Điểm trùng hợp
Sau nhiều tháng thực địa và nghiên cứu, cuối cùng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kết thúc chuyến đi được mong đợi đến Quảng Đông, khi quốc gia này đang ở ngã tư đường quan trọng sau gần 40 năm kinh tế phát triển bùng nổ.
Hai chuyến thăm cũng có sự tương đồng. Năm 1992, Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cô lập từ phương Tây, khu vực tư nhân nội địa lo lắng và bối rối về con đường tương lai. Ông Đặng Tiểu Bình đã nhân chuyến thăm này để khôi phục các cam kết cải cách mở cửa bị trì hoãn.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát đều hoài nghi về việc liệu chuyến thăm của ông Tập sẽ có tác động tương tự như chuyến đi của ông Đặng Tiểu Bình hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa sẽ leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trừ phi Bắc Kinh thay đổi các hoạt động thương mại không công bằng, từ trợ cấp cho các công ty nhà nước đến cáo buộc đánh cắp công nghệ. Nguy cơ ngày càng tăng khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang lan sang các mặt trận phi kinh tế khác.
Trong nước, tăng trưởng đã giảm tốc xuống 6,5% - thấp nhất từ 2009, trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với "núi" nợ, khoảng cách giàu nghèo và dân số đang già đi nhanh chóng. Khu vực kinh tế tư nhân, chiếm 60% GDP của Trung Quốc, đang tụt dần so với khu vực nhà nước.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình, diễn ra trước dịp kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, được các học giả và doanh nghiệp xem là sự xác nhận rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở cửa và tiến trình tự do hóa nền kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế thứ 2 thế giới đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với cường quốc số 1 thế giới.
"Đối mặt với những khó khăn này, việc lãnh đạo trung ương tuyên bố quyết tâm cải cách và mở cửa sâu rộng là rất cần thiết", nhà kinh tế Hu Xingdou cho hay.
Ông Guo Wanda - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Trung Quốc nhận định, dư luận đang mong đợi ông Tập Cận Bình sẽ tuyên bố sự ủng hộ cho xuất khẩu và sản xuất trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Khó như mong đợi
Mở đầu chuyến thăm, ông Tập Cận Bình đã đến khu công nghệ cao Chu Hải, thăm nhà sản xuất dụng cụ điện hàng đầu trong nước là Gree Electric Appliances, thúc giục Trung Quốc phải tự chủ hơn nữa. Ông Tập Cận Bình cũng tham dự buổi lễ khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới, nối Hồng Kông, Macau và Chu Hải.
Theo lịch trình, lãnh đạo Trung Quốc sẽ đến Thâm Quyến, nơi khởi nguồn của chính sách cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình. Thành phố này, từ một làng chài nhỏ đã trở thành nơi Bắc Kinh thử nghiệm mô hình "đặc khu kinh tế". Và đến nay là nơi đặt các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Huawei và Tencent.
Nhưng các nhà quan sát kỳ cựu của Trung Quốc không cho rằng chuyến đi được mong chờ này sẽ mang lại bất kỳ đột phá lớn nào.
Nền kinh tế của Trung Quốc hiện đang ở một trình độ cao hơn rất nhiều so với năm 1992. Vì vậy, lặp lại thành tích của ông Đặng Tiểu Bình là không thể, ông Fraser Howie, đồng tác giả của cuốn sách Red Capitalism: The Fragile Financial Foundation of China’s Extraordinary Rise nhận định.
Khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu chuyến công du miền Nam vào năm 1992, GDP bình quân đầu người của nước này chỉ là 366 USD và giá trị xuất khẩu dưới 85 tỷ USD. Hiện tại, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng hơn 20 lần và xuất khẩu tăng 26 lần trong năm 2017.
Trong khi đó, George Magnus, thuộc Trung Tâm Trung Quốc, Đại học Oxford cho rằng, vẫn chưa thấy bất kỳ nỗ lực nào để kinh tế Trung Quốc cạnh tranh hơn, phá vỡ các hạn chế khi tiếp cận thị trường các ngành dịch vụ, hay cho phép tư nhân chiếm ưu thế hơn so với doanh nghiệp nhà nước.
"Đó là lý do tại sao trong quan điểm của tôi, chuyến thăm của ông Tập đến Quảng Đông không so sánh được với chuyến công du miền Nam của ông Đặng Tiểu Bình", ông Magnus nói.
Wang Zhengxu, một học giả Trung Quốc tại Thượng Hải cho rằng: "Quảng Đông là biểu tượng và tiếng chuông của tiến trình cải cách mở cửa đã bị phai mờ. Thông điệp nên được nhấn mạnh vào vai trò của Hồng Kông và Macau trong chiến lược phát triển chung".