Marquardt hiện có nhà máy, xưởng sản xuất tại 14 quốc gia trên thế giới, với khách hàng là các hãng ô tô danh tiếng như Mercedes Benz, BMW, Volkswagen, General Motors.
Được biết, ngoài Marquardt, Mercedes-Benz cũng sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, nơi nhu cầu tiêu thụ ô tô và thu nhập đang tăng.
Sau khi đã đầu tư vào Việt Nam 20 triệu USD (2013-2014), Mercedes-Benz cũng đang có kế hoạch đưa ra thị trường những chiếc xe được lắp ráp đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp lớn của Đức sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện tại Việt Nam, nơi có môi trường đầu tư đang được cải thiện mạnh mẽ, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với nhiều đối tác đã được ký kết.
Các doanh nghiệp Đức đang đầu tư và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, như ô tô, năng lượng và máy móc công nghiệp.
Chẳng hạn như Công ty Terra Wood (chuyên về các giải pháp năng lượng xanh) đã đề xuất triển khai 2 dự án điện gió và điện mặt trời, với tổng vốn đầu tư là 400 triệu USD và tổng công suất là 300MW tại tỉnh Quảng Ngãi.
Doanh nghiệp này đang chuẩn bị khảo sát cho 2 dự án trên tổng diện tích 600 ha đất.
Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, doanh nghiệp Đức còn đẩy mạnh đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Quang Huệ, Giám đốc điều hành Công ty Bosch Việt Nam tiết lộ, trong năm tài khóa 2015, Bosch đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 50%, với doanh số bán hàng đạt 68 triệu USD.
“Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm của Bosch ở Đông Nam Á. Chúng tôi muốn biến Việt Nam thành trung tâm chiến lược cho các hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D) của Bosch trong khu vực”, ông Huệ nói.
Trong năm nay, Bosch đầu tư hơn 20 triệu (FTA) vào nhà máy sản xuất của mình tại Đồng Nai, đưa tổng vốn đầu tư tại Việt Nam của Bosch trong 5 năm qua lên 340 triệu USD.
Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Siemens Việt Nam cũng cho biết: “Việt Nam là thị trường quan trọng của Siemens trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư tại đây trong những năm tới vì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang lấy lại động lực.
Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi những hiệp định này có hiệu lực”.
Trong những năm qua, Siemens đã tham gia vào rất nhiều dự án tại Việt Nam. Siemens đang muốn tham gia vào các dự án nhiệt điện và giao thông, cũng như Dự án Tàu điện ngầm số 2 tại TP.HCM.
Theo một cuộc khảo sát về triển vọng phát triển kinh tế trong giới doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, do Phòng Công nghiệp và Phòng Thương mại của Đức tại Việt Nam thực hiện gần đây, hơn 50% doanh nghiệp Đức khi được hỏi về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam đều tỏ ra rất lạc quan, 47% số doanh nghiệp được khảo sát tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới, 70% rất hài lòng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình, 58% tin vào viễn cảnh tăng trưởng doanh thu trong năm tới.
Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp được hỏi đều khẳng định, họ sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam và 58% trong số họ có kế hoạch tuyển dụng trong năm 2017.
“Về cơ bản, rất nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại đây, vì họ nhận thấy thị trường Việt Nam đang tăng dần tính thu hút khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, khi Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do quan trọng như EVFTA hay TPP, cùng những lợi thế có sẵn của thị trường”, ông Marko Walde, Trưởng đại diện của GIC/AHK Việt Nam nói.
Có thể kể đến Công ty Sản xuất thiết bị y tế B.Braun sẽ hoàn thành việc đầu tư 225 triệu USD cho dự án của mình tại Việt Nam vào năm 2017. Công ty Sản xuất vòng bi Schaeffler, cũng đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, sau khi đầu tư 117 triệu USD cho một số dự án tại Đà Nẵng gần đây.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng đang xem xét tăng vốn tại Việt Nam, như Messer đã đầu tư 80 triệu USD vào sản xuất khí công nghiệp và Knauf đã đầu tư 38 triệu USD vào sản xuất thạch cao.
Thực tế, Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp Đức đang hoạt động, 268 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.363 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Carl Georg Christian Berger, Đại sứ Đức tại Việt Nam, cho rằng, ngoài những “ông lớn’’ như Mercedes Benz, BMW, Siemens, và Bosch, đầu tư Đức tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Đầu tư từ Đức vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn nữa, nếu môi trường đầu tư tại Việt Nam không gặp một số rào cản về hành chính và tư pháp”, ông Berger nói. Theo ông, các nhà đầu tư Đức muốn rằng, khi gặp rắc rối gì về pháp lý, cần phải được giải quyết ngay, tuy nhiên, vấn đề này khá phức tạp tại Việt Nam.
Đại sứ quán đang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây, dựng một cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và xác định những lĩnh vực mà Việt Nam cần thu hút đầu tư từ Đức.