Hơn 1000 chuyên gia robot, trong đó có Elon Musk và Stephen Hawking, đã ký vào một bức thư vào mùa hè năm ngoái, phản đối và cảnh báo sự nguy hiểm về những cỗ máy có khả năng nhận diện và theo đuổi mục tiêu một cách tự động mà không cần sự kiểm soát của con người.
Trên thực tế, con người vẫn luôn có khả năng tùy chỉnh và thay đổi chức năng của robot sao cho phù hợp với từng tình huống và mục đích, thậm chí cả hủy diệt mục tiêu như trong vụ đấu súng ở Dallas khi cảnh sát gắn một quả bom vào một robot gỡ bom, sau đó lợi dụng nó làm công cụ để hạ gục kẻ tấn công.
Dưới đây là những thông tin chúng tôi đã thu thập được về các loại hình robot có mục đích gần giống hoặc tương tự được sử dụng trên thế giới để bảo vệ con người.
Tất nhiên một số điều luật không cho phép can thiệp quá sâu và những tài liệu kín, vì vậy danh sách này vẫn chưa toàn diện nhất. Dù sao hãy dành vài phút để hiểu rõ hơn về cách thức cũng như cơ chế hoạt động của những mẫu robot sau đây:
1. Griffin, Sở Cảnh sát Cleveland
Với cuộc vận động bầu cử cho Đảng Cộng hòa đang diễn ra sôi nổi, cảnh sát thành phố Cleveland đã đưa vào sử dụng một robot có tên gọi Griffin, sáng chế bởi các sinh viên từ một trường cao đẳng cộng đồng trong khu vực.
Với độ cao chỉ 30 cm, cỗ máy với 6 bánh xe này được thiết kế để len lỏi vào những nơi con người không chạm tay tới hoặc khó thao tác, như gầm xe ô-tô hoặc phía sau các thùng chứa để tìm và phát hiện các thiết bị gây nổ.
Trang bị kèm với camera và đèn soi chuyên dụng, cảnh sát có thể dựa vào đó để phán đoán và xử lý tình huống thông qua màn hình truyền tín hiệu trực tiếp từ xa.
Không giống như những đội phá bom hùng hậu hay các robot khí tài quân sự hiện đại, Griffin vừa đủ gọn nhẹ để có thể triển khai nhiệm vụ ngay lập tức chứ không cần phải tốn công vận chuyển đến địa điểm cần thiết nữa.
Cũng phải nói thêm, Griffin chỉ là một trong số 40 robot cảnh sát bang Ohio được trang bị qua chương trình 1033 của liên bang, có mục đích phổ biến thiết bị công nghệ cao đến các lực lượng thực thi pháp luật địa phương.
2. Drone chống nổi loạn, Ấn Độ
Cảnh sát thuộc vùng Uttar Pradesh của Ấn Độ đã nhập về một tập hợp những drone Skunk vào năm ngoái, thiết kế để… rải hạt tiêu và bóng sơn xuống đám đông nếu bạo loạn xảy ra.
Những thiết bị drone này được sản xuất bởi hãng công nghệ Desert Wolf từ Nam Phi, có thể lượn lờ trên đầu một cuộc biểu tình, phóng xuống những quả bóng sơn hoặc các loại hình đạn khống chế không gây chết người khác với số lượng lên đến 20 viên/giây đồng thời rải những hạt hơi cay xuống phía dưới.
Cảnh sát điều khiển drone từ mặt đất. Drone bao gồm 8 động cơ tiếp năng lượng để bay lên, gắn kèm với loa phóng thanh để chính quyền có thể đưa ra những hiệu lệnh trực tiếp, cũng như đèn báo và laser (không gây hại đến mắt) để giải tán đám đông.
Và tất nhiên, không chiếc drone nào là không được trang bị công nghệ theo dõi giám sát cả: một camera tầm nhiệt, camera HD và microphone để ghi lại toàn bộ hình ảnh và thông tin cần thiết cho quá trình thực thi nhiệm vụ.
3. Robot Cai ngục, Hàn Quốc
Các nhân viên trông coi tại nhà tù Pohang, Hàn Quốc đã sử dụng robot để thay họ làm nhiệm vụ theo dõi và canh gác, lần đầu được đưa vào thử nghiệm vào năm 2012.
Với chiều cao hơn 1,5 m, robot cai ngục được trang bị những camera 3D và phần mềm nhận diện hành vi tù nhân.
Chủ nhân sáng chế ra nó cho biết rằng nó có khả năng xử lý thông tin để từ đó tự động đưa ra những lời cảnh báo đến ban quản lý nhà tù khi nhận ra điều gì đó bất thường, ví dụ như một cuộc ẩu đả hay tù nhân bị ngã, ngất trên sàn.
Một radio hai chiều trên robot cũng được thiết lập để phục vụ giao tiếp giữa trung tâm kiểm soát và đối tượng phía bên kia.
Vẫn chưa có thêm những thông tin chính thức về việc robot này có được đưa vào sử dụng toàn thời gian tại nhà tù sau cuộc kiểm tra hay không, nhưng nhiều nguồn tin cũng cho hay Hàn Quốc đang gấp rút thiết kế nên mẫu robot tuần tra phục vụ cho Olympic Mùa đông 2018 tại Pyeongchang.
4. Robot luật pháp, Israel
Con robot với trọng lượng chỉ gần 12 kg cùng chiều cao gần 30 cm này có vinh dự được trang bị một khẩu súng lục Glock 9mm.
Thiết kế bởi công ty TNHH General Robotics của Israel, với tên gọi Dogo, tốc độ bắn của robot lên đến 5 viên đạn trong 2 giây. Thậm chí, nó còn có thể lén lút đột nhập vào nhà, leo cầu thang, hoặc tránh chướng ngại vật rất thông minh.
Với 8 camera và cổng thu phát âm thanh hai chiều, Dogo hỗ trợ cảnh sát trong việc thương lượng hoặc bắn trả các mục tiêu nguy hiểm mà không cần phải đích thân ra mặt, để bảo toàn tính mạng cho lực lượng.
Ngoài ra, một chức năng khác ngoài việc “bắn giết” cũng được áp dụng lên Dogo, đó là phun hạt tiêu hoặc chiếu sáng mạnh để tạm thời làm choáng, khống chế đối tượng.
5. Robot lực sĩ, Sở Cảnh sát Los Angeles
Bat Cat - tên viết tắt tiếng Anh cho “Công cụ Đánh giá Chiến lược và Kiểm soát Bom” - là “con quái vật” của cảnh sát Los Angeles được điều khiển qua cơ chế sóng radio.
Được chế tạo để nâng lên cả một chiếc ô-tô với bộ khung sải tay có khả năng kéo dài ra hơn 15m, thiết bị không người lái này có thể di chuyển với tốc độ tối đa 10km/h trong khi vẫn đang nâng vật thể.
Dù mục đích chính là loại bỏ những đối tượng là nguyên nhân gây nổ, nhưng theo số liệu từ Los Angeles Times, Bat Cat cũng được thiết kế để “cày nát” cả căn nhà chỉ trong vài phút.
Cảnh sát cũng có thể thay thế đầu kẹp tay của robot với những móc cào, thùng chứa, dụng cụ nâng hàng, thanh phá cửa, vì khối lượng mà robot có thể tải là vô cùng lớn.
6. Drone “bắt drone”, Nhật Bản
Thật không tưởng! Cảnh sát Nhật Bản đang đưa vào áp dụng các thiết bị drone dùng để bắt giữ và vô hiệu hóa drone khác mà không bắn hạ hay phá hủy chúng.
Thay vào đó, họ dùng một mảnh lưới. Mẫu drone đặc biệt này được giới thiệu vào đầu năm nay để phục vụ mục đích bắt giữ những vật thể bay có dấu hiệu khả nghi lởn vởn ở gần những khu vực quân sự nhạy cảm.
Những tấm lưới mắt cáo khổng lồ được sử dụng để vô hiệu hóa hiệu quả mục tiêu, có kích thước khoảng 2m x 3m.
Năm ngoái, một drone lạ đã hạ cánh ở mái nhà Thủ tướng Shinzo Abe, mang theo một nắm cát phóng xạ (hàm lượng dưới mức nguy hại), để rồi sau khi cảnh sát vào cuộc, họ đã tìm ra nguyên nhân và thủ phạm là một nhà hoạt động phản đối khai thác hạt nhân.
Nhìn chung, biện pháp “lấy độc trị độc” này của cảnh sát tỏ ra hiệu quả và an toàn hơn nhiều so với cách mà lực lượng an ninh Hà Lan áp dụng: huấn luyện đại bàng để tấn công các drone chưa được ủy quyền và cấp phép chính thức.
7. Trật tự viên Olympic, Brazil
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic tại Brazil, và theo nguồn tin từ Motherboard, cảnh sát của toàn đất nước đang phong tỏa mọi ngõ ngách trên các con đường, bao gồm cả một quân đoàn gồm các PackBot số hiệu 510 - robot quân sự dò tìm bom và trinh thám - vốn được chuẩn bị từ dịp World Cup trước đó.
Những loại robot trên cũng được quân đội tin dùng trong các nhiệm vụ quan trọng như do thám hiện trường vụ nổ phóng xạ Fukushima tại Nhật Bản, hoặc thăm dò chiến trường tại Iraq và Afghanistan.
Mỗi PackBot có trọng lượng khoảng 30 kg, trang bị cùng 4 camera và quan trọng nhất là cánh tay có thể thu gọn cũng như kéo dài lên đến gần 2m có khả năng nâng vật thể nặng tối đa 13,6 kg.
Mục đích chính là dò tìm và vô hiệu hóa bom mìn, vì PackBot 510 có thiết bị cắt dây chuyên dụng ở đầu cánh tay. Khả năng leo cầu thang, lội nước hay di chuyển với tốc độ gần 10km/h cũng là một thành tích đáng nể.
Với lượng khách du lịch và fan hâm mộ lên đến hàng triệu người đổ về đường phố Brazil, cảnh sát sẽ huy động hết sức mình để tránh những trường hợp xấu nhất xảy ra liên quan đến các vụ kích nổ cố ý.
8. Robot cảnh sát giao thông, Cộng hòa Dân chủ Congo
Kinshasa là thủ đô và một thành phố sầm uất của Congo, đã áp dụng những cảnh sát giao thông người máy chạy bằng năng lượng mặt trời vào hệ thống thực thi luật pháp của mình trong năm 2013, với nỗ lực giảm thiểu thương vong và thuyết phục mọi người hơn trong việc tuân thủ luật giao thông đường bộ.
Nhìn vẻ ngoài khá “ngầu” khi được trang bị cả kính râm, những robot này được đưa về kiểm soát tình hình tại các nút giao có mật độ giao thông cao, đóng vai trò toàn diện như một camera giao thông, đèn tín hiệu và cả báo hiệu cho người đi bộ qua đường nữa.
Những cánh tay được thiết kế với dấu hiệu riêng để biểu thị đèn xanh đền đỏ, đồng thời chỉ dẫn hướng giao làn và đi bộ.
Được sáng chế và thiết kế bởi Women’s Technology, robot này cũng được tích hợp hệ thống camera giám sát và theo dõi như mọi thiết bị khác của cảnh sát, góp phần giúp cho trung tâm xử lý nhận biết các vấn đề từ xa và kịp thời đưa ra các biện pháp giải quyết.
9. Robot chiến lược, Hà Lan
Cảnh sát Hà Lan gần đây đã triển khai kế hoạch sử dụng robot do thám cho việc tuần tra khu vực. Tactical Throw Robot, đúng như tên gọi theo nghĩa đen của nó, sẽ được... “ném” vào những tòa nhà hoặc thả từ trên cao xuống để thăm dò tình hình nhờ vào camera, microphone, và nhiều lựa chọn đặc biệt khác.
Khả năng chống chọi của nó cũng vô cùng đáng nể khi độ bền được cho là cực cao, nhưng lại tỷ lệ nghịch với trọng lượng gọn nhẹ của nó (gần 2kg).
Cảnh sát có thể tung nó qua cửa sổ tầng gác của một căn nhà một cách dễ dàng như ném một quả bóng vậy, không cần thiết bị cơ học hỗ trợ nào cả.
Thiết kế này cũng có nhiều điểm tương đồng với mẫu Recon Throwbot của cảnh sát Mỹ, được gắn kèm với lựu đạn choáng hoặc thiết bị nổ nếu cần, có khả năng điều khiển và kích hoạt từ xa qua bảng điều khiển.
10. Robot tuần tra biên giới, Triều Tiên/Hàn Quốc
Khu vực “phi quân sự” giữa Bắc và Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) lại là một trong những vùng giới hạn có hoạt động quân sự nhiều nhất thế giới, bao gồm cả những quân đoàn nửa tự động hóa là các cỗ máy chiến đấu và tuần tra không biết mệt mỏi cả ngày lẫn đêm.
Được thiết kế và phát triển bởi Samsung, SRG-A1 được trang bị súng máy 5,5mm và súng phóng lựu đạn, có khả năng nhận biết kẻ địch và các dấu hiệu bất thường từ cách đó 2 dặm nhờ vào cảm biến chuyển động và nhiệt độ, cũng như camera tầm nhìn đêm để tiện phục vụ hoạt động tuần tra 24/24.
Nhiều nguồn tin cũng cho biết SRG-A1 hoàn toàn có thể được chuyển sang chế độ tự động hoàn toàn, được quyền tự quyết định, phát hiện và tiêu diệt kẻ địch nếu có bất kỳ hành vi nào trái phép.
11. Robot cứu nạn trên biển, Hy Lạp
Bộ phận cứu hộ bờ biển Lesvos, Hy Lạp mới đây đã bố trí các người máy cứu nạn, đưa chúng vào hoạt động để giúp đỡ những người tị nạn từ Syria cập bến an toàn sau một cuộc hành trình đầy khó khăn và gian khổ lênh đênh trên biển Địa Trung Hải.
Hầu hết những tàu, xuồng chở người tị nạn thường bị quá tải và không đủ phao cứu sinh nếu có trường hợp bất trắc xảy ra.
Mỗi ngày, chính quyền địa phương lại phải vật lộn, huy động nhiều nguồn lực đi cứu những chiếc thuyền bị lật úp, hết nhiên liệu hoặc mắc cạn, hỏng hóc khi gặp biển động. Do đó, Emily - tên hiệu robot - đã được chấp nhận đưa vào sử dụng.
Đây vốn là một dự án thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học A&M tại Texas, Mỹ. Emily thực chất là một thiết bị có khả năng nổi trên mặt nước, rẽ sóng với tốc độ hơn 32 km/h, kèm theo một hệ thống dây kéo dài hơn 600m để kéo tàu bị nạn vào bờ, giúp cho các thành viên khác trong đội cứu hộ có thêm thời gian và khoảng trống để tập trung cứu trợ những nạn nhân nguy kịch hơn.
Tham khảo: Wired