Giúp mẹ trông em nhưng bé gái đã để lại hậu quả đáng tiếc
Cha mẹ thường có xu hướng mặc định rằng, tai nạn rơi ngã chỉ xảy ra khi bé sơ sinh biết lật hoặc bò.
Đó là lý do có quá nhiều cảnh báo về việc chúng ta không bao giờ nên để trẻ sơ sinh một mình mà không có người giám sát ở những khu vực cao như giường hoặc bàn thay tã.
Tuy nhiên, có một số yếu tố ngoại cảnh có thể dẫn tới các tai nạn liên quan tới việc làm rơi bé sơ sinh, như mẹ quá mệt mỏi hay sự cố rơi ngã quá bất ngờ.
Trong trường hợp này, đó là một tai nạn sơ ý và không may do chị gái 2 tuổi của bé gây ra.
Trong video ngắn bên dưới, một cặp sơ sinh đang nằm trên giường. Cô bé 2 tuổi là chị gái đang quan sát 2 em.
Không thấy cha mẹ ở bên và cũng không có người lớn nào khác trong phòng cùng bọn trẻ.
Giúp mẹ trông em nhưng bé gái đã gây ra hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Một trong 2 bé sơ sinh bắt đầu khóc.
Hành động theo bản năng, cô bé 2 tuổi cố tìm cách dỗ em. Nhưng khi thấy em vẫn tiếp tục khóc, cô bé đã cúi xuống bế em lên bởi đã nhìn những người lớn khác làm như vậy nhiều lần trước đây.
Nhưng cô bé lại bế em không đúng cách vì đã không đỡ cổ với lưng cho em. Bám 2 tay vào phần thân em trai, cô bé hất lên em để em ngả vào vai mình.
Nhưng bản thân chị gái lại khá nhỏ. Với trọng lượng của bé trai và lực tung lên, cả 2 chị em rốt cuộc bị ngã ngửa ra sau và đầu bé trai đập xuống trước.
Tiếng khóc ré của bé trai sau khi bị chị làm ngã khiến ai nấy đều thót tim, dựng tóc gáy. Bối rối, cô bé 2 tuổi ngồi đó và lại cố gắng bế em lên lần nữa để dỗ em.
Đúng lúc này, một người phụ nữ chạy vội vào và hét lên với cô bé đang vô cùng sợ hãi.
Chắc hẳn không ít người cảm thấy thương cho bé gái bởi cô bé không hề có lỗi gì. Tuy nhiên, đây lại có thể là sự cố dễ dàng xảy ra ở bất cứ ngôi nhà nào trên khắp thế giới.
Tất nhiên, bạn có thể kết luận rằng, người lớn đã quá bất cẩn.
Nhưng đôi khi, đó là kết quả của việc nhà quá ít người nên trong khi người lớn phải xoay sở quá nhiều công việc khác thì đôi khi, để trẻ lớn trông em trở thành một lựa chọn khó tránh.
Hậu quả khó lường khi trẻ sơ sinh vô tình bị rơi ngã
Khi phần đầu còn mềm của trẻ sơ sinh đập vào bề mặt cứng thì bộ não đang phát triển và rất mong manh của bé có thể va chạm với hộp sọ.
Kết quả, mạch máu bị vỡ và gây chảy máu bên trong – hay còn gọi là xuất huyết não. Ngay cả khi không có máu chảy thì vẫn còn đó nguy cơ bị sưng phù và dẫn tới tình trạng gây áp lực trong não.
Trong tình huống tồi tệ nhất, chấn động não có thể xảy ra và toàn bộ chức năng cũng như sự phát triển của não bộ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nếu chẳng may trẻ sơ sinh bị rơi ngã, khi nào thì cần đưa bé tới viện cấp cứu?
Các chuyên gia cho biết hãy lập tức đưa bé tới bệnh viện nếu bạn phát hiện bé có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng dưới đây:
Không nên để bé lớn trông trẻ sơ sinh mà không có người lớn ở bên (Ảnh minh họa).
- Co giật.
- Lơ mơ, gà gật.
- Nôn mửa.
- Không còn tỉnh táo.
- Vết thâm tím có thể nhìn thấy hoặc sưng phù xuất hiện ở vùng đầu.
- Chảy máu từ mũi, tai hoặc miệng.
Nếu có tai nạn xảy ra – khi ai đó vô tình làm rớt bé sơ sinh – làm ơn hãy bình tĩnh, ngay cả khi bạn đang lo sốt vó.
Hãy hít một hơi thật sâu, cố gắng vượt qua cơn hoảng loạn và trấn an mọi người nếu họ có tỉnh dậy và hét lên trong đêm.
Nếu bé con của bạn bình tâm lại sau vài phút, và nếu bé vẫn cho thấy phản ứng của mình, mỉm cười và cư xử bình thường, vậy bé có lẽ vẫn ổn.
Hãy kiểm tra thật nhanh: xem có xuất hiện các vết bầm tím, u cục, chảy máu trên người bé không. Đồng thời, thử cử động chân, tay bé.
Nếu không phải là cú ngã từ một vị trí khá cao, trẻ sẽ ổn. Nhưng để chắc chắn, bạn luôn có thể chọn đưa con tới bác sĩ ngay để kiểm tra thật kỹ.
Nguồn: WebMD, Father, Parent