"Căn bệnh mãn tính" khiến TQ không tìm được đối sách với Mỹ trong chiến tranh thương mại

Thi Anh |

Các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng nghiên cứu của Bắc Kinh về Mỹ không đủ sâu để chuẩn bị cho mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang bỏ ngỏ giải pháp cho cuộc chiến thương mại với Mỹ bởi các trung tâm phân tích trong nước mà Bắc Kinh "nhờ cậy" đều cung cấp "những thông tin đã được lọc" để tránh làm mếch lòng cấp quản lý, SCMP dẫn nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho hay.

Căn bệnh mãn tính

Trong vòng 6 tháng, kể từ khi Mỹ áp 25% thuế trừng phạt lên 50 tỉ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh đã rất bực bội khi các chuyên gia phân tích được tham vấn chỉ phục vụ lợi ích cho những người hậu thuẫn mình, nguồn tin có liên quan tới quá trình tham vấn tiết lộ với SCMP.

Trung Quốc có hơn 500 trung tâm phân tích đã đăng ký hoạt động, thấp hơn so với Mỹ (1.800). Hầu hết các trung tâm phân tích của Trung Quốc đều do chính phủ hậu thuẫn.

Để tăng cường nghiên cứu Mỹ và cải thiện khả năng đề đạt các chính sách hiệu quả nhằm đối phó với đòn tấn công của ông Trump nhằm vào Trung Quốc, Bộ Tài chính nước này đã lần đầu tiên thiết lập một liên minh gồm 20 trung tâm nghiên cứu hồi tháng 7.

"Chia rẽ, cô lập và chỉ phục vụ cho sếp trực tiếp của mình là căn bệnh mãn tính của các trung tâm phân tích Trung Quốc", Li Zhongshang, giáo sư của đại học Renmin nhận định, "Họ ít quan tâm tới chất lượng nghiên cứu bởi họ biết rất khó để tác động tới những người ra quyết định bằng kết quả nghiên cứu của mình - không giống như ở Mỹ".

Căn bệnh mãn tính khiến TQ không tìm được đối sách với Mỹ trong chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Nghiên cứu của Trung Quốc không đủ sâu để giúp nước này đối phó với chiến tranh thương mại. Ảnh minh họa: AP

Trong khi Bắc Kinh tìm cách thấu hiểu suy nghĩ của các doanh nhân nước ngoài, một số chuyên gia phân tích có liên quan tới chính phủ lại "lọc" những thông tin mà họ thu thập được qua nhiều kênh.

"Một số nhà phân tích đã chớp lấy cơ hội này để hối thúc cải cách, trong khi một số người cho rằng Trung Quốc nên theo đuổi 1 lập trường cứng rắn", nguồn tin của SCMP nói, "Nhiều quan điểm khác biệt và bất đồng lớn thì cũng ổn thôi. Thất vọng lớn nhất xuất phát từ những chuyên gia không nói ra sự thật".

Các nhà nghiên cứu thuộc liên minh phân tích của Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng nghiên cứu của Bắc Kinh về Mỹ không đủ sâu để chuẩn bị cho mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung.

Trong một vài trường hợp, các chuyên gia Trung Quốc còn không nghiên cứu đầy đủ về vấn đề. "Mặc dù các chuyên gia phân tích đều liên quan tới chính phủ nhưng lập trường của họ rất khác nhau", nguồn tin của SCMP nói.

Li Guoqiang, một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, cho hay: "Một số nhà nghiên cứu chỉ ngồi trước máy tính. Họ chẳng bao giờ bận tâm tới chuyện đi thực tế. Không ai có thể dựa vào những nghiên cứu như vậy để giải quyết các vấn đề thực tế".

Những giới hạn

Theo nguồn tin của SCMP, các nhà nghiên cứu của Bắc Kinh bị bó buộc bởi các quy định của chính phủ về xuất cảnh, những quy định làm hạn chế khả năng đưa ra phản ứng thích hợp cho những động thái thương mại gây hấn của chính quyền Trump.

Chính quyền Trump đang tiếp tục đẩy mạnh tấn công nhằm vào Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.

Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định, liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ rất quan trọng ở thời điểm này nhưng nỗ lực tìm hiểu cuộc chiến thương mại giữa hai bên đã bị ảnh hưởng bởi những giới hạn về thị thực.

Theo các nhà nghiên cứu, Bắc Kinh chỉ cho phép các chuyên gia chính sách của Trung Quốc thực hiện các chuyến công du ngắn hạn tới Mỹ, có khi chỉ trong vòng 1 tuần. Giới hạn này khiến cho công tác điều tra và liên lạc với các đầu mối Mỹ trở thành một việc bất khả thi.

"Ngoài quan hệ ngoại giao song phương, Trung Quốc phải thực hiện thêm các nghiên cứu về số liệu thương mại Mỹ - Trung, về luật pháp Mỹ và các ngành công nghiệp Mỹ, những lĩnh vực mà nghiên cứu chưa được đầy đủ", ông Wang nhận định.

Bắc Kinh vẫn chưa quyết định được các động thái tiếp theo của mình trong cuộc chiến thương mại, nguồn tin của SCMP cho hay. "Với tương lai trước mắt, Trung Quốc có thể sẽ duy trì một lập trường đợi-và-xem khi ông Trump giữ vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến thương mại", nguồn tin của SCMP cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại