chục năm nay đã giúp bơm vốn tạo ra tốc độ tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế lấy đầu tư làm động lực của Trung Quốc.
Wang, 32 tuổi, hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của Trung Quốc. Lớp băng rộng lớn có độ sâu trung bình 2,6km khiến công việc thăm dò khai thác nguồn tài nguyên của Nam Cực rất khó khăn. Tuy nhiên, báo cáo của Wang cho biết dưới bề mặt đó là khoảng 500 tỷ tấn than đá, 100 tỷ thùng dầu và 5 triệu m3 khí đốt.
Bất chấp hiệp ước năm 1959 quy định không nước nào được phép tuyên bố chủ quyền ở đây, Wang nhìn thấy 1 cuộc chiến địa chính trị khốc liệt. Ông lo ngại rằng nếu không hiện diện mạnh mẽ hơn, Trung Quốc sẽ thua cuộc.
"Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh Trung Quốc phải chủ động hơn trong việc tham gia vào thiết lập quy tắc ở các vùng đất mới, như biển sâu, Nam Cực, Bắc Cực, ngoài không gian và Internet", báo cáo của Wang kết luận.
Trên thực tế, điều đó đồng nghĩa tăng cường xây dựng các cơ sở hạ tầng ở những khu vực này. Mỹ dự tính chi 534 triệu USD cho các chương trình ở Bắc Cực và Nam Cực trong năm 2019. Theo báo cáo của Wang, từ năm 2001 đến 2016, Trung Quốc đầu tư 45 triệu USD cho chương trình ở Nam Cực.
Tất nhiên Bắc Kinh có thể dễ dàng lấp đầy khoảng cách này, nhưng Nam Cực chỉ là 1 trong số nhiều thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình tăng cường ảnh hưởng trên khắp thế giới.
Hồi tháng 1, Trung Quốc công bố sách trắng đầu tiên về Bắc Cực, thể hiện rõ tham vọng xây dựng "con đường tơ lụa Bắc Cực", đề xuất xây dựng các tàu phá băng mới và căn cứ quân sự tại đây.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang ăn trưa tại trạm Great Wall, Nam Cực. Ảnh: RONG QIHAN/XINHUA/EYEVINE VIA REDUX
Con đường tơ lụa cũng là tên gọi khác của sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD để thực hiện. Riêng ở châu Phi, từ năm 2000 đến 2014, Trung Quốc đã giải ngân các khoản vay có tổng giá trị 86 tỷ USD cho Chính phủ các nước và các doanh nghiệp nhà nước.
Để sánh ngang với chi tiêu quốc phòng của Mỹ, Trung Quốc cần chi thêm 400 tỷ USD mỗi năm. Kể cả với Trung Quốc thì đây vẫn là những con số khổng lồ.
Theo David Shambugh, giáo sư tại ĐH George Washington và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã rút ra bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô trong quá khứ vì phụ thuộc quá nhiều vào sức mạnh quân sự. Ngoài vũ khí, các siêu cường cần phải có công nghệ, nền kinh tế hùng mạnh và cả quyền lực mềm để có thể trường tồn.
Gần đây Trung Quốc đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội nhưng tỷ lệ chi cho quốc phòng an ninh hiện chỉ chiếm 1 phần khá nhỏ trong GDP hàng năm (khoảng 1,5 - 1,9%). Trong khi đó chi cho ngoại giao đã đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi. Hiện trên khắp thế giới có hơn 500 Viện Khổng tử dạy tiếng Trung truyền bá văn hóa Trung Quốc.
Giáo sư Shambugh cho rằng quân đội Trung Quốc cho đến nay mới chỉ hiện diện ở khu vực chứ chưa đạt đến tầm cỡ thế giới như Mỹ, đồng thời Trung Quốc được biết đến nhiều hơn với hình ảnh một "cường quốc luôn đặt lợi ích của bản thân lên trước nhất chứ chưa quan tâm nhiều đến việc định hình trật tự thế giới".
Tuy nhiên, theo Henry Wang, nhà sáng lập và cũng là Chủ tịch của Center for China and Globalization (Bắc Kinh), nhận định đó không hoàn toàn chính xác. Đúng là Trung Quốc không muốn phá hủy trật tự thế giới mà Mỹ đã tạo ra, bởi vì nước này cũng đã hưởng lợi từ đó. Thế nhưng Trung Quốc muốn tạo ra thứ mà Wang gọi là "toàn cầu hóa 2.0", bằng cách thêm vào những định chế quốc tế mới do Trung Quốc hậu thuẫn mà Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB là 1 ví dụ.
Siêu cường đầu tiên trên thế giới bị "già trước khi giàu"?
Điều đáng lo ngại hơn cản đường Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường là những dấu hiệu cho thấy cỗ máy kinh tế của nước này đang chững lại. Ví dụ, Trung Quốc có thể siêu cường đầu tiên "già trước khi giàu". Theo dự đoán của Liên hợp quốc, hiện dân số Trung Quốc là 1,4 người nhưng sẽ sớm giảm xuống và đến năm 2023 sẽ già hóa nhanh chóng. Thực tế là ngay ở thời điểm hiện tại số dân Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã bắt đầu sụt giảm.
"Trong lịch sử chưa từng có ví dụ nào về 1 siêu cường trỗi dậy trong khi dân số đang suy giảm", Zhang Jian, giáo sư đại học Peking nói. Ngược lại, trong quá khứ Anh và Mỹ đã nổi lên từ thời điểm dân số của họ đang bùng nổ. Do đó Zhang cho rằng ông Tập "cần phải quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong nước".
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện vào khoảng 9.000 USD, so với mức 60.000 USD của Mỹ. Như vậy Trung Quốc còn nhiều dư địa để bắt kịp, nhưng để làm được điều đó nước này phải tránh được bẫy thu nhập trung bình thấp đã khiến nhiều nền kinh tế mới nổi mắc kẹt ở mức GDP bình quân đầu người 15.000 USD.
Ngoài bẫy thu nhập trung bình còn là gánh nặng nợ doanh nghiệp khổng lồ (gấp khoảng 2,5 GDP trong năm ngoái) và nguy cơ vỡ nợ tại các dự án cơ sở hạ tầng bùng nổ ở nước ngoài.
Đối với Wang Wen, tất cả những nỗi lo trên đều là thừa thãi vì không thể đem những kinh nghiệm của phương Tây để áp đặt lên Trung Quốc. Bằng chứng là nhiều thập kỷ qua đã có rất nhiều lời cảnh báo bi quan về mức độ nợ quá nhiều và cơ chế kế hoạch tập trung của Trung Quốc nhưng chúng đều không trở thành sự thực.
"Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thú vị mà phương Tây không thể hiểu được", Wang nói.