David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc

Thanh Long |

Những con người này đang cố gắng thoát khỏi hình hài của giống loài mình để mở rộng và cải tiến các giác quan. Một số còn cố gắng chống lại tuổi tác, thời gian và cả cái chết.

Có những cyborg nửa người nửa máy đang sống cùng với chúng ta ngoài kia. Đó là sự thật bạn sẽ thấy qua ống kính máy ảnh của David Vintiner, nhiếp ảnh gia người Anh đã dành hơn 6 năm theo đuổi chân dung những nhân vật đặc biệt này.

Trong một dự án có tên là "I Want To Believe", Vintiner đã đến gặp từng cyborg ở Châu Âu, Nga và cả Mỹ, thuyết phục họ hiện diện trước máy ảnh của anh ấy. Những tấm ảnh này là một bằng chứng cho cả thế giới biết kỷ nguyên mà con người có thể giao thoa với máy móc thực ra đã bắt đầu từ lâu.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 1.
David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 2.

Đó là 4 giờ chiều ngày 24 tháng 8 năm 1998, bên trong một phòng phẫu thuật tại Anh, giáo sư Kevin Warwick đến từ Khoa Điều khiển học Đại học Reading đã gây tê cánh tay mình và cấy vào một con chip silicon.

Con chip cho phép một hệ thống máy tính tại Reading theo dõi Warwick khi ông ấy di chuyển qua các văn phòng và khuôn viên trường đại học. Vị giáo sư bây giờ có thể vận hành những cánh cửa tự động, truy cập máy tính mà không cần gõ mật khẩu. Đèn và lò sưởi sẽ tự động bật lên khi ông ấy đi vào phòng và tắt khi Warwick rời đi.

Không chỉ có vậy, Warwick còn có thể nạp vào bản thân mình mọi thông tin nhận diện, từ mã số căn cước, Visa, thẻ bảo hiểm cho đến nhóm máu và hồ sơ y tế. Vị giáo sư người Anh sau đó đã tuyên bố ông đã trở thành một cyborg, khởi đầu một kỷ nguyên mà con người có thể giao thoa vói máy móc.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 3.

Bốn năm sau, giáo sư Warwick đã khởi động một dự án mới táo bạo hơn. Ông cấy ghép vào người mình một hệ thống "braingate" hay "cổng não" gồm hàng trăm điện cực kết nối trực tiếp vào hệ thần kinh. Cổng não truyền tín hiệu qua mạng internet nội bộ, cho phép điều khiển cử động của một bàn tay sinh học.

Sau đó, Warwick cấy ghép một hệ thống cổng não nữa cho vợ của mình. Cả hai đã trở thành cặp vợ chồng đầu tiên và duy nhất trên thế giới ở thời điểm này có thể kết nối liên thần kinh với nhau mà không cần giao tiếp bằng ngôn ngữ hay cử chỉ. Mặc dù, Warwick thú nhận họ đã phải mất tới 6 tuần để có thể học và hiểu được những tín hiệu xung thần kinh của nhau.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 4.
David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 5.

Năm 2012, một vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra ở phía đông thủ đô London. Nạn nhân của nó là James Young, một thanh niên năm đó mới 22 tuổi đã vô tình rơi xuống đường ray và bị bánh xe tàu hỏa cán qua người. Young may mắn sống sót, nhưng các bác sĩ đã buộc phải cắt đi một bên tay và một bên chân của anh khi chúng đã không thể được phục hồi.

Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công, và ngày mà Young ra viện, các bác sĩ đã đưa ra cho anh ấy một vài lựa chọn để bắt đầu lại cuộc sống sau này: Tốt nhất là cậu có thể lắp hai chi giả bằng thép và họ hứa sẽ bọc silicon bên ngoài và sơn lên đó màu da người để che đi cảm giác dị biệt của chúng.

Young từ chối! "Đó là định kiến mà mọi người thường có. Khuyết tật thì không bao giờ ‘sexy’ cả", anh nói.

Năm 2015, trong một chiến dịch quảng cáo cho game Metal Gear Solid V, hãng trò chơi điện tử KONAMI của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thi tuyển chọn người khuyết tật tham gia lắp cánh tay giả. Cánh tay sẽ được thiết kế bởi Sophie de liveira Barata, một nghệ sĩ chuyên điêu khắc chân tay giả và lấy cảm hứng từ Snake, nhân vật chính trong game Metal Gear Solid.

Young, một fan trung thành của trò chơi điện tử, người đã luyện được cách chơi game bằng một tay còn lại và răng của mình, cuối cùng đã chinh phục được ban tuyển chọn ở KONAMI. Anh đã cùng với Barata thảo luận và thiết kế ra một cánh tay sinh học cho riêng mình.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 6.

Nó được in 3D từ sợi carbon với các cảm biến chuyển động dán vào lưng của Young, thứ sẽ thu nhận tín hiệu điều khiển từ cột sống của anh ấy và khiến cánh tay cử động được bằng ý nghĩ. Ngoài ra, cánh tay máy còn có một cổng USB, một màn hình hiển thị có thể kết nối internet và thậm chí một ngăn chứa drone có thể mở ra và giải phóng một chiếc máy bay điều khiển từ xa bất cứ lúc nào.

"Nếu có ai đó phải bị chặt chân và chặt tay thì người đó sẽ là tôi. Bởi tôi rất hào hứng với công nghệ chân tay giả và những gì mà chúng có thể làm được", Young nói. "Khi nghĩ về một cánh tay, bạn có thể cho rằng đó chỉ là một công cụ để cầm nắm và cảm giác. Nhưng hãy nghĩ công nghệ có thể biến cánh tay đó trở thành thế nào".

"Tôi có thể sẽ phải chấp nhận mình không bao giờ có lại được một cánh tay sinh học tốt như cánh tay người. Nhưng tôi rất vui vì cánh tay giả của mình đã giúp thúc đẩy nền kỹ thuật đi đến giới hạn của nó. Tôi thích nhìn nhận sự không hoàn hảo của mình như một cơ hội".

"Một số người khi nhìn thấy tôi bây giờ cứ nghĩ họ đang gặp một người máy", Young chia sẻ.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 7.
David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 8.

Câu chuyện của Rob Spence, một nhà làm phim tài liệu 44 tuổi người Canada, bắt đầu trong một kỳ nghỉ ở nước ngoài năm 1986. Spence năm đó mới lên 9 tuổi và được bố mẹ cho tới Ireland thăm ông nội. Ở đó, có một con ngựa và cậu bé đã trèo lên cưỡi nó với một khẩu súng ngắn đồ chơi trên tay.

"Tôi đã tưởng tượng mình giống như những gã cao bồi trong phim", Spence nhớ lại. Rồi sau đó, khẩu súng cướp cò với một viên đạn găm thẳng vào mắt phải của cậu bé. "Tôi đã tự bắn vào mắt mình. Lúc đầu con mắt chỉ bị thương, nó vẫn còn lại một chút thị lực nhưng tôi vẫn được xác nhận bị mù trên pháp lý".

Quãng thời gian sau đó thực sự khó khăn với Spence, anh phải thích nghi với việc bị mất tầm nhìn ngoại vi, mất khả năng nhận thức chiều sâu và phải đeo một miếng vải bịt mắt lại giống như những tên cướp biển. Mặc dù vậy, Spence vẫn có thể phấn đấu để trở thành một nhà làm phim giống như mơ ước hồi nhỏ mình.

Mọi chuyện vẫn ổn cho đến năm 2007, con mắt phải của anh ấy bắt đầu sưng lên. "Các bác sĩ nói rằng tôi phải phẫu thuật để loại bỏ con mắt của mình", anh nhớ lại. Lựa chọn mà họ đưa ra khi đó là hãy thay vào hốc mắt một con mắt giả bằng nhựa giả thủy tinh.

"Vậy tại sao tôi không kiếm một thứ gì đó tốt hơn thế?", Spence nói. "Đó là lúc tôi bắt đầu nghiên cứu một con mắt camera". Ý tưởng thực sự không tồi đối với một nhà làm phim tài liệu như Spence. Hãy tưởng tượng đến những nhân vật trong phim không còn bị làm phiền bởi camera man và có thể trò chuyện 1-1 với người phỏng vấn hết sức tự nhiên và chân thực.

Spence đã thuyết phục được một số kỹ sư và nhà sản xuất camera tham gia vào dự án của anh. Và năm 2008, họ đã cho ra đời một con mắt eyeborg dành riêng cho Spence. Con mắt được tích hợp một chiếc camera, pin và bộ phát sóng vô tuyến vi tần. Nó không được kết nối trực tiếp với hệ thống thần kinh của Spence, nhưng có thể phát hình ảnh ra bên ngoài một chiếc màn hình thông qua tín hiệu không dây.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 9.

Các kỹ sư đã dùng khuôn sáp để đo đạc kích thước chuẩn trong hốc mắt của Spence để đảm bảo chiếc camera vừa vặn với anh ấy. Con mắt cũng được trang bị một công tắc không dây điều khiển bằng từ trường, và một chiếc đèn led màu đỏ sẽ sáng lên để đảm bảo người đối diện biết họ đang được ghi hình và từ chối nếu không muốn điều đó.

Spence cho biết đa số thời gian, anh sẽ tắt chiếc camera trong hốc mắt của mình, vì có có thể khiến một số người phát hoảng khi nghĩ rằng anh là Arnold Schwarzenegger bước ra từ Kẻ hủy diệt. Nhưng ngược lại, cũng sẽ có một số người thích thú muốn chụp hình với nó và một số dịp con mắt eyeborg còn trở nên cực kỳ được việc.

Năm 2011, hãng trò chơi điện tử Nhật Bản Square Enix đã ủy nhiệm cho Spence dùng con mắt camera của mình để quay một bộ phim tài liệu về những cyborg ngoài đời thực. Bộ phim tài liệu dài 12 phút này nằm trong một chiến dịch quảng cáo cho tựa game Deus Ex: Human Evolution mà bây giờ bạn vẫn có thể tìm xem trên Youtube.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 10.
David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 11.

Bây giờ, có lẽ bạn đã không còn lạ lẫm gì với Neil Harbisson, anh chàng người Anh với chiếc ăng-ten trên đầu đã có mặt trên TED Talk Golbal, Discovery Channel, BBC World, The New York Times... Nhưng trở lại 7 năm về trước, sự xuất hiện của anh ấy không chỉ là một chủ đề gây tranh cãi trên báo chí, mà còn khiến các nhân viên pháp lý cảm thấy khó xử.

Năm 2004, khi Neil Harbisson tới Văn phòng Hộ chiếu thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Anh để làm passport, nhân viên pháp lý đã yêu cầu anh tháo chiếc ăng-ten trên đầu mình xuống để chụp ảnh. Nhưng Harbisson không đồng ý. Anh giải thích rằng chiếc ăng-ten này đã được gắn cố định vào xương chẩm phía sau hộp sọ mình.

Đối với Harbisson, nó là một cơ quan thuộc về cơ thể anh chứ không phải một thiết bị điện tử. Chiếc ăng-ten này cho phép Harbisson cảm nhận được màu sắc, giúp anh ấy khắc phục được chứng mù màu bẩm sinh của mình. Do vậy, nó chính là một phần giác quan mở rộng của cơ thể Harbisson và anh tự định nghĩa mình là một cyborg.

Văn phòng Hộ chiếu Anh đã mất vài tuần để thảo luận về trường hợp đặc biệt của Harbisson, và cuối cùng, họ đồng ý cấp cho anh ấy một hộ chiếu với ảnh chụp chiếc ăng-ten trên đầu. Sự kiện mang tính pháp lý này đã giúp Harbisson trở thành người cyborg đầu tiên trên thế giới được pháp luật công nhận.

Nó cũng là tiền đề cho một đơn khiếu nại chưa từng có của Harbisson dành cho cảnh sát Tây Ban Nha. Năm 2011, trong một cuộc biểu tình ở Barcelona, cảnh sát đã làm hỏng chiếc ăng-ten của anh vì nghĩ đó là một chiếc camera. Harbisson đã đệ đơn họ vì hành vi xâm phạm thân thể thay vì gây thiệt hại trên tài sản cá nhân.

"Chiếc ăng-ten này cũng giống với bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể tôi, không có sự khác biệt nào giữa chúng cả", Harbisson nói.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 12.

Câu chuyện của Harbisson bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi anh ấy bước vào độ tuổi thiếu niên. Harbisson nhận ra mình bị mắc một chứng bệnh mù màu được gọi là achromotopsia. Nó khiến anh không thể cảm nhận được bất kỳ màu sắc nào, toàn bộ thế giới trong mắt Harbisson chỉ có toàn một tông đen, xám và trắng.

Mặc dù vậy, năm 16 tuổi, Harbisson vẫn cố gắng thi vào lớp mỹ thuật tại Institut Alexandre Satorras, nơi anh được đặc cách chỉ cần vẽ tranh bằng hai màu đen trắng. Trong suốt những năm tháng này, Harbisson đã thử một số cách để cố cảm nhận và hiểu được màu sắc, nhưng anh ấy đều thất bại.

Cho đến năm 2003, Harbisson gặp được Adam Montandon, một nhà thiết kế sản phẩm, chuyên gia điều khiển học tại Đại học Southern Denmark. Montandon nói rằng ông có thể giúp Harbisson "thấy" được màu sắc bằng một chiếc ăng-ten đặc biệt.

Ý tưởng là chiếc ăng-ten sẽ có một cảm biến màu sắc ở một đầu. Mỗi khi nó chạm vào một vật thể có màu sắc, tín hiệu bước sóng ánh sáng từ vật thể đó sẽ được biến thành âm thanh ở đầu kia. Harbisson có một số tùy chọn để nghe những âm thanh này.

Ban đầu, anh thử dùng tai nghe có dây, nhưng sau đó vì cảm thấy những kết nối này quá rắc rối, anh quyết định đơn giản hóa chiếc ăng-ten đến hết mức có thể. Harbisson đã gắn nó trực tiếp lên đầu mình, cho phép sóng âm truyền thẳng vào xương sọ và giúp ốc tai của anh có thể nghe thấy màu sắc.

"Tôi muốn trở thành một chủng người mới", Harbisson nói. Một Harbisson 2.0, một cyborg! Chiếc ăng-ten gắn trên đầu là một tuyên bố triết lý sống của anh ấy. "Phần mềm vận hành chiếc ăng-ten này cũng giống như những gì có trong não bộ tôi. Chiếc ăng-ten này là một phần cơ thể của tôi giống với bất cứ bộ phận nào khác".

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 13.

Ca phẫu thuật của Harbisson diễn ra vào năm 2004, và mặc dù nó đã không được cấp phép ở bất kỳ đâu trên thế giới, một ekip bác sĩ giấu tên đã được truyền cảm hứng từ Harbisson và giúp anh ấy làm điều đó.

Chiếc ăng-ten cuối cùng đã đem đến cho Harbisson một giác quan hoàn toàn mới mà anh gọi là "sonochromination". Nó cho phép anh ấy cảm nhận được 360 màu sắc khác nhau dưới dạng âm thanh. Thêm vào đó, bởi chiếc ăng-ten là một cảm biến ánh sáng, nó có thể giúp Harbisson nghe thấy được cả tia UV hoặc hồng ngoại, những thứ mà người bình thường không thể nhìn thấy được.

Sonochromination mang đến những trải nghiệm rất khác biệt, vượt lên khỏi giác quan thông thường của con người bình thường. "Với khả năng cảm nhận tia UV, tôi có thể thức dậy và biết ngay hôm nay có phải một ngày tuyệt vời để tắm nắng hay không", Harbisson nói.

"Còn khi đi dạo trong những khu rừng, mọi người thường nghĩ chúng thật yên bình và tĩnh lặng. Nhưng với những tia tử ngoại ở xung quanh, hóa ra, khu rừng lại rất ồn ào, đầy rẫy những âm thanh the thé".

Nó cũng có thể định nghĩa lại mọi màu sắc trong thế giới của Harbisson. "Đối với tôi, màu đỏ không phải màu sắc của niềm đam mê. Đó là một màu sắc thanh bình", anh nói. "Còn màu tím, tôi cảm thấy được sự tra tấn của nó tới lỗ tai mình".

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 14.
David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 15.

Như đã nói, tất cả những bức hình trong bài viết này đều được chụp bởi David Vintiner, một nhiếp ảnh gia người Anh theo đuổi chủ đề "transhumans" hay những con người chuyển thể.

Trong một dự án được gọi là "I Want To Believe", Vintiner đã cùng với cộng sự của mình Gemma Fletcher săn tìm tất cả những cyborg mà họ có thể tìm thấy trên hành tinh, thuyết phục họ đứng trước ống kính máy ảnh để chứng minh cho nhân loại thấy một thời đại mới đang được mở ra với nhân loại.

Những con người chuyển thể hay cyborg đang cố gắng thoát khỏi hình hài giống loài của họ, mở rộng và cải tiến các giác quan hay cơ thể mình. Một số còn cố gắng chống lại tuổi tác, thời gian và cả cái chết.

"Những người này đang mở rộng khả năng trải nghiệm thế giới của họ", Vintiner nói. "Họ đang đi trên một con đường hoàn toàn khác và tìm cách để nắm bắt những quyền đó".

"Ý tưởng này đã tồn tại từ lâu trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và trên những trang truyện tranh", Flecher cho biết thêm. "Nhưng transhumans bây giờ đã trở thành một phong trào hiện thực hóa".

"Không phải chỉ là sự tham gia của một vài cá nhân nữa. Nó đang trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu khổng lồ. Chúng ta có đủ những giai tầng đang tham gia vào đó, từ các nghệ sĩ, CEO đến các học giả và những người tự hack cơ thể họ ngay tại nhà. Nếu không biết đến những con người transhumans này, bạn thực sự đang bị bở lại phía sau".

Ở phần cuối bài viết này, hãy cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm khác của David Vintiner và gặp gỡ thêm những cyborg kỳ lạ và ấn tượng khác đang sống cùng chúng ta, giữa thế kỷ 21:

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 16.

Đây là Christian Zöllner, một thành viên dự án EYESECT, nhằm thiết kế ra những chiếc mũ bảo hiểm với thị giác hai bên độc lập. Người đội nó có thể điều khiển hướng nhìn của mỗi mắt camera theo các góc độ khác nhau, không bị ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau.

Các con mắt camera nối vào một màn hình trước mắt thật của người đội, cho phép họ trải nghiệm một thị giác hoàn toàn mới lạ, có thể mô phỏng thị giác của nhiều loài vật như chim, côn trùng, và cá...

Chúng thậm chí có thể tháo rời và nối dài ra, một chức năng thị giác giống như những sinh vật kỳ lạ ngoài hành tinh thường xuất hiện trên phim ảnh:

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 18.
David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 19.

Đây là Tiana Sinclair, một nhà nghiên cứu khoa học máy tính, ngôn ngữ học và văn hóa thị giác. cô ấy đang đội một chiếc mũ đọc ý nghĩ. Thiết bị này có thể phân tích sóng não của Sinclair và giúp cô ấy điều khiển các thiết bị điện tử khác bằng suy nghĩ, trong trường hợp này là một chiếc máy bay drone.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 20.

Đây là Rin Räuber, với một con chip từ tính nam châm được cấy ghép vào đầu ngón tay. Nó không chỉ cho Räuber nhặt các vật kim loại một cách dễ dàng, mà còn cho phép cô ấy cảm thấy từ trường xung quanh mình. Cụ thể, con chip sẽ rung theo các tần số khác nhau khi cô đưa tay tới gần lò vi sóng hay bất kỳ một thiết bị phát sóng điện từ nào khác.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 21.

Người đàn ông này đang đội "God Helmet". Đúng như tên gọi của nó "Chiếc mũ Chúa" phát ra những luồng sóng kích thích vào mốt số vùng não cụ thể trong đầu người đội. Nó khiến họ trải nghiệm được các cảm giác tâm linh như nhìn thấy Chúa, các đấng siêu nhiên, tổ tiên, người thân đã mất hay thậm chí cả người ngoài hành tinh...

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 22.

Người phụ nữ này đang đeo một chiếc găng được gọi là "Skinterface". Thiết bị cho phép tạo ra những xúc giác 2 chiều khi bạn tham gia vào một môi trường thực tế ảo. Nó sẽ cho phép bạn chạm vào một nhân vật 3D trong game, cảm nhận làn da của cô ấy hoặc anh ấy, cùng với các xúc giác vật lý khác được chuyển đổi ra từ môi trường thực tế ảo.

David Vintiner: Thợ săn cyborg và một thế giới khi con người giao thoa với máy móc - Ảnh 23.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại