Đầu tư 500 tỷ USD, các nhà khoa học hy vọng có thể cứu rỗi thảm họa băng tan ở Bắc Cực

Nguyễn Hằng |

Biển băng ở Bắc Cực đóng một vai trò rất lớn tới khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học mới đây ước tính, dự án tái tạo biển băng tại đây có thể lên đến 500 tỷ USD.

Theo các nhà khoa học, lượng băng ở Bắc Cực đóng vai trò quan trọng với những thay đổi dù nhỏ nhất của khí hậu toàn cầu. Băng ở Bắc Cực đóng một vai trò như chiếc gương khổng lồ cho Trái Đất, vì có tới 80% ánh sáng Mặt Trời nhờ "tấm gương" này được phản xạ trở lại không gian, thay vì bị "giam hãm" tại Trái Đất.

Nếu biển băng ở Bắc Cực mất đi, Trái Đất của chúng ta sẽ ấm lên với tốc độ nhanh nhất và kéo theo hàng loạt ảnh hưởng từ hệ lụy của biến đổi khí hậu.

Trong thực tế, chưa bao giờ mật độ băng biển toàn cầu lại ở mức thấp đến báo động như hiện nay, và các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng truy tìm lời giải đáp.

Đầu tư 500 tỷ USD, các nhà khoa học hy vọng có thể cứu rỗi thảm họa băng tan ở Bắc Cực - Ảnh 1.

Băng biển ở Bắc Cực đang tan nhanh ở mức báo động.

Các nhà khoa học cho rằng, để giải quyết vấn nạn băng tan này chỉ có hai giải pháp. Một là chúng ta cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và hướng tới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hai là chúng ta hướng tới công nghệ khí hậu GeoEngineering để cứu thế giới.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học ở bang Arizona, Mỹ cho biết, sự nóng lên toàn cầu hiện nay đang ở tình trạng không thể lay chuyển, cho nên nhiều khả năng lựa chọn thứ hai là phù hợp hơn.

Mất băng là một trong những tổn hại nguy hiểm nhất đối với hệ thống khí hậu. Việc giảm lượng khí CO2 và hạn chế gia tăng nhiệt độ không chắc có thể tiết chế và ngăn chặn hiện tượng băng tan ở Bắc Cực. Do đó, việc phục hồi biển băng nhân tạo được coi là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Đầu tư 500 tỷ USD, các nhà khoa học hy vọng có thể cứu rỗi thảm họa băng tan ở Bắc Cực - Ảnh 2.

Băng ở Bắc Cực có vai trò rất lớn trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng tới đời sống của con người và nhiều hệ sinh thái trên thế giới.

Theo ước tính của các nhà khoa học, để khôi phục biển băng ở Bắc Cực phải cần tới 10 triệu máy bơm gió. Trong mùa đông, chúng có tác dụng làm lạnh bề mặt, tạo điều kiện cho nước đóng băng và gia tăng độ dày cho các lớp băng, ít nhất là chừng 1 mét. Tuy nhiên, theo dự đoán, dự án tái tạo băng ở Bắc Cực có thể lên đến 500 tỷ USD.

Nhiều người cho rằng dự án này quá xa xỉ và tốn kém, nhưng chắc chắn giá trị mà nó mang lại lợi ích rất lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn nhiều hệ sinh thái. Tuy nhiên, kế hoạch GeoEngineering vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Dù dự án này mang ý nghĩa khoa học rất lớn nhưng nó khá đắt đỏ và giới nghiên cứu đang lo ngại là liệu rằng thực hiện kỹ thuật này có hay chăng ảnh hưởng hoặc có tác dụng ngược lại gây nên những hệ quả xấu hay không? Ví dụ như ảnh hưởng tới dòng chảy băng chiếm tới 10% lượng băng ở Bắc Cực.

Đầu tư 500 tỷ USD, các nhà khoa học hy vọng có thể cứu rỗi thảm họa băng tan ở Bắc Cực - Ảnh 3.

Dự án 500 tỷ USD kỳ vọng sẽ giúp tái tạo biển băng ở Bắc Cực.

Điều này có vẻ ít rủi ro hơn so với kế hoạch giảm nhẹ biến đổi khí hậu trước đó, đặc biệt là giải pháp phun khí sulfur vào khí quyển trong một nỗ lực để đưa bức xạ năng lượng Mặt Trời quay trở lại không gian và làm dịu mát hành tinh.

Với tình hình băng đá trôi nổi và bị đứt gãy đang có xu hướng không ngừng gia tăng ở Bắc Cực cho đến năm 2030 thì ngay cả thực hiện tốt tỏa thuận Paris lịch sử về biến đổi khí hậu cũng khó có thể ngăn chặn được mức độ nguy hiểm của sự nóng lên toàn cầu.

Đặc biệt là ở Bắc cực, với tốc độ nóng lên nhanh gấp 2 lần so với phần còn lại của Trái Đất.

Do đó, kế hoạch 500 tỷ USD đầy tham vọng này có thể là một sự lựa chọn không thể tốt hơn cho các nhà khoa học để giải cứu và ngăn chặn "thảm họa" băng tan ngày càng nhiều ở Bắc Cực, cũng như hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

Nguồn: Iflscience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại