Video: Dân mạng hoang mang, phụ huynh bức xúc khi học sinh đọc thơ theo ô vuông, tam giác
Như VTC News đưa tin, mạng xã hội xuất hiện một số clip chia sẻ việc dạy học sinh tập đọc với phương pháp mới khiến các học sinh chỉ đọc hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần được chữ.
Trong những clip được chia sẻ, các phụ huynh đều bày tỏ thái độ bức xúc vì cho rằng phương pháp dạy học có vấn đề. Sau khi xuất hiện, những clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người cũng tỏ ra hoang mang trước phương pháp dạy học lạ lẫm này.
Một trang sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Liên quan đến vấn về này, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng việc này không có gì đáng để quan tâm nhiều đến thế.
Phương pháp đánh vần theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được thực hiện từ rất lâu. Không chỉ riêng vấn đề dư luận đang xôn xao, PGS Tình cho rằng còn có rất nhiều yếu tố khác so với phương pháp dạy đánh vần truyền thống.
"Phương pháp dạy đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được đưa vào thực nghiệm từ rất lâu.
Tôi chưa đưa ra con số định lượng cụ thể nào về chất lượng, nhưng theo tôi, mục tiêu của việc dạy đánh vần đó là học trò phải nhận được mặt chữ và phải đọc được, sau đó là đọc, viết thành thạo.
Có nhiều cách để dạy một người biết đọc biết viết. Thực ra, ở nhà bố mẹ cũng có thể dạy con biết đọc, biết viết được. Có điều dạy bằng phương pháp thế nào, có đúng hay không mà thôi. Mỗi cách dạy đều có ưu và nhược điểm riêng.
Tuy nhiên, dù dạy cách nào cũng đều phải hướng đến mục đích để học trò đọc được, viết được" - PGS.TS Phạm Văn Tình nói.
Ông Tình phân tích: "Ở Nga người ta cũng phải đánh vần, ở Mỹ ngày xưa cũng dạy học chữ theo kiểu phân ra nguyên âm, phụ âm, cũng theo phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại, đi từ cụ thể đến khái quát, học từ âm vị, âm tiết, sau đó mới học phát âm.
Tuy nhiên, sau đó họ lại chuyển sang cách học theo phương pháp như phương pháp truyền thống như của ta hiện nay, đó là đọc từ trước, thuộc đã, đi từ khái quát đến cụ thể.
Và bây giờ, Mỹ đã tận dụng, kết hợp cả hai phương pháp một cách hiệu quả nhất để học trò vừa phát âm được mà vẫn nhận diện được bảng chữ cái, chứ không loại trừ bất kỳ phương pháp nào".
Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh, mỗi phương pháp đều có ưu thế và hạn chế riêng và đều nhằm mục tiêu để học trò đọc được. Do vậy, chúng ta chớ vội vàng chê bai.
"Chúng ta có thể không đồng tình nhưng không nên vội vã chê bai, vừa thấy khác thì lập tức phản bác. Tôi khác anh không có nghĩa là tôi chống anh. Tôi khác anh có nghĩa là tôi có thể bổ sung cho anh để hai chúng ta cùng đi tới cùng mục tiêu.
Cũng như khi giải bài toán, tôi giải khác anh nhưng anh đừng có bài xích tôi nếu tôi với anh có cùng đáp số.
Còn khi phương pháp của anh được đa số đánh giá là hợp lý hơn, tốt hơn thì lúc đó anh mới được đánh giá cao hơn" - PGS Tình nhấn mạnh.
PGS Tình cũng chia sẻ: "Phải công nhận mà nói với phương pháp dạy đọc của thầy Hồ Ngọc Đại thì học trò còn bé khó tiếp nhận thật, các em còn quá bé để phân biệt âm vị, âm tố hay là ngữ âm... Mà không phải chỉ học trò, cô giáo cũng vất vả để truyền đạt cho những học trò còn bé như vậy.
Tuy nhiên, đây cũng là một phương pháp, chúng ta phải tìm hiểu xem phương pháp này được áp dụng ra sao, hiệu quả của nó thế nào?".
Về việc dư luận cho rằng để đếm chữ mà phải tách ra học tận mấy lần sẽ gây khó hiểu, PGS Tình cho rằng đây cũng là một phương pháp và chúng ta cần bình tĩnh xử lý thế nào cho hợp tình, hợp lý.
"Mỗi bộ SGK, chúng ta phải chấp nhận nhiều cách tiếp cận, phương pháp truyền thụ kiến thức cũng như công nghệ giáo dục, chúng ta cần bình tĩnh để xem xét.
Phương pháp dạy học của GS Hồ Ngọc Đại đã tồn tại lâu lắm rồi và đến nay cũng chưa có những hậu quả mang tính chất thảm họa nên các bậc phụ huynh cũng chớ có lo.
Việc dạy học sinh theo phương pháp truyền thống đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Nó cũng là minh chứng mà chúng ta cần lưu ý. Việc dạy học sinh biết đánh vần hiện được ưu tiên trong thời gian rất ngắn.
Ngày xưa có cả 1 năm học vỡ lòng, nhưng bây giờ chỉ còn 8-10 tuần. Hơn nữa, việc dạy còn phụ thuộc vào giáo viên, phương pháp truyền thụ của giáo viên rất quan trọng" - PGS Tình phân tích.