Đây chính là cách cơ thể của bạn đương đầu với nỗi sợ hãi

Mỹ Huyền |

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta lại sợ ma, zombie hay rắn rết? Và có điều gì xảy ra với cơ thể con người khi đối mặt với sự sợ hãi đó?

Ảnh hưởng văn hóa có thể khiến con người sợ những thứ nhất định, ví dụ người Mỹ bị ám ảnh bởi chú hề sát thủ. Nhưng theo Katherine Brownlowe, Tiến sĩ thần kinh – tâm thần học thuộc Trung tâm Y tế Wexner Đại học Ohio, có nhiều nguyên nhân khác gây nên sự sợ hãi.

Cô cho biết, thông thường những nguyên nhân đó có thể dẫn đến cái chết. Con người cũng có phản ứng sợ hãi với độ cao, sét, nhện hay ai đó chạy đằng sau trong con ngõ tối.

Đây chính là cách cơ thể của bạn đương đầu với nỗi sợ hãi - Ảnh 1.

Hình minh họa

Nhân tố sợ hãi

Trước hết, nỗi sợ là một cơ chế sinh tồn. Khi các giác quan phát hiện nguồn gốc gây sự căng thẳng, mà có thể mang tính đe dọa, bộ não sẽ kích hoạt một loạt phản ứng cho chúng ta biết nên chiến đấu hay chạy thoát càng nhanh càng tốt.

Nỗi sợ hãi được quy định bởi vùng não bộ nằm giữa hai thùy thái dương, gọi là hạch amygdala. Khi căng thẳng kích hoạt hạch amygdala, nó tạm thời chèn ép các suy nghĩ có ý thức, để cơ thể chuyển toàn bộ năng lượng sang đối phó mối đe dọa.

Đây chính là cách cơ thể của bạn đương đầu với nỗi sợ hãi - Ảnh 2.

Tiến sĩ Brownlowe giải thích: "Việc giải phóng các hoạt chất thần kinh và hormone làm tăng nhịp tim và hơi thở, đưa ít máu hơn đến ruột và nhiều máu hơn tới các cơ bắp, mục đích để chạy hoặc chiến đấu".

Cơ chế này dồn toàn bộ sự chú ý của bộ não vào trạng thái "chiến hay chạy", thường xuất hiện ở động vật có vú.

Sởn gai ốc hay run lẩy bẩy

Một số phản ứng của cơ thể chống lại trạng thái nguy hiểm có thể liên quan đến cơ chế từng hữu ích cho tổ tiên của chúng ta, nhưng không còn giá trị với loài người ngày nay.

Khi sợ hãi làm con người sởn gai ốc, khiến cho lông tay dựng đứng, nhìn chung không có tác dụng giúp chúng ta chiến đấu hay chạy thoát kẻ thù. Nhưng với tổ tiên lông tóc rậm rạp của con người, điều này giúp họ trông to lớn và hùng vĩ hơn.

Đây chính là cách cơ thể của bạn đương đầu với nỗi sợ hãi - Ảnh 3.

 "Đóng băng" tại chỗ như Từ Hải chết đứng cũng là phản ứng thường xuyên xảy ra khi sợ hãi. Hành vi này thường gặp ở động vật là con mồi bị săn, như hươu nai.

Theo Brownlwe, khi bạn chết đứng tại chỗ, thú săn mồi ít có khả năng nhìn thấy và chú ý đến bạn, từ đó khả năng bạn bị ăn cũng thấp hơn.

Những phản ứng cảm xúc mà chúng ta nhận được khi sợ vì một mục đích, đó là làm tăng tỉnh táo, giữ cho cơ thể và não bộ tập trung vào việc giữ an toàn cho đến khi mối đe dọa bị vô hiệu hóa.

Đây chính là cách cơ thể của bạn đương đầu với nỗi sợ hãi - Ảnh 4.

  Kể cả trẻ sơ sinh cũng sợ một số thứ nhất định như tiếng động lớn, chuyển động đột ngột và khuôn mặt xa lạ. Trẻ nhỏ sợ những điều mà người lớn biết không có thực, như con quái vật dưới gầm giường hay ông ba bị.

Katherine Brownlowe lưu ý điều này thường diễn ra đến khi đứa trẻ 7 tuổi, thời điểm chúng có thể phân biệt giữa mối đe dọa thực tế và mối đe dọa chỉ có trong trí tưởng tượng.

Đối mặt với nỗi sợ

Con người có thể xử lý nỗi sợ hãi và đè ép nó xuống khi họ nhận thức được bản thân không thực sự nguy hiểm. Điều này làm nên sự khác biệt trong phản ứng sợ hãi giữa các cá nhân.

Chúng ta có thể bị giật mình, nhưng thay vì bỏ chạy, con người đánh giá lại tình hình và phát hiện ra không cần đến trạng thái "chiến hay chạy". Sau đó chúng ta có thể làm quen với tình trạng này.

Thậm chí, một số người còn cố tình tìm kiếm trải nghiệm sợ hãi, họ sẽ xem phim kinh dị, chơi dù lượn từ đỉnh tòa tháp chọc trời và làm bất kỳ điều gì để tạo cảm giác nguy hiểm ngay lập tức.

Đây chính là cách cơ thể của bạn đương đầu với nỗi sợ hãi - Ảnh 5.

 Theo Brownlowe, những người này thích tận hưởng kết quả của những phản ứng hóa học sau khi sợ hãi cực độ, có thể là sự phấn khích. Lúc này, nhịp tim giảm, hô hấp chậm lại, tình trạng sởn gai ốc được giải tỏa, có một cảm giác nhẹ nhõm xuất hiện trong cơ thể và họ thấy thật tuyệt.

Cuộc sống hiện đại kèm theo vô số căng thẳng mà người tiền sử chưa từng đối mặt và không thể tưởng tượng đến, như gánh nặng tài chính, lo lắng về công việc và những áp lực xã hội khác.

Những điều này tạo ra sự sợ hãi và lo lắng. Nhưng hãy thử nghĩ đến những nỗi sợ kinh điển, bạn sẽ thấy nỗi sợ mà chúng ta đối mặt hàng ngày có vẻ ít đáng sợ hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại