Đây là cách đập Tam Hiệp kiểm soát lũ lụt, nhưng hiệu quả vẫn gây tranh cãi

Minh Nhật |

Kiểm soát lũ là chức năng chính của đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất hành tinh nhưng hiệu quả của nó đến đâu đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Cách đập Tam Hiệp ngăn chặn lũ lụt

Theo Travel China Guide, sức chứa lũ của hồ chứa Tam Hiệp được công bố chính thức là 22,15 tỷ m3 nước.

Hàng năm trước khi mùa lũ đến, nước trong hồ chứa Tam Hiệp được xả xuống ở mức thấp nhất cho phép, để hồ chứa có nhiều không gian nhất để chứa nước lũ khi cần thiết.

Nếu một trận lũ theo mùa ập đến, nó có thể bị đập Tam Hiệp chặn lại và lưu trữ hoàn toàn. Trong trường hợp lũ lớn, các biện pháp ngăn lũ và lưu trữ lũ sẽ được thực hiện để giảm lũ. Chẳng hạn, trận lũ đầu tiên vào năm 2016 chảy vào hồ chứa Tam Hiệp với tốc độ 50.000 m3/giây, nhưng sau đó được xả ra ở mức 31.100 m3/giây.

Năm 2018, trận lũ đầu tiên chảy vào hồ chứa với tốc độ 53.000 m3/giây và sau đó được xả ra ở mức 40.000 m3/giây. Sau lũ, nước được lưu trữ trong hồ chứa sẽ được xả đều ra từng chút một.

Bên cạnh đó, khi một trận lũ xảy ra ở hạ lưu, đập Tam Hiệp sẽ chặn một phần nước ở thượng nguồn để giảm lượng nước chảy xuống hạ lưu, ngăn lũ lớn hơn.

Theo các quy định điều phối hiện hành, mực nước của hồ chứa Tam Hiệp phải giảm xuống 155m vào ngày 25/5 mỗi năm và xuống còn 145m vào ngày 10/6, mức thấp nhất cho phép để chuẩn bị chứa nước trong mùa mưa lũ.

Để tránh lũ ở khu vực hạ lưu vì xả nước, mực nước xả xuống không thể vượt quá 0,6m mỗi ngày. Trong suốt mùa mưa, hồ chứa Tam Hiệp luôn được chuẩn bị để ngăn chặn lũ lụt. Khi tình hình mưa lũ ở hạ lưu được cải thiện, dòng chảy ra khỏi hồ chứa sẽ được tăng lên, để dành chỗ chứa nước cho trận lũ tiếp theo.

Đập Tam Hiệp ngăn lũ sông Dương Tử hiệu quả đến đâu?

1. Khả năng lưu trữ lũ của đập Tam Hiệp được cho là khá hạn chế. Cộng tất cả các hồ chứa trong lưu vực sông Dương Tử bao gồm hồ chứa Tam Hiệp thì tổng công suất kiểm soát lũ vẫn chưa đến 20% dòng chảy hàng năm của sông Dương Tử.

Dòng chảy của sông Dương Tử đạt gần một nghìn tỷ m3/năm, trong đó 70-80% tập trung vào mùa mưa, trong khi khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ là 22,15 tỷ m3. Nếu chỉ đơn giản là trữ nước vào mùa mưa để sử dụng sau, hồ chứa sẽ nhanh chóng đầy hoàn toàn. Trong trường hợp lũ lụt xảy ra sau đó, đập Tam Hiệp sẽ mất tác dụng kiểm soát lũ và thậm chí đe dọa xảy ra tình trạng tràn đập, vỡ đập.

2. Có một số nhánh sông lớn ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp. Rất khó để điều hướng dòng chảy của những nhánh sông này vào sông Dương Tử khi tất cả các nhánh sông ở thượng nguồn đạt đỉnh lũ cùng lúc. Sẽ còn khó khăn hơn nữa khi cùng lúc đó, lũ lớn cũng xuất hiện ở khu vực hạ lưu.

3. Nhiều hồ chứa khác nhau đã được xây dựng ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp. Rất khó để điều phối tất cả các hồ chứa lớn, nhỏ trên cùng nhau kiểm soát lũ sông Dương Tử. Không ít các nhà khai thác hồ chứa xem khả năng kiểm soát lũ và kế hoạch xả lũ là bí mật kinh doanh và không tiết lộ ra ngoài. Điều này cũng ảnh hưởng đến dòng chảy vào đập Tam Hiệp.

4. Xói mòn đất trong lưu vực sông Dương Tử chưa được kiểm soát hoàn toàn, đòi hỏi khả năng kiểm soát lũ cao hơn qua từng năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại