Đây là 7 điều các chuyên viên giáo dục giới tính khuyên áp dụng để con tránh nguy cơ bị xâm hại

Hiểu Đan |

Bạn đã thực hiện bao nhiêu điều cho con mình?

Trên thực tế ở nhiều nơi, giáo dục giới tính vẫn còn được xem là chủ đề nhạy cảm và ít được đề cập rộng rãi. Việc thiếu kiến thức và kỹ năng về giới tính cũng như tự bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục trong giới trẻ hiện nay đã dẫn tới những hậu quả đau lòng.

Rất khó để phụ huynh bắt đầu trò chuyện với con về giới tính, tình dục. Tuy nhiên, các chuyên viên về giáo dục giới tính cho rằng, cha mẹ nên vượt qua sự ngại ngùng để giao tiếp với con cái về chủ đề này càng sớm càng tốt.

Đây là 7 điều các chuyên viên giáo dục giới tính khuyên áp dụng để con tránh nguy cơ bị xâm hại - Ảnh 1.

Họ đã liệt kê ra 7 điều cần chia sẻ với con:

1. Bạn có thể nói về giới tính, bản dạng giới và xu hướng tính dục

"Bạn nói về tình dục khi trẻ còn nhỏ - chẳng hạn như 5 tuổi, trước khi chúng tiếp xúc với tình dục trên internet hoặc văn hóa đại chúng - thì chủ đề này sẽ trở nên bình thường", Cindy Pierce - một chuyên gia giáo dục giới tính nói.

Bạn có thể nói với con về giới tính, bản dạng giới (Gender Identity - là cảm nhận, là cách mỗi người nhìn nhận về giới tính của mình là gì) và xu hướng tính dục. Cứ sau vài tháng, hãy kiểm tra kiến thức bằng cách hỏi con về những chủ đề này. Điều rất quan trọng là bạn phải chắc chắn rằng con luôn có thông tin chính xác.

2. Không ai có quyền đụng chạm khi con chưa cho phép, kể cả một cái ôm

"Phải dạy trẻ rằng chúng chịu trách nhiệm về cơ thể của chính mình và tôn trọng cơ thể của người khác. Không ai có quyền sở hữu, đụng chạm đối với cơ thể của chúng ta... và ngược lại" - Bà Lydia Bowers, một chuyên gia ở Ohio, Mỹ - cho biết.

Cách đây ít lâu, một đứa trẻ tám tuổi đã sờ mông bạn gái cùng lớp. Sau khi bị phát hiện, cha mẹ của cậu bé không những phạt con mà con "tỉnh bơ" nói: "Con tôi mới 8 tuổi. Nhỏ vậy thì nó biết gì?". Những bậc cha mẹ như vậy nếu không kịp thời kiểm điểm bản thân sẽ chỉ giáo dục nên những đứa trẻ phát triển lệch lạc. Thân thể của mỗi người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và hành vi của một đứa trẻ phản ánh chất lượng giáo dục của gia đình này như thế nào.

3. Gọi tên chính xác cho các bộ phận cơ thể

Louise Bourchier, nhà giáo dục giới tính ở New Zealand chia sẻ: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là trẻ em phải biết tên riêng của bộ phận sinh dục và các bộ phận cơ thể khác của chúng". Điều này rất quan trọng vì nó bình thường hóa bộ phận sinh dục mà không tạo ra điều cấm kỵ hoặc kỳ thị như sử dụng từ ngữ nói giảm nói tránh.

Đồng thời, đối với những trẻ không biết tên chính xác, trẻ có thể khó báo cáo việc lạm dụng tình dục nếu điều đó xảy ra. Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng, dạy trẻ về vùng kín cũng y như dạy trẻ về các bộ phận khác trên cơ thể như tay, chân, tai, mũi... Không việc gì phải xấu hổ khi gọi tên chính xác các bộ phận riêng tư đó.

4. Đừng lấy nội dung khiêu dâm làm hình mẫu cho tình dục thực sự

Nếu bạn phát hiện ra con mình đã xem phim khiêu dâm, đừng phản ứng thái quá. Thừa nhận rằng sự tò mò là bình thường, nhưng hãy cho trẻ biết rằng phim khiêu dâm không phải là tình dục thực sự và nó dành cho người lớn.

Bạn có thể giải thích cho con mình rằng các diễn viên đóng phim khiêu dâm đang được trả tiền. Họ phải làm những gì họ được bảo và trông như thể họ đang có một khoảng thời gian tuyệt vời - ngay cả khi quan hệ tình dục là bạo lực, không có sự đồng thuận, nhàm chán hoặc không thể vui vẻ được. Và cơ thể thật không giống với cơ thể của các diễn viên khiêu dâm. Ví dụ, các diễn viên có thể đã chỉnh sửa hoặc "nâng cao" cơ thể của họ theo nhiều cách khác nhau.

Điều quan trọng là con bạn phải biết rằng các mối quan hệ viên mãn là sự gần gũi và tin tưởng về mặt tình cảm cũng như tình dục thú vị giữa hai bên. Bạn có thể giúp con mình hiểu điều này bằng cách nói về những mối quan hệ tôn trọng trông như thế nào.

5. Giáo dục giới tính không chỉ là tình dục

Giáo dục giới tính thực sự liên quan đến rất nhiều lĩnh vực: Nhận dạng và thể hiện giới tính, khuynh hướng tính dục, hoạt động tình dục, tình bạn và các mối quan hệ lành mạnh, bạo lực và quấy rối tình dục, tránh thai, quyền tự chủ của cơ thể, mang thai, cảm xúc.

"Bất cứ khi nào có thể, hãy cùng con bắt đầu một cuộc trò chuyện, với chủ đề không nhất thiết phải là thứ gì đó "nặng nề": Có thể là phản ứng đối với điều gì đó mà con đã xem trên TV; ý kiến về trang phục của người nổi tiếng"... Wazina Zondon, nhà giáo dục giới tính và là tác giả của cuốn sách Coming Out of Muslims: Radical Acts of Love gợi ý.

6. Con có thể đặt câu hỏi về tình dục và cha mẹ luôn sẵn sàng trả lời

Nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên càng muốn nói chuyện với cha mẹ về những vấn đề giới tính, càng có ít có khả năng quan hệ tình dục không lành mạnh hơn. Là cha mẹ và người chăm sóc, hãy đảm bảo rằng bạn luôn sẵn sàng trả lời cho con về những câu hỏi có vẻ nhạy cảm này.

Khi đứa trẻ hỏi một câu hỏi khiến bạn mất cảnh giác, bạn nên hỏi lại như: "Con nghĩ sao?". Điều này giúp bạn biết được nền tảng kiến thức của con mình và cho bạn thời gian để xoa dịu cơn hoảng loạn.

7. Một số điều có thể kỳ lạ với con nhưng với người khác thì không!

Quan hệ tình dục trước hôn nhân, quan hệ đồng giới, biểu hiện giới tính của một người... - một số điều có thể khiến con thấy khó chịu và kỳ quặc nhưng không phải ai cũng như vậy. Cha mẹ nên nói với con thông điệp này để con hiểu và tôn trọng sự khác biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại