Mới đây, HAGL Agrico công bố từ nhiệm 2 thành viên HĐQT (có em trai bầu Đức là ông Đoàn Nguyên Thu) và 1 thành viên Ban Kiểm soát, thị trường lại bàn tán việc Thaco sẽ nhanh chóng đưa người vào ban lãnh đạo HAGL.
Thực tế, câu chuyện Ô tô Trường Hải (Thaco, THA) rót vốn hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) gây nhiều tranh cãi phía từ giới phân tích và dư luận. Một số bên thể hiện sự trân trọng khi những doanh nghiệp Việt Nam biết "đỡ đần" lẫn nhau, đặc biệt trong lúc khốn khó.
Tuy nhiên, vẫn còn đó quan điểm HAGL đang bị thâu tóm, dự báo tổng sở hữu tại HAGL Agrico của HAGL có thể về dưới 50% và như vậy, HAGL chỉ còn đơn thuần là một công ty tài chính.
Về phía Thaco, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương nổi tiếng là một lãnh đạo cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. Chưa kể con số bỏ ra không hề nhỏ, 22.000 tỷ đồng tương đương 1 tỷ USD, liệu rằng Thaco đến với quyết định này chỉ dựa trên ý nghĩa "nhân văn"?
Có lẽ không, kinh doanh là kinh doanh. Bên cạnh việc cứu giúp HAGL trong ngắn hạn về dòng tiền, thương vụ này vẫn mang lại nhiều lợi ích cho Thaco về dài hạn.
Đáng chú ý, là một tập đoàn lớn tuy nhiên lưu lượng tiền mặt của Thaco không quá dồi dào, luôn dưới 10% tài sản ngắn hạn. Thậm chí, vài năm trở lại đây tỷ trọng trên giảm mạnh, từ mức 7% (năm 2013) giảm chỉ còn 1% vào cuối quý 1/2018.
Vậy, câu hỏi là Thaco rót vốn vào HAGL như thế nào, tiền sẽ huy động từ đâu? Và nếu Thaco đi huy động vốn thì câu chuyện có lẽ không còn đơn giản, chúng ta cùng đặt giả định về những giá trị Thaco "đợi chờ" từ 1 tỷ USD trên.
Gia tăng giá trị mảng nông nghiệp
Đầu tiên, Thaco kỳ vọng gì từ HAGL Agrico (HNG) khi đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng (thông qua trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu), tương đương sở hữu 35% vốn?
Với HAGL Agrico, Bầu Đức vẫn luôn nhấn mạnh, dù có chuyện gì xảy đến thì khối tài sản Tập đoàn rất lớn, ngay cả trong thời điểm khủng hoảng thì cũng được định giá khoảng 65.000 tỷ đồng. Đây chính là mấu chốt vấn đề, cái bầu Đức có là đất, là sản phẩm nông nghiệp đã được chắt lọc sau vài năm thử nghiệm từ chanh dây, ớt, thanh long…
Thaco mới đây cũng nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp, ngay sau định hướng Chính phủ rằng nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chính của Việt Nam vào năm 2017.
Theo đó, Thaco đã đầu tư thêm ngành sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp dựa trên thế mạnh cơ khí sẵn có.
Năm 2018, Thaco cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp tại Chu Lai (hợp tác với đơn vị Hàn Quốc), đồng thời có liên kết với Tập đoàn Lộc Trời (LTG) xây dựng đề án sản xuất lúa theo hướng công nghiệp tại tỉnh Thái Bình.
Như vậy, nông nghiệp là một trong những mảng Thaco đã và đang quan tâm, với lợi thế về cơ giới hóa máy móc, định hướng nông nghiệp cao, đi cùng sự hỗ trợ, đồng tình từ Chính phủ là những cộng hưởng, kỳ vọng thu về một tương lai khả quan.
Chưa kể, bầu Đức đã mất 2-3 năm nghiên cứu, thử nghiệm để hiểu rõ tính chu kỳ, hiệu suất sinh lợi cũng như nhu cầu thị trường trong ngoài nước về mảng cây ăn trái, hiểu nôm na bây giờ (Thaco chính thức đầu tư) là thời điểm gặt hái.
Tựu trung lại, với 3.800 tỷ này, nếu bầu Đức lợi là có vốn để thực hiện hóa những chiến lược đã định hình trước đó, thì Thaco "đầy đủ" hóa được mảng nông nghiệp mới mẻ của mình, thậm chí rót vốn ngay thềm thu hoạch, không mất chi phí cũng như thời gian nghiên cứu, định hình sản phẩm.
Khép kín chuỗi giá trị ngành cốt lõi: Ô tô
Thứ hai, nhiều ý kiến nhấn mạnh vào diện tích cao su khá lớn bầu Đức đang có.
Được biết, Thaco hiện là tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô. Như vậy, bắt tay với bầu Đức Thaco có thể tận dụng rừng cao su đến mùa cạo mủ để đầu tư ngành săm lốp (sản xuất lốp xe) như một giá trị cộng thêm trong quá trình nội địa hóa linh kiện ôtô.
Việc khép kín chuỗi giá trị này sẽ giúp Thaco gia tăng được biên lợi nhuận trong mảng kinh doanh cốt lõi.
Đặt kế hoạch cho năm 2018, HAGL mục tiêu khai thác 15.957 ha cao su, dự kiến thu được 17.691 tấn mủ khô và đóng góp doanh thu khoảng 520 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 34 tỷ đồng.
Quỹ đất sạch sẵn sàng làm dự án
Thứ ba, liên quan đến khoản vốn 7.400 tỷ đồng cho mảng bất động sản của HAGL.
Nhớ lại rằng, Thaco đã lấn sang lĩnh vực bất động sản với "cánh tay đắc lực" Đại Quang Minh, đình đám với dự án Sala Thủ Thiêm, Tp.HCM. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng nhiệt, Thaco đã thu lợi nhuận không nhỏ từ lĩnh vực này và còn lên rất nhiều kế hoạch lớn trong tương lai.
Theo ghi nhận, động thái tập trung khai thác bất động sản được nhiều ý kiến cho là bệ đỡ của Thaco thời kỳ thị trường kinh doanh xe giảm sút. Minh chứng trong năm 2017 khi doanh thu bán xe suy giảm, mảng BĐS đã giúp Thaco có thêm doanh thu xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.
Như vậy, dễ dàng để hiểu việc Thaco chi nghìn tỷ cho dự án HAGL Myanmar dở dang của bầu Đức – cũng chính là một mảng trong chuỗi giá trị của chính Thaco.
Theo kế hoạch, Thaco và Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 dự án HAGL Myanmar với tổng đầu tư ước tính 320 triệu USD, tương đương 7.400 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Về dự án Myanmar, theo chia sẻ bầu Đức thì nhu cầu rất lớn, giai đoạn 1 đã được lấp đầy. HAGL không tiếp tục làm giai đoạn 2 chỉ vì không có tiền, nhưng nếu làm khả năng có lãi cao, bầu Đức từng nói.
Với những luận điểm trên, việc Thaco rót vốn vào Myanmar được giới phân tích xem là một nước cờ sáng suốt khi vừa có thể làm dự án trên khoảng đất sạch sẵn sàng triển khai, trong bối cảnh nhu cầu thị trường luôn hiện hữu.
Cộng hưởng thương hiệu, bổ sung và bù trừ giữa hai lãnh đạo
Cuối cùng, giá trị lớn nhất mà hai bên nhận được, theo nhiều chuyện gia chính là sự cộng hưởng thương hiệu. Tức khi đặt Thaco và HAGL cạnh nhau, vừa là đối trọng vừa là đối tác, hai thương hiệu có quy mô lớn tương đồng, bổ trợ lẫn nhau và tích hợp các thế mạnh của nhau sẽ tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ về mặt thương hiệu.
Cần nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp Thaco "cứu" ở đây là HAGL – là một tập đoàn lớn có tên tuổi thâm niên, và bản thân người cầm cương là bầu Đức cũng mang nhiều tiếng tăm trên thương trường.
Thaco, nhiều khả năng thương hiệu Tập đoàn sẽ xuất hiện cùng với thương hiệu của HAGL ở những "sân chơi" mà bầu Đức "dấn thân" như bóng đá, nông nghiệp… thậm chí được đưa ra những thị trường mới như Lào, Campuchia, Myanmar.
Xét ở khía cạnh khác, thương vụ này còn là một sự kết hợp tuyệt vời giữa hai tố chất cần có trong kinh doanh cho Thaco và cả HAGL.
Bởi, chúng ta đều biết rằng lãnh đạo của HAGL – bầu Đức là một nhà đầu tư táo bạo, chuyên chọn lựa thị trường khác biệt có thể tạo ra lợi nhuận đột biến. Và Chủ tịch Trần Bá Dương của Thaco lại là nhà kỹ trị chuyên sâu, có tầm quản trị tốt, đầu tư chọn lọc, hệ thống đạt sự ổn định và hiệu quả cao.
Nhìn chung, tất cả mặt lợi của Thaco đến nay cũng chỉ là giả định, cả lợi ích của HAGL cũng vậy, bởi còn phụ thuộc vào một quá trình dài phía trước để hai bên hợp tác đầu tư và mang lại thành quả.
Còn phía thị trường thì có rất nhiều luồng quan điểm cho "cuộc hôn nhân" này, một mặt tin tưởng có Thaco thì HAGL sẽ vựt dậy, một mặt vẫn rất bi quan với quan điểm "một khi các quỹ lớn đã rút tức họ không thấy tiềm năng gì nữa, liệu một mình Thaco có kham nổi HAGL?".