Trong cuộc chiến thương mại hiện nay, hàng loạt công ty đang có ý định dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc nhằm tránh thiệt hại.
Đây đúng là ý định ban đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc. Chỉ có điều thay vì đưa nhà máy trở về Mỹ, các công ty lại hướng đến những nền kinh tế có ưu thế gần Trung Quốc như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan…
Trong khi Đài Loan cố gắng thu hút trở lại các nhà máy công nghệ máy tính thì Thái Lan và Malaysia lại đang muốn mở rộng mảng sản xuất điện tử. Về mảng sản xuất kỹ thuật thấp hơn, Việt Nam đang có ưu thế trong mảng thực phẩm, Campuchia là mảng da giày còn Bangladesh là may mặc.
Tuy nhiên Trung Quốc là nền kinh tế lớn ở châu Á và quốc gia này chiếm tới gần 50% sản lượng sản xuất của nhiều mặt hàng trên toàn cầu. Đây cũng là nền kinh tế có nhiều giao dịch với những nước trong khu vực và chắc chắn hàng loạt thị trường giao thương chặt chẽ với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng.
Câu hỏi ở đây là bao giờ sự dịch chuyển của các nhà máy đem lại lợi ích bù đắp cho những thiệt hại đó.
Trên thực tế không phải chờ đến khi chiến tranh thương mại nổ ra, xu thế dịch chuyển sản xuất đã bắt đầu trong vòng 10 năm qua khi chi phí nhân lực tại Trung Quốc tăng cao. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh ngày càng mạnh tay với ô nhiễm môi trường, buộc các công ty nâng cấp nhà máy hoặc bị đóng cửa.
Bởi những lý do trên mà không riêng gì những nhà đầu tư nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng đổ sang những thị trường khác như Đông Nam Á. Số liệu của Economist cho thấy tổng giá trị đầu tư ngành sản xuất của Trung Quốc vào Đông Nam Á đã tăng gần 50% mỗi năm và chiến thanh thương mại chỉ thúc đẩy thêm xu thế này.
Dẫu vậy, không dễ gì để các nước Đông Nam Á có thể thay thế được vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng.
Vị thế khó chiếm
Theo Economist, không phải tự nhiên Trung Quốc trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng không dễ gì để bất kỳ nước nào thay thế được vị trí này.
Trung Quốc có một hệ thống các nhà máy ở mọi mảng công nghiệp dịch vụ, thiết bị điện tử ở miền Nam, công nghiệp ô tô ở phía Tây và công nghiệp nặng ở phía Bắc. Trung Quốc cũng có một hệ thống đường xá, bến cảng rộng khắp qua đó vận chuyển được đủ loại hàng hóa đi khắp các nhà máy có nhu cầu.
Mặc dù chi phí nhân công cao nhưng Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay cho tự động hóa, công nghệ trí thông minh nhân tạo cùng nhiều kỹ thuật tiên tiến khác để nâng cao năng suất nhưng giảm chi phí. Đặc biệt một ưu điểm mà không quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc là thị trường nội địa rộng lớn.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chính của nhiều tập đoàn quốc tế và chắc chăn họ không muốn xây nhà máy quá xa thị trường chủ chốt này.
Theo Giám đốc khu vực châu Á Dan Krassenstein của Procon Pacific, Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn. Mặc dù các công nhân ở Ấn Độ có mức lương thấp hơn 75% so với Trung Quốc nhưng năng suất làm việc của họ cũng tệ hơn. Giám đốc Dan cho biết công ty của ông cũng đang dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ nhưng theo một cách rất hạn chế.
Bên cạnh đó, dòng chảy của các nhà máy từ Trung Quốc sang những nước khác chỉ diễn ra khi mức lương của họ thấp hơn.
Hiện chi phí nhân công tại Trung Quốc đắt gấp đôi tổng chi phi lao động toàn Đông Nam Á cộng lại, nhưng xu thế dịch chuyển sẽ khiến các nước Đông Nam Á cũng đắt đỏ dần lên. Mức lương công nhân tại Việt Nam bắt đầu tăng lên trong khi giá đất tại các khu công nghiệp cũng ngày một đắt hơn.
Tồi tệ hơn, chuyên gia Sudhir Shetty của Ngân hàng World Bank nhận định nhiều nền kinh tế sẽ chịu thiệt về chiến tranh thương mại hơn là hưởng lợi và thay thế được vị trí của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm sẽ khiến những nhà cung ứng, từ hãng sản xuất chip tại Hàn Quốc cho đến nhà máy dệt tại Myanmar chịu thiệt hại gián tiếp.
Năm 2017, xuất khẩu của nhiều nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam hay Philippines đầu tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên đến năm nay mọi thứ đã giảm tốc.
Điều trớ trêu là xuất khẩu của Trung Quốc tháng 9/2018 lại tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, dù nhiều chuyên gia nhận định hiện tượng này là do các nhà máy muốn tranh thủ đẩy hàng trước khi phải chịu thuế.
Vạ lây
Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào đầy đủ về các tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung, tuy nhiên chuyên gia Zhang Zhiwei của Ngân hàng Deustche Bank đã sử dụng cuộc chiến chống bán phá giá máy giặt năm 2017 làm ví dụ.
Xuất khẩu máy giặt của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017 sụp đổ do bị áp thuế chống bán phá giá, nhưng các thị trường khác vẫn ổn định nên không tạo được nhiều ảnh hưởng cho các doanh nghiệp máy giặt Trung Quốc. Trong khi đó các hãng máy giặt Hàn Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam và Thái Lan nhằm chiếm lĩnh thị phần Mỹ.
Thế rồi đột nhiên vào tháng 1/2018, Tổng thống Trump áp thuế chống bán phá giá lên toàn bộ máy giặt nhập khẩu, buộc các công ty máy giặt phải đưa nhà máy trở về Mỹ. Hiện giá máy giặt tại Mỹ đã tăng 15% so với trước đây.
Rõ ràng nếu không cẩn thận, những nước Đông Nam Á cũng sẽ bị vạ lây từ cuộc chiến này.
Hiện tại nhiều công ty Hàn và Nhật đang mở rộng nhà máy tại Việt Nam đúng như kịch bản cuộc chiến máy giặt trên. Hãng Samsung Electronics của Hàn Quốc sản xuất 1/3 sản phẩm tại Việt Nam và đang có ý định mở rộng thêm.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đang đổ xô vào Việt Nam trong khi các công ty địa phương cũng tăng cường chuẩn bị nhằm hưởng lợi từ các đơn hàng lấy được của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có phải món lợi dài hạn hay không thì vẫn chưa rõ.