Giải mã nghịch lý về số liệu của "đoàn thuyền thúng Việt Nam"

Linh Bùi |

Những năm Việt Nam mới gia nhập WTO, bên cạnh niềm hân hoan về cơ hội mới mở ra, cũng có không ít lo lắng khi “đại dương phía trước thì rộng lớn mà khối doanh nghiệp của Việt Nam thì như đoàn thuyền thúng ra khơi”. Mười mấy năm ra biển lớn, đoàn thuyền ấy giờ ra sao?

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có còn là "thuyền thúng"?

Có khá nhiều thông số có thể dùng cho so sánh, đánh giá sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân qua thời gian. Tuy nhiên, nhiều người thường hoài nghi về các doanh nghiệp tư nhân là phần đóng góp vào GDP khá ít ỏi của nó, loanh quanh khoảng 7 - 8% trong giai đoạn 2010 – 2016.

Trong khi đó, khu vực nhà nước là 29% và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là gần 18%, phần còn lại là kinh tế tập thể, cá thể và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.

 Giải mã nghịch lý về số liệu của đoàn thuyền thúng Việt Nam  - Ảnh 1.

Hình 1. GDP theo thành phần kinh tế năm 2016 (Nguồn: Tổng cục thống kê)

Thực tế, mặc dù tỉ lệ đóng góp vào GDP thấp nhất trong ba loại hình sở hữu vốn, nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại có mức tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu GDP, đạt mức tăng 11,75%/năm so với 7,85% của doanh nghiệp nhà nước và 10,5% của doanh nghiệp FDI trong năm 2006.

Những con số trên phần nào cho thấy một tương lai tăng trưởng tích cực hơn cho cho khối doanh nghiệp này.

 Giải mã nghịch lý về số liệu của đoàn thuyền thúng Việt Nam  - Ảnh 2.

Hình 2. Tốc độ tăng trưởng phần đóng góp vào GDP theo thành phần kinh tế (Nguồn: tính toán từ số liệu của Tổng cục thống kê)

Mặt khác, khi xét đến thông số khác ngoài giá trị tuyệt đối phần đóng góp cho GDP thì các doanh nghiệp tư nhân cũng tỏ ra không hề kém cạnh, thậm chí vượt mặt doanh nghiệp nhà nước. Đó là con số về doanh thu, số vốn huy động, đóng góp vào ngân sách nhà nước, số lượng và chất lượng lao động sử dụng…

 Giải mã nghịch lý về số liệu của đoàn thuyền thúng Việt Nam  - Ảnh 3.

Hình 3. Một số chỉ tiêu so sánh các thành phần kinh tế năm 2016 (Nguồn: Báo cáo phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân, Bộ kế hoạch và Đầu tư)

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung từng đặt nghi vấn: "Trong giai đoạn 2000-2017 tài sản đầu tư của tư nhân tăng đến 100 lần; lao động tăng khoảng 7 lần; doanh thu cũng tăng hàng chục lần; đóng góp vào ngân sách thậm chí còn cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài, vậy mà đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chỉ được thống kê gia tăng được một điểm phần trăm trong GDP trong 20 năm là rất không bình thường".

Đi tìm lời giải thích cho sự không bình thường đó, mâu thuẫn dường như có thể lý giải ở khâu tính GDP. Các số liệu về GDP công bố ở Việt Nam được tính theo phương pháp sản xuất hay phương pháp giá trị gia tăng, cụ thể: GDP = Giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành + Thuế sản phẩm - trợ cấp sản phẩm.

Giá trị tăng thêm chính là chênh lệch giữa giá trị sản xuất và chi phí trung gian, mặc dù không hoàn toàn đúng do khác biệt về cách tính giá (1) nhưng chúng ta có thể hiểu đơn giản khái niệm này thông qua phần lợi nhuận thu về của doanh nghiệp.

Dó đó, có thể nhận thấy qua các số liệu thống kê ở trên dù phần doanh thu do doanh nghiệp tư nhân tạo ra là lớn nhất nhưng kèm theo đó là phần nộp thuế đóng góp vào ngân sách cũng lớn không kém, lớn nhất trong ba khối doanh nghiệp vậy nên lợi nhuận không quá cao và cuối cùng dẫn đến con số khiêm tốn ở phần đóng góp vào GDP.

Dẫn chứng cuối cùng và cũng ấn tượng nhất chính là sự thăng hạng mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân trên bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Trong năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng. Đến nay, sau hơn 10 năm, khối tư nhân đã chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng.

Như vậy, sau tất cả những lý giải trên, sự trỗi dậy của doanh nghiệp tư nhân là điều hoàn toàn có thể thấy rõ.

Thoát khỏi tư duy "đoàn thuyền thúng"

Mặc dù để đánh giá đúng cả một bộ phận doanh nghiệp trong nền kinh tế là không hề dễ dàng. Tuy nhiên sẽ nguy hại hơn rất nhiều nếu không đánh giá hay đánh giá thấp sự phát triển của nó.

Quay trở lại với câu chuyện năng lực của doanh nghiệp tư nhân, đặc trưng của những doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là "hoạt động bằng tiền túi và cho chính túi tiền mình".

Bản thân mỗi doanh nghiệp không khác gì một cá thể độc lập có toàn quyền quyết định với cuộc đời mình. Và vì thế, tạo dựng sự tự tin là yếu tố cực kì cần thiết để doanh nghiệp tồn tại thành công.

Việt Nam đã gia nhập thêm vào rất nhiều khối thương mại tự do khác nhau, từ Cộng đồng Kinh tế - AEC đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP trong tương lai... Chúng ta không thể giữ mãi tư duy về "đoàn thuyền thúng" trong bối cảnh hiện tại.

Thay đổi từ nhận thức là thay đổi căn bản nhất để dẫn đến những thay đổi về hình thái vật lý. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không cần chờ các con số thống kê để biết mình đủ lớn rồi mới bắt đầu hành động, số liệu chỉ là kết quả của một quá trình dài trước đó…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại