Một buối sáng nóng bức tại Kazan, Nga, khoảng hai tuần trước, một nhà báo người Anh đã quyết định đương đầu với cái nóng và đi chạy. Căn hộ anh ở trong thời gian diễn ra World Cup nhìn ra sân vận động , vì thế anh quyết định chạy vài vòng.
Khi đã chạy đến vòng thứ 2, anh chỉ còn có thể đi bộ với mặt đỏ bừng và áo phông đẫm mồ hôi. Hai nhân viên an ninh nhìn anh với ánh mắt ngờ vực. Họ trao đổi ngắn trước khi chặn anh lại.
Lo lắng rằng mình có thể bị hỏi giấy tờ tuỳ thân trong khi lại không nói được nhiều tiếng Nga, phóng viên người Anh sẵn sàng giải thích anh đã quên hộ chiếu ở nhà và sẵn lòng quay lại lấy.
Thế nhưng trước khi anh kịp nói gì, một trong hai viên cảnh sát đã nói một câu ngắn vào chiếc điện thoại của anh ta và giơ về phía nhà báo người Anh. Một giọng nói điện tử phát ra, bằng tiếng Anh, “bạn có cần sự trợ giúp y tế không?”
Google Translate hiện có khoảng 500 triệu người dùng và thực hiện dịch thuộc khoảng 143 tỷ từ mỗi ngày.
World Cup 2018 chính là một World Cup của công nghệ khi FIFA và nước chủ nhà đã áp dụng rất nhiều công nghệ mới, trong đó đáng chú ý nhất là công nghệ hỗ trợ trọng tài qua video V.A.R. Tuy nhiên, ở bên ngoài sân vận động, người ta còn nhìn thấy một xu hướng công nghệ rõ nét hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Hình ảnh điểm nhấn của kì World Cup này là người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới, chủ nhà và khách tới thăm cùng cầm những chiếc điện thoại để giao tiếp được với nhau bằng thứ ngôn ngữ họ chưa từng học, chưa nói đến chuyện đã từng dùng. Đây là kì World Cup của Google Translate.
Ở Nga, trong tháng vừa qua, người hâm mộ đã dùng ứng dụng dịch thuật cho mọi thứ: hỏi đường, trò chuyện với lái xe taxi, cắt tóc, check-in khách sạn, kết bạn và thậm chí là tán tỉnh người khác. Tính năng camera của ứng dụng với khả năng quét và dịch các đoạn văn bản cũng giúp người hâm mộ “giải mã” được các kí tự trông chẳng khác gì mật thư.
“Nó thực sự rất có ích,” Rodrigo Ferrreira, một người hâm mộ người Brazil chia sẻ. Anh đã ở Nga cùng người anh của mình tên Arthur trong gần hai tuần. “Nó đáp ứng được mọi thứ. Chúng tôi cũng cố gắng nói bằng tiếng Anh nhưng nó có ích ở các quán bar, nhà hàng hay khi nói chuyện với phụ nữ.”
Một phụ nữ người Colombia và một người Nga vượt qua rào cản ngôn ngữ ở Samara, Nga.
Điều này không quá ngạc nhiên với Jalie Cattiau, giám đốc sản phẩm Google Translate. “Brazil là thị trường lớn nhất của chúng tôi, nhưng Nga cũng xếp ở thứ hạng khá cao,” bà chia sẻ.
Google đã kì vọng ứng dụng Google Translate sẽ được sử dụng nhiều tại World Cup - tương tự những gì đã xảy ra tại 2016 Olympics Rio de Janeiro - thế nhưng sự tăng trưởng là thực sự ấn tượng: số lượng yêu cầu dịch thuật trên điện thoại đã tăng lên gấp đôi bình thường, bà Cattiau tiết lộ.
Mauricio và Eduardo Contró, hai anh em người Mexico, đến Nga để xem trận bán kết và chung kết World Cup, nhận thấy người Nga dùng điện thoại để giao tiếp với khách nước ngoài rất nhiều.
“Chúng tôi cần sạc pin điện thoại, vì thế chúng tôi và một quán cafe và hỏi nguồn điện,” Maurico, 27 tuổi, kể lại. “Trước khi kịp nói xong, họ đã lấy điện thoại ra, mở Google Translate và nhờ chúng tôi nói vào đó.”
“Không nhiều người có thể nói Tiếng Nga và điều này có thể khiến bạn lo lắng,” Hedi Salem, 31 tuổi, một người hâm mộ người Pháp đến từ Marseille nói. “Ở các thành phố nhỏ, ít người lại nói được tiếng Anh.
Chúng tôi đã học một chút tiếng Nga. Chúng tôi thử chỉ trỏ hoặc mô tả trước nhưng Google Translate khiến mọi thứ dễ dàng hơn. Thật tuyệt vời khi thấy mọi người có thể trò chuyện mà không biết ngôn ngữ của đối phương.”
Thực tế, trong một tháng trở lại đây, mọi thứ như thể đang mang đến một cái nhìn vào tương lai: một thế giới mà ở đó ngôn ngữ không còn là điều kiện tiên quyết để mọi người hiểu nhau.
Google Translate được sử dụng tại một khách sạng ở St. Petersburg.
“Đối với những dân du lịch trẻ, tháng ngày của những cuốn sổ tay câu nói in sẵn đã qua,” Joss Moorkens, trợ lý giáo sư tại Trường Ứng dụng Ngôn ngữ và Đa văn hoá, Đại học thành phố Dublin chia sẻ. “Điều này rất ấn tượng: Khi mọi người đã quen với các công cụ dịch thuật trên di động, họ sẽ sẵn lòng tương tác với khách hơn dù không biết ngôn ngữ chung.”
Đó cũng chính là tầm nhìn Google dành cho ứng dụng của mình. Bà Cattiau chia sẻ “tham vọng và tầm nhìn là phá vỡ các rào cản ngôn ngữ của mọi người theo nhiều cách khác nhau,” và trong nhiều hoản cảnh, không chỉ là du lịch. 95% người dùng Google Translate nằm bên ngoài nước Mỹ và thường rất lớn ở các quốc gia đa ngôn ngữ như Ấn Độ hay Indonesia.
Bà Cattiau nói thêm về mục tiêu khiến chất lượng dịch thuật tiệm cận được chất lượng do con người thực hiện. Đội ngũ của cô không chỉ khiến ứng dụng này chính xác nhất có thể mà còn muốn cải thiện sự dễ sử dụng, “Chúng tôi muốn người dùng có thể trò chuyện tự nhiên và trơn tru nhất có thể,” bà chia sẻ.