Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.
Vừa mất tiền, vừa không được pháp luật bảo vệ
Thống kê năm 2020, khối lượng giao dịch trung bình ngày là 6,6 nghìn tỉ USD. Trong khi đó có đến 80% là các giao dịch đầu cơ với mục đích kiếm lợi nhuận trên chênh lệch tỉ giá. Về tới Việt Nam, forex bị biến tướng thành các mô hình đa cấp lừa đảo.
Theo thống kê của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, hiện nay, thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là "chơi Forex". Các sàn này mở ra với nhiều tên gọi mỹ miều, kèm lợi nhuận hấp dẫn. Ví như, sàn Lion Group đã lừa thành công 4.000 người tham gia. Sàn Hitoption móc túi tới 7.500 tỉ đồng.
Gần đây nhất, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp các đơn vị nghiệp vụ triệt phá 16 sàn ngoại hối, tiền ảo theo phương thức đa cấp lừa đảo. Lần này quy mô vụ án lớn hơn rất nhiều và chuyên án thậm chí được xem là lớn nhất từ trước tới nay.
Qua công tác đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ tháng 6/2020, Nguyễn Thế Dương (sinh năm 1996) là Giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group nhờ Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1983) thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net. Sàn giao dịch này sử dụng chế độ BOT (chơi tự động) để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh làm cho khách hàng thắng hoặc thua theo ý muốn của người điều hành.
Phương thức tham gia là nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây. Nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, còn dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền (tương tự như trò chơi tài xỉu).
Riêng tại Hải Phòng, cơ quan Công an làm rõ có hơn 30 người đã đầu tư tổng cộng số tiền 16,1 tỷ đồng trên sàn Hitoption.net theo cách mua chế độ BOT với lợi nhuận cam kết là 6 đến 15%/tháng, trong vòng 100 ngày thì người chơi sẽ được rút vốn và lãi. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện các đối tượng này quản trị 16 sàn giao dịch điện tử khác. Cơ quan công an xác định có 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng. Tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.
Thượng tá Phạm Tiến Dũng, phó trưởng phòng An ninh Kinh tế, công an thành phố Hải Phòng cho biết, đây là loại hình tội phạm mới, các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan Công an.
"Từ quy mô và tính chất như trên, chúng ta thấy, các đối tượng lập sàn nhằm chiếm đoạt tiền của người chơi, với số lượng người tham gia rất lớn, hàng nghìn người, tại nhiều địa phương trong cả nước, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Số tiền đặc biệt lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, việc phát hiện kịp thời có ý nghĩa quan trọng đảm bảo ANTT"- Thượng tá Dũng cho hay.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW khẳng định, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn ngoại hối (Forex). Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sản Forex đều là phạm pháp và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Luật sư Hà khẳng định, 1 tờ giấy đăng ký kinh doanh với số vốn khủng chắc chắn là chưa đủ để chứng minh tính hợp pháp của sàn giao dịch đó. Vì vậy, các nhà đầu tư nên liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về các sàn giao dịch được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bởi, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền cấp phép cho các sàn giao dịch ngoại hối được hoạt động tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW
Vị luật sư này cũng nêu dẫn chứng, trên thực tế nhiều công ty tự xưng là đơn vị trung gian cho sàn giao dịch ngoại hối/chứng khoán nước ngoài, dùng lãi suất cao bất thường, từ 15-30%, trên số tiền đầu tư để dụ dỗ nhà đầu tư. Các sàn forex/chứng khoán quốc tế được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào các tài khoản của các khách hàng.
"Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, đánh cháy tài khoản của khách hàng hay còn gọi là làm hết tiền trong tài khoản của khách hàng. Đồng thời, các sàn forex này cũng không có tính năng kết nối với các sàn Forex trên thế giới"- luật sư Hà nói.
Đáng chú ý, theo phân tích của luật sư Hà, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng lợi. Thực tế, đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng. Trong trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt được tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đến đòi tiền,…
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng đưa một số dấu hiệu để nhận biết một công ty, hoặc cá nhân lừa đảo mà nhà đầu tư nên tránh xa:
Những kẻ lừa đảo này, rất tích cực làm truyền thông, xây dựng hình ảnh. Nội dung, thường nhấn mạnh vào khả năng thu lợi nhuận với con số "khủng"; liên tục khoe khoang về tài khoản tăng lên nhiều ra sao cùng với hình ảnh lối sống ăn chơi xa xỉ. Sau khi lôi kéo thành công, các đối tượng này sẽ sắp xếp cho nhà đầu tư đánh thắng để khiến họ nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Từ đây, những kẻ lừa đảo sẽ tư vấn khách hàng đánh lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Khi đã hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn mới, với cam kết nạp tiền vào sẽ gỡ lại được số tiền đã thua.
Các công ty/cá nhân lừa đảo qua các sàn ngoại hối/chứng khoán quốc tế thường sử dụng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ngoài ra, dấu hiệu để nhận biết việc một công ty hay cá nhân có lừa đảo hay không chính là đã xuất hiện những bài báo hay tin tức nêu đích danh tên tuổi cùng hành vi vi phạm của các đối tượng này.
Về vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phân tích, đây là mô hình đầu tư kiểu Ponzi - một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó bằng tiền từ các nhà đầu tư gần đây hơn. Đây là hiện tượng đang nổi lên trong thời gian qua. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng, lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc các phương tiện khác nhưng thực chất họ đang bị lừa đảo.
Mô hình trên thường yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục và sụp đổ khi có một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới. Tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư sinh ra lợi nhuận để trả lãi thì lại được dùng để trả cho nhà đầu tư trước đó và bản chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào. Vì vậy, chỉ khi người tham gia không còn ảo tưởng vào sự giàu lên nhanh chóng, ảo mộng chỉ "ngồi mát ăn bát vàng" thì khi đó những sàn ngoại hối trái phép mới thực sự không còn đất sống./.
Căn cứ khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh, môi giới ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép quy định hoạt động sẽ bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng.
Trường hợp nhân viên môi giới hay sàn Forex sử dụng các chiêu trò gian dối, khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền có thể bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Điều 290, hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản từ 50 - 200 triệu đồng… thì phạt tù từ 02 - 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 300 đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm, nếu chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tội này còn quy định về hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm, có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.