Ông Lê Văn Tài (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đầm (84 tuổi), thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Trở lại thôn Đồng Lư (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) hỏi thăm tới căn nhà của ông điếc – Lê Văn Tài (83 tuổi) và bà mù – Nguyễn Thị Đầm (84 tuổi), phóng viên bất ngờ vì căn nhà tuềnh toàng khi xưa của ông bà đã có một diện mạo mới. Chị Nguyễn Thị Lệ (25 tuổi), cháu gái của ông bà cho biết, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, căn nhà đã được tu bổ, sửa sang xong từ năm 2021. Khu vực ngoài sân đã được bắn tôn che nắng mưa, nền xi măng với những vết loang lổ đã được đổ lại. Mặt trước và bên trong nhà đã được sơn lại sáng bóng.
Nền nhà xi măng đã được lát đá hoa. Trần nhà đã có tấm chống nóng, cách nhiệt. Các cảnh cửa (cửa nhà, cửa bếp) bị mối một xưa kia đã được thay thế bằng những cánh cửa gỗ mới, chắc chắn, màu nâu gụ.
Trước kia ông Tài vải đi bộ ra giếng nước cách nhà 300 m để tắm giặt, xách nước về nhà ăn và cho vợ tắm. Giờ đây, con trai ông đã làm giếng khoan, xây công trình phụ, có bình nóng lạnh cho cha mẹ tắm giặt.
Trong nhà còn có một chiếc tủ lạnh cũ được nhà hảo tâm tặng, giúp ông bà bảo quản thức ăn được lâu hơn. Nhờ đó, thay vì đi chợ 2 ngày một lần như trước, giờ đây ông Tài có thể 4 ngày đi chợ một lần, mua thức ăn cho 8 bữa.
Ông đi chợ gần nhà vào lúc 6 giờ sáng, 7 giờ trở về, 8 giờ bắt đầu chuẩn bị cho bữa trưa. Bữa tối ăn vào lúc 4h30-5h chiều. Trước việc sử dụng bếp củi gây mất vệ sinh, các con cháu đã ngỏ ý mua bếp ga cho ông sử dụng. Tuy nhiên do bản thân mắt kém và lo sợ bị cháy nổ, nên ông Tài vẫn dùng bếp củi để nấu nướng.
Bữa ăn của hai người già không có gì đổi khác so với trước, trung bình mỗi bữa cũng chỉ 5.000 đồng, chủ yếu là rau và thịt lợn, cũng có khi ăn thịt gà, thịt vịt. Hai ông bà thường ăn món xào, khẩu vị rất mặn.
Sức khỏe thể chất của cả hai ông bà tốt hơn trước. Tuy nhiên do ảnh hưởng tuổi cao cả người đều bị nặng tai, mắt ông kém hơn, không đọc được chữ viết, lóa mắt khi ra ngoài trời.
Chị Nguyễn Thị Loan (29 tuổi), cháu gái của ông bà cho biết, gia đình đã đưa ông đi khám mắt và cắt kính lão cho ông. Các bác sĩ cho biết, ông Tài bị lão hóa mắt, thoái hóa điểm vàng nặng, không thể cắt được kính.
Bà Đầm những ngày gần đây vai gáy và cánh tay đau nhức không dứt nên chủ yếu nằm trên giường. Những ngày sức khỏe được tốt, bà thường mò mẫm đi bộ quanh nhà.
Những ngày trời nóng, cứ hai ngày ông bà tắm một lần. Bà vì sức khỏe yếu nên chủ yếu lau người vào buổi trưa. Lúc này con dâu của bà ở nhà – cô Nguyễn Thị Thảo (49 tuổi) sẽ lau người giúp mẹ chồng. Còn ông thường tắm vào lúc buổi chiều muộn. Vào những ngày mùa đông trời lạnh, cứ nửa tháng ông bà mới tắm giặt một lần.
Tuy đời sống đạm bạc nhưng hai ông bà vẫn yêu thương nhau chiều chuộng nhau. Khi xưa mắt chưa mù, bà vẫn thường đi chợ và lo mọi việc cơm nước trong nhà. Giờ ông Tài thay bà làm mọi việc đó, sau mỗi bữa ăn ông đều pha nước để bà tráng miệng.
Cả hai ông bà đều bị điếc, nặng tai, mỗi khi con cháu nói chuyện phải nói sát tai và nói to. Nhưng khi ông bà nói chuyện với nhau dường như "tâm lý tương thông" nên cả hai đều hiểu. Những câu chuyện về thời khốn khó, ngày xưa hai người lấy nhau như thế nào, trong cảnh hoạn nạn ai giúp đỡ mình.
CLIP: Đời sống tươm tất của ông điếc bà mù sau 5 năm
Chị Nguyễn Thị Mai (40 tuổi), hàng xóm có nhà kế bên cho biết, đời sống của ông đã tươm tất hơn xưa. Ngoài trợ cấp cho người cao tuổi, ông bà còn có tiền tiết kiệm được các nhà hảo tâm trao tặng. Cùng với đó, khi con cái và các cháu làm ra tiền thì cũng có điều kiện chăm sóc cha mẹ và ông bà hơn.
Được biết, vào năm 2017 câu chuyện về bữa ăn 5.000 đồng của ông Tài, bà Đầm được báo chí đăng tải và được nhiều người quan tâm. Xúc động trước câu chuyện và gia cảnh của ông bà, nhiều nhà hảo tâm trong Nam - ngoài Bắc đã đến ủng hộ, động viên. Với mong muốn ông bà có một nơi che nắng che mưa, một số nhà hảo tâm đã tụ họp lại đứng ra tu sửa nhà cửa cho ông bà với tổng chi phí hết hàng chục triệu đồng.