Phát hiện hố carbon nóng chảy có kích thước bằng Mexico bên dưới nước Mỹ
Sử dụng thiết bị cảm biến địa chất lớn nhất thế giới để thăm dò vỏ Trái Đất, nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Royal Holloway London (Anh) đã bất ngờ phát hiện một lòng chảo chứa carbon nóng chảy khổng lồ, có kích thước bằng diện tích của Mexico, nằm ở độ sâu 350km bên dưới vùng phía tây nước Mỹ.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Trái Đất và Hành tinh (EPSL), chảo carbon nóng chảy đang ẩn mình dưới lớp quyển manti trên (Upper mantle) của vỏ Trái Đất này có kích thước là 1,8 triệu km2.
Vị trí phát hiện hồ carbon nóng chảy tại lớp manti trên (khoanh vàng). Ảnh: Physics World.
"Chảo carbon khổng lồ này là kết quả của việc một trong những mảng kiến tạo đại dương (nằm dưới Thái Bình Dương) đã bị đẩy tới vùng bên dưới phía tây nước Mỹ. Sự di chuyển này đã tạo điều kiện cho sự đốt cháy lớp vỏ quyển manti trên, tạo nên chảo carbon nóng chảy mà chúng ta vừa tìm thấy", Tiến sĩ Sash Hier-Majumder thuộc trường Royal Holloway, cho biết.
Sử dụng hệ thống mạng lưới gồm gần 600 cảm biến địa chất lớn nhỏ khác nhau, các nhà khoa học cho rằng, lớp manti trên của vỏ Trái Đất có thể chứa tới 100.000 tỷ tấn carbon nóng chảy.
Lớp mantin trên của vỏ Trái Đất có thể chứa tới 100.000 tỷ tấn carbon nóng chảy. Ảnh: Dailymail.
Để dễ hình dung lượng carbon này lớn đến thế nào, chúng ta hãy cùng so sánh với con số tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Mỹ) đưa ra năm 2011 là 10 tỷ tấn. Một sự so sánh quá khập khiễng!
Hiểm họa nào đang đe dọa sự sống còn của nhân loại?
Điều đáng sợ mà các nhà địa chất học đang vô cùng lo lắng chính là, lượng carbon khổng lồ sẽ này không nằm yên ở độ sâu hàng trăm km dưới mặt đất.
Giống như những dòng macma bị dồn nén ở áp suất cao, những dòng cacbon đặc nóng này có thể bùng phát lên khí quyển và gây hại đến con người rất lớn.
Được biết, chảo carbon nóng chảy khổng lồ này bao phủ cả vùng Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ phía trên, nơi có một siêu núi lửa Yellowstone đang rình rập thức giấc và đe dọa sự sống của hành tinh. (Tính riêng mỗi ngày, siêu núi lửa Yellowstone phát thải ra khoảng 45.000 tấn CO2).
Vị trí phát hiện hồ carbon ở miền tây nước Mỹ, nơi bao phủ cả vùng Công viên Quốc gia Yellowstone ở phía trên. Ảnh: Dailymail.
Các nhà khoa học nhận định, nếu như chảo carbon này phát ra ngoài khí quyển song song với sự thức giấc đáng sợ của siêu núi lửa Yellowstone thì lúc đó nhân loại và mọi sinh vật sống chẳng khác nào đang bị thảm họa kép đày đọa.
"Chỉ cần 1% khí CO2 trong bể chứa khổng lồ này được phát thải vào khí quyển, nó sẽ tương đương với việc chúng ta đốt 2,3 nghìn tỷ thùng dầu cùng một lúc!", các nhà nghiên cứu nhận định.
Tuy nhiên, tiến sĩ Sash Hier-Majumder cho biết: "Thời gian lưu trú của lượng carbon này trong quyển manti trên là khá lớn (khoảng gần 1 tỷ năm). Do đó, nó chưa phải là mối hiểm họa sớm xảy ra. Thêm vào đó, ở độ sâu gần 400km, sự nóng chảy của carbon không phải là vấn đề lớn của chúng ta."
Mặc dù vậy, phát hiện chảo carbon nóng chảy khổng lồ ngay bên dưới nước Mỹ này đặt ra một vấn đề lớn cho giới khoa học: Còn có bao nhiêu chảo carbon nóng chảy đang ẩn dưới bề mặt Trái Đất?
Và nếu các bể chứa carbon này phát thải ra không khí cùng một lúc thì chắc chắn sẽ gây nên thảm họa môi trường trên quy mô chiến tranh hạt nhân chưa từng có trong lịch sử.
Bài viết sử dụng các nguồn: Rt, Dailymail