Nga đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày vào tháng tới như một động thái đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo Bloomberg, động thái này có nguy cơ làm tăng tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ, vốn đã bất ổn trong năm 2022. Nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nữa khi năm ngoái OPEC+ đã công bố việc cắt giảm đến 2 triệu thùng dầu/ngày trong nỗ lực ghìm đà giảm giá. Các thành viên OPEC+ cũng lập tức tung tín hiệu rằng sẽ không thực hiện bất cứ động thái tăng sản lượng nào để lấp khoảng trống cho Nga tạo ra.
Giá dầu thô tăng vọt sau tin tức này, khi dầu Brent giao dịch ở mức 86,34 USD/thùng, tăng 2,2%. Tuần trước, điểm chuẩn quốc tế đã giảm 9% so với thời điểm giữa tháng 1, giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát.
Mức giảm 500.000 thùng dầu/ngày của Nga tương đương 5% sản lượng tháng 1 của quốc gia này. Điện Kremlin đã nhiều lần ám chỉ về một động thái đáp trả sau khi Liên minh châu Âu và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) thảo luận về việc hạn chế giá xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga.
“Nga tin rằng cơ chế giá trần với dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga là sự can thiệp vào các mối quan hệ thị trường”, ông Alexander Novak – Phó Thủ tướng Nga cho biết hôm 10/2.
“Hầu hết nhà quan sát đều dự đoán sản lượng sẽ bị giảm sút và Moscow có thể đang mô tả việc cắt giảm như một lựa chọn tự nguyện”, ông Bob McNally – Chủ tịch Energy Group nói.
Theo ông Novak, Nga vẫn có thể bán dầu ra nước ngoài nhưng không muốn tuân thủ các hạn chế về giá do phương Tây áp đặt. “Khi đưa ra các quyết định tiếp theo, chúng tôi sẽ hành động dựa trên tình hình thị trường”.
Sản xuất dầu của Nga vẫn duy trì ở mức cao bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo ông Vikor Katona, nhà phân tích dầu thô tại Kpler, việc cắt giảm của Nga không có khả năng ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu trong dài hạn. Ông tin rằng sản lượng sẽ chỉ giảm trong tháng 3 và Nga có thể phục hồi sản lượng sau đó.
Sản xuất dầu của Nga vẫn vận hành một cách đáng kinh ngạc trong bối cảnh nhiều biện pháp hạn chế năng lượng từ phương Tây và đồng minh đưa ra. Kể từ khi chạm mức thấp nhất là 10,05 triệu thùng/ngày vào tháng 4, sản lượng dầu của Nga đã tăng trở lại mức 10,9 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022.
Sản lượng này vẫn duy trì vào tháng 1, bất chấp lệnh cấm của châu Âu với hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu mỏ bằng đường biển từ Nga vào ngày 5/12.
Mặc dù vậy, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu xuống thấp hơn. Mức chiết khấu mà dầu thô Urals – loại dầu xuất khẩu chính của Nga – giao dịch với so với chuẩn quốc tế cũng tăng lên, khi nước này tìm kiếm thị trường mới và các phương thức vận chuyển thay thế được đưa ra khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.