Đầu giờ sáng ngày 16/5 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2020 đứng ở mức 29,81 USD/thùng, tăng 4,2 USD/thùng so với phiên giao dịch trước đó. Giá dầu Brent giao tháng 7/2020 đứng ở mức 32,88 USD/thùng, tăng 3,35 USD/thùng so với phiên giao dịch trước đó.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giúp giá dầu thô tăng trở lại do thông tin các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã lần đầu tiên giảm, kể từ đầu năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó, nhờ lệnh nới lỏng phong tỏa tại các quốc gia, giúp hoạt động các nhà máy trở lại bình thường ở nhiều quốc gia đã giúp nhu cầu thị trường tăng và kéo theo giá dầu thô tăng giá.
Cùng với sự tăng giá trở lại của dầu thô thế giới, giá xăng dầu trong nước sau 8 lần giảm giá liên tiếp từ đầu năm 2020 đã quay đầu tăng trở lại. Sau 8 lần giảm giá, có thời điểm, giá xăng dầu trong nước giảm xuống mức 11.600 đồng/lít, mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Nhiều người đã ví von, giá xăng dầu rẻ bằng giá bán nước lọc.
Thậm chí, tận dụng thời điểm giá xăng dầu rẻ, một số người dân đã mua tích trữ xăng dầu, gây ra nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cháy nổ.
Từ ngày 13/5, Liên bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng RON95 thêm 604 đồng, lên tối đa 12.235 đồng/lít. Xăng sinh học E5RON92 bán lẻ tăng 578 đồng/lít trong khi dầu hỏa giảm 83 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S giảm 125 đồng/kg.
Cùng với việc tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng và giảm giá với các mặt hàng dầu, liên Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối dừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu.
Đồng thời các doanh nghiệp thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 800 đồng/lít; dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 1.600 đồng/lít và dầu mazut trích lập ở mức 500 đồng/kg.
Nhằm giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi sau thời gian bị tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Bộ Công thương đã đưa ra phương án điều hành các mặt hàng xăng tăng thấp hơn mức tăng của thế giới.
Giá dầu thô thế giới được điều tiết theo nhu cầu thị trường. Khi xảy ra các đại dịch khiến lượng cầu giảm sút như COVID-19, nguồn cung hàng hóa dư thừa dẫn đến giảm giá.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục, giá dầu thô sẽ dần tăng về mức bình thường. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới, vì vậy, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tiệm cận với mức tăng giá trên thị trường thế giới.