Cảnh báo với chính sách đối ngoại-quân sự quyết liệt của Bắc Kinh
Mở đầu diễn văn hồi tháng trước tại Hội liên hiệp Người khuyết tật Trung Quốc, ông Đặng ca ngợi sự lãnh đạo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời khẳng định những đổi với về chính sách-văn hóa mà cha ông đưa ra 40 năm trước là "không thể đảo ngược".
Trong diễn văn, ông thúc giục chính phủ Trung Quốc "giữ tỉnh táo" và "biết vị trí của mình" - được cho là lời cảnh tỉnh nhằm vào chính sách đối ngoại và quân sự ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh.
"Chúng ta phải tìm kiếm sự thật trong thực tiễn, giữ trạng thái tỉnh táo và biết vị trí của mình," tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích lời ông Đặng trong bài phát biểu không được công khai. "Chúng ta ta không nên chèn ép [người khác], và cũng không nên xem nhẹ chính mình."
Ông Đặng cũng thúc giục Trung Quốc hướng tới một "môi trường quốc tế hợp tác cùng thắng lợi".
"Những bất ổn quốc tế đang trỗi dậy. Chúng ta cần kiên trì với đường hướng hòa bình và phát triển, và cố gắng đạt được một môi trường quốc tế hợp tác cùng thắng lợi," ông nói. "Điều quan trọng nhất lúc này là giải quyết một cách hợp lý những vấn đề của của chính Trung Quốc."
Thông điệp mới của ông Đặng Phác Phương khơi lại nhận định từ chính cha của ông khi nhắc đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc: Thao quang dưỡng hối, hay được hiểu là "giấu mình chờ thời" - thể hiện kiềm chế và không bao giờ đi đầu trong các sự vụ quốc tế.
Trung Quốc, dưới thời Đặng Tiểu Bình lãnh đạo cho đến đầu nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, vẫn theo đuổi chính sách kể trên. Những thay đổi rõ rệt từ "giấu mình chờ thời" sang "tích cực lộ diện" trong vài năm qua của Trung Quốc đã kéo theo những tranh cãi gay gắt trong dư luận nước này.
Ông Đặng Phác Phương, 74 tuổi, tái cử chức chủ tịch danh dự của Hội liên hiệp Người khuyết tật Trung Quốc (CDPF) hôm 16/9 vừa qua. Ông Đặng đã phải sử dụng xe lăn từ năm 1968, khi ông bị thương nghiêm trọng vì nhảy lầu trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
7 ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, do ông Tập dẫn đầu, đã dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc CDPF hồi tháng 9. Còn bài phát diễn văn nói trên được ông Đặng đọc trong lễ bế mạc hội nghị.
Đề cập đánh giá của Đặng Tiểu Bình năm 1992 rằng "việc củng cố và phát triển chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sẽ phải qua hàng chục thế hệ", ông Đặng Phác Phương nói Trung Quốc vẫn còn con đường dài phía trước phải đi.
"Mọi người từng nói ngay cả Khổng Tử cũng không thể già hơn 'hàng chục thế hệ', và khuyên ông ấy (Đặng Tiểu Bình) cân nhắc lại từ ngữ diễn đạt. Ông ấy đã suy nghĩ và khẳng định việc đó sẽ phải cần đến 'hàng chục thế hệ'."
"Ông hết sức chắc chắn khi nói 'hàng chục thế hệ'. Vì sao? Bởi ông muốn nhấn mạnh tiến trình ấy sẽ lâu dài, gian truân, quanh co và phức tạp."
Trái với thông lệ trong các năm trước của CDPF, bài phát biểu năm nay không được đăng tải công khai. Vào năm 2013, diễn văn của ông Đặng Phác Phương được đăng trên website của tổ chức này khoảng 10 ngày sau Đại hội.
Nỗ lực bảo vệ di sản của Đặng Tiểu Bình
SCMP bình luận, trong khi hầu hết phát biểu tại các sự kiện chính thức tương tự đều được soạn thảo kỹ lưỡng, ông Đặng đã vượt ra khuôn khổ các vấn đề của CDPF và bình luận rộng rãi về hàng loạt vấn đề chính trị - từ chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho đến "đứa con tinh thần" của Đặng Tiểu Bình: Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc.
"Cải cách mở cửa đã mang lại những chuyển biến chấn động cho Trung Quốc, những thay đổi toàn diện trong chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa," Đặng Phác Phương nói. "Những thay đổi đối với cấu trúc xã hội, phân chia lợi ích và cách thức tư duy là mang tính căn bản, lịch sử và không thể đảo ngược."
Ông Đặng cho rằng Trung Quốc nên duy trì lộ trình mà cha ông đã vạch ra trong một thế kỷ và không đi ngược lại. Trong bài phát biểu, ông cũng đưa ra nhận xét về giai đoạn Cách mạng Văn hóa - vấn đề được xem là nhạy cảm cao. Ông gọi đây là thời kỳ mà "lòng tin và đạo đức bị đánh mất, văn hóa và xã hội hỗn loạn".
Vợ chồng Đặng Tiểu Bình cùng các con, Đặng Phác Phương đứng thứ 2 từ phải (Ảnh: SCMP)
Đặng Phác Phương được đánh giá là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong số hậu duệ của thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tham gia cách mạng thời kỳ đầu. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hướng tới kỷ niệm 40 năm thực thi cải cách mở cửa.
Đã có những tiếng nói chỉ trích cam kết của Bắc Kinh đối với vấn đề cải cách. Trong bài phát biểu gây nhiều tranh cãi vào 3 tuần trước, phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói Bắc Kinh chỉ "nói suông về cải cách và mở cửa", còn chính sách nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình chỉ là "thùng rỗng".
Yang Dali, giáo sư Đại học Chicago, Mỹ, cho rằng dù thể hiện quan điểm có phần trái nhiều, nhưng diễn văn của Đặng Phác Phương không nhằm vào ông Tập mà chỉ là tín hiệu về những thay đổi trong lập trường của ban lãnh đạo.
"Điều quan trọng cần chỉ ra là ông ấy (Đặng Phác Phương) đã bày tỏ sự kính trọng với ban lãnh đạo do ông Tập làm hạt nhân," ông Yang cho hay. "Nói cách khác, ông ấy không đến để chỉ trích công khai ông Tập."
"Có một khả năng là đến giữa tháng 9, ban lãnh đạo Trung Quốc đã chuyển dịch lập trường nội bộ và bắt đầu ôn lại những bài học của Đặng Tiểu Bình," ông Dương phân tích.
Còn Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá diễn văn của Đặng Phác Phương vào tháng 9 có thể là nỗ lực bảo tồn những di sản của Đặng Tiểu Bình, giữa bối cảnh thay đổi chính sách ở Bắc Kinh diễn ra rõ rệt.