Đây là lý do vì sao đi mỏi chân mới tìm thấy thùng rác ở Nhật Bản

Thu Trang |

Không phải do ý thức, đây mới là nguyên nhân sâu xa lý giải tại sao đường phố Nhật Bản rất ít thùng rác công cộng nhưng lúc nào cũng sạch bong, không một cọng rác.

Một điều mà rất nhiều người nước ngoài hoặc khách du lịch tới Nhật Bản đều rất dễ nhận thấy đó là ở Nhật có rất ít thùng rác công cộng.

Nhiều khi sự "thiếu thốn" này thật khó chịu nhưng người Nhật đã quen với việc cầm theo giấy gói bỏ đi, hóa đơn và rác xả cho tới khi có thể bỏ vào đúng chỗ cần vứt.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao ở một xã hội hiện đại như Nhật Bản mà lại "thiếu thốn" thùng rác đến vậy? Liệu đây có phải một cách để tiết kiệm ngân sách?

Hay người Nhật Bản có ý thức cao về vệ sinh công cộng tới nỗi không cần phải có thùng rác nữa? Hay là vì để thùng rác ngoài đường nhìn mất mỹ quan quá?

Câu trả lời cho những thắc mắc trên hoàn toàn khác với những giả thuyết đặt ra nhưng không phải ai cũng biết. Đó là một cách đối phó trước vụ tấn công khủng bố của những kẻ theo giáo phái ngày tận thế.

Vụ tấn công bằng khí hệ thống tàu điện ngầm Tokyo bằng khí Sarin năm 1995

Ngày 20/3/1995, năm tín đồ của giáo phái Aum Shinrikyo đã phát tán loại khí độc tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh có tên là Sarin vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo trong các túi nylon gói trong giấy báo.

Vụ khủng bố bằng khí độc đã khiến 13 người thiệt mạng và hơn 5,000 người bị thương. Cả đất nước Nhật Bản rối như tơ vò và chìm trong nỗi lo sợ về các vụ tấn công khủng bố tiếp theo.

Đây là lý do vì sao đi mỏi chân mới tìm thấy thùng rác ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Vụ khủng bố bằng khí độc đã khiến 13 người thiệt mạng và hơn 5,000 người bị thương.

Kẻ chủ mưu cuối cùng cũng sa lưới nhưng nhiều người dân tỏ ra quan ngại và đề nghị chính phủ phải có biện pháp đối phó.

Vì vậy, một trong những biện pháp an ninh được lực lượng chức năng đưa ra là bỏ thùng rác công cộng bởi chúng có thể là nơi giấu giếm vũ khí tấn công của bọn khủng bố.

Những biện pháp tương tự cũng được các thành phố khác trên thế giới áp dụng để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố. Từ đó trở đi, đường phố Tokyo tịnh không thấy bóng dáng một chiếc thùng rác nào và có vẻ như các địa phương khác ở Nhật Bản cũng "học tập" cách làm đó.

Càng ít thùng rác thì càng đỡ xả rác?

Vụ khủng bố bằng khí độc tại ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 vẫn thường được coi là lý do chủ yếu lý giải cho việc tại sao trên đường phố Nhật Bản lại ít thùng rác đến vậy nhưng có lẽ cũng có một số lý do khác nữa.

Theo một số người Nhật được hỏi, trước đây tại các đường phố lớn đâu đâu cũng có rất nhiều thùng rác nhưng song song với đó, người ta lại xả rác ra đường nhiều không kém. Sau khi thùng rác công cộng bị dẹp đi thì lạ lùng là tình trạng xả rác bừa bãi cũng biến mất. Tại sao lại như vậy?

Đây là lý do vì sao đi mỏi chân mới tìm thấy thùng rác ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Theo thuyết cửa sổ vỡ thì các thùng rác càng ngập ngụa lên thì người ta càng tiếp tục tống rác vào đó.

Đây dường như là một chiêu phản trực giác nhưng logic lại nằm chính trong thuyết cửa sổ vỡ. Theo đó, người ta có xu hướng tiếp tục ném vỡ cửa sổ của căn nhà có chiếc cửa sổ vỡ mà không ai thèm quan tâm sửa chữa hơn là cửa sổ bị vỡ rồi chủ nhà thay ngay sau đó.

Tương tự, người ra sẽ xả rác vào nơi đã có sẵn rác. Nếu rác được bỏ đúng thùng rác thì coi như "khuất mắt trông coi" và chẳng còn gì để nói.

Tuy nhiên, nếu nhân viên dọn vệ sinh không thể bao quát hết được số rác được xả ra hoặc chính phủ không đủ ngân sách để trả lương cho họ, các thùng rác công cộng sẽ ngập ngụa lên. Và mặc cho chúng có đầy ngập lên thì người ta vẫn cứ tiếp tục tống rác vào đó.

Thế rồi một ngày gió to rác bay tứ tung khắp đường phố và vì vậy nên người dân tha hồ xả rác bừa bãi ra đường. Đó chính là "thuyết cửa sổ vỡ".

Tất nhiên, vẫn sẽ có những người vô ý thức xả rác mọi lúc mọi nơi cũng như luôn có những người sống chết gì cũng phải xả rác đúng chỗ.

Có rất nhiều yếu tố để lý giải, tuy nhiên, có một điều rõ ràng là từ khi Nhật bỏ bớt thùng rác công cộng trên đường đi thì hầu như không còn thấy tình trạng xả rác bừa bãi trên đường nữa.

Vậy rác sẽ được xử lý như thế nào?

Mặc dù có nhiều người phàn nàn về việc đi cả phố chả thấy cái thùng rác nào nhưng đó không hẳn là điều xấu. Tại Nhật Bản, những địa điểm có thùng rác chính là những nơi người ta thường mua những đồ có bao bì phải vứt đi như máy bán hàng tự động, cửa hàng tiện lợi, và ga tàu.

Hầu hết các máy bán hàng tự động đều có thùng rác ngay bên cạnh nên sau khi dùng xong người ta sẽ vứt rác ngay vào đó.

Đây là lý do vì sao đi mỏi chân mới tìm thấy thùng rác ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Bên cạnh các máy bán hàng tự động bao giờ cũng có thùng rác.

Tất cả các cửa hàng tiện lợi nơi bán đủ các thứ từ đồ ăn nhanh gói giấy bóng như bánh mỳ kẹp cho tới cơm nắm đều có thùng rác tái chế ở cả bên trong và bên ngoài cửa hàng. Cũng chính vì lý do này mà người Nhật rất hạn chế việc vừa đi vừa ăn uống ngoài đường.

Nơi công cộng cuối cùng mà người Nhật có thể xả rác đó chính là ga tàu. Bạn chỉ có thể xả rác ở đây khi đã mua vé tuy nhiên ít ra thì như vậy vẫn còn tốt hơn việc phải mang theo rác lên tàu cho khi tới bến.

Đây là lý do vì sao đi mỏi chân mới tìm thấy thùng rác ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Tất cả các cửa hàng tiện lợi nơi bán đủ các thứ từ đồ ăn nhanh gói giấy bóng như bánh mỳ kẹp cho tới cơm nắm đều có thùng rác tái chế ở cả bên trong và bên ngoài cửa hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại