Theo SCMP, quân đội Trung Quốc đang sử dụng máy xúc chân nhện để tăng tốc xây dựng đường xá và các công trình khác ở vùng núi Himalaya gần khu biên giới tranh chấp với Ấn Độ - nơi căng thẳng leo thang trong một khoảng thời gian dài dù những vụ đụng độ và xô xát giữa lính biên phòng hai nước.
Những phương tiện hạng nặng này có thể được thấy trong đoạn video quay cảnh quân đội Trung Quốc (PLA) ở vùng cao nguyên Tây Tạng ở gần sông Yarlung Tsangpo - hay được phía Ấn Độ gọi là Brahmaputra. Đoạn video mới được đăng tải tuần trước bởi lực lượng quân đội PLA ở Tây Tạng.
Với 4 chân thủy lực trên lốp xe và hai phần mở rộng răng cưa, máy xúc này có thể đứng và bước qua các chướng ngại vật, đi qua các con suối hoặc khe nứt, hay thậm chí "trèo" và hoạt động trên địa hình gần như thẳng đứng.
PLA đã sử dụng hai mẫu được sản xuất bởi hãng Sản xuất Máy công trình XCMG ở tỉnh Giang Tô - một loại nặng 11 tấn và có thể bước đi với tốc độ 10km/h, và một loại khác có thể được điều khiển từ xa mà không cần người lái. Các phương tiện này cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động giải cứu bởi PLA.
Máy xúc chân nhện được quân đội Trung Quốc sử dụng ở các vùng địa hình hiểm trở. Ảnh: SCMP
Cả Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm gần đây đã nâng cấp các công trình dọc đường Kiểm soát Thực tế (LAC) - đoạn biên giới dài 3.488km với hàng chục năm xung đột do những tranh chấp chủ quyền.
Những dự án xây dựng cũng dẫn tới các cuộc đụng độ giữa lính biên phòng hai nước, bao gồm vụ căng thẳng ở cao nguyên Doklam năm 2017, vụ xô xát ngày 15/6 ở Thung lũng Galwan - một trong những tranh chấp ở vùng Ladakh thuộc Kashmir - dẫn tới cái chết của ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lượng thương vong chưa xác định ở phía Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng thuận giảm căng thẳng và rút lui sau vụ việc hồi tháng trước, tuy nhiên cả hai bên đều tiếp tục điều thêm viện binh tới đây với mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng ở nơi xa xôi hẻo lánh này.
Xây dựng đường xá và cơ sở vật chất ở "nóc nhà thế giới" là công việc khó khăn vì độ cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển, địa hình hiểm trở và những yếu tố thời tiết khắc nghiệt khác. Ngoài ra, khu vực đồi núi còn đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra các thiên tai như động đất, lở đất và lũ lụt.
Thậm chí việc đưa các trang thiết bị hạng nặng tới khu vực biên giới cũng là một nhiệm vụ nguy hiểm. Hai người Ấn Độ đã bị thương vào ngày 22/6 sau khi lái xe tải đi ngang qua một cây cầu bị sụp. Được biết, chiếc xe tải này đang chở các máy xúc để xây đường xá từ làng ở Milam tới phía biên giới với Trung Quốc ở bang Uttarakhand.
Hiện tại, PLA dường như vẫn đang tăng tốc xây dựng ở ngay cả những khu vực không có đường xá thuận lợi. Hình ảnh vệ tinh cho thấy có hơn 100 xe tải Trung Quốc cũng như trang thiết bị của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực biên giới chỉ sau 1 ngày có vụ đụng độ chết người với Ấn Độ.