Đến trưa 16-10 (giờ địa phương), chính phủ Iraq tuyên bố giành được toàn bộ TP Kirkuk. Theo đài BBC, hàng ngàn người đã chạy khỏi thành phố.
Nhiều cư dân địa phương nói một đoàn xe thiết giáp của Lực lượng Chống khủng bố Iraq (do Mỹ huấn luyện) đã chiếm giữ các trụ sở hành chính tỉnh ở trung tâm TP Kirkuk trong vòng chưa đầy 1 ngày sau khi tiến hành chiến dịch.
Tuyên bố của quân đội Iraq cho biết Lực lượng dân quân người Kurd đã rút đi mà không có giao tranh xảy ra. Phía Iraq kêu gọi lực lượng Peshmerga (nhánh vũ trang của người Kurd ở Iraq) hợp tác để gìn giữ trật tự.
Tuy nhiên, theo Reuters, Peshmerga đã cảnh báo Baghdad sẽ "trả giá đắt vì khơi mào cuộc chiến nhằm vào người Kurd".
Có thông tin đụng độ diễn ra ở phía Nam thành phố này. Báo The Guardian dẫn các nguồn tin quân sự cho biết hai bên đã đấu tên lửa Katyusha trong lúc nhiều dân quân người Kurd bị thương trong các vụ đụng độ này.
Ngoài ra, theo CNN, Hội đồng An ninh khu vực Kurdistan (KRCG) cho biết các lực lượng Iraq sử dụng trang thiết bị quân sự của Mỹ, kể cả xe tăng Abram và xe Humvee, để tấn công và lực lượng dân quân người Kurd đã phá hủy một số xe Humvee.
Tướng Bahzad Ahmed, người phát ngôn Lực lượng Dân quân người Kurd, cho hãng tin AP biết giao tranh ở phía Nam Kirkuk đã gây ra "nhiều thương vong". Ông này cũng cáo buộc lực lượng chính phủ "đốt nhiều ngôi nhà và sát hại nhiều người" ở các thị trấn Tuz Khurmatu và Daquq. Hiện chưa thể kiểm chứng những thông tin này.
Theo Reuters, TP Kirkurk vẫn trong tầm kiểm soát của người Kurd nhưng lực lượng Iraq đã khống chế lối ra vào ở phía Nam thành phố. Tỉnh trưởng Kirkuk, ông Najmaldin Karim, tin rằng lực lượng dân quân sẽ bảo vệ được thành phố này.
Trong khi đó, ông Hemin Hawrami, cố vấn cao cấp của nhà lãnh đạo chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) Masoud Barzani, viết trên Twitter rằng "hàng ngàn người tình nguyện từ nhiều thành phố khác của khu vực Kurdistan đang đổ về Kirkuk".
Ông cũng cáo buộc Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khơi mào cuộc chiến bằng cách sử dụng các đơn vị người Hồi giáo dòng Shiite tấn công Kirkuk, đồng thời cảnh báo phản ứng của người Kurd sẽ mạnh hơn dự kiến của Baghdad nhiều.
Xe quân sự của Iraq tiến vào Kirkuk. Ảnh: Reuters
Người dân địa phương đứng xem đoàn xe của chính phủ Iraq tiến vào Kirkuk. Ảnh: Reuters
Chính quyền ông al-Abadi đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát thành phố nhiều dầu mỏ Kirkuk sau khi KRG tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập hôm 25-9, dẫn đến cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa hai bên.
Baghdad gọi cuộc bỏ phiếu là trái pháp luật và yêu cầu hủy bỏ kết quả. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 quốc gia cũng có cộng đồng thiểu số người Kurd - đã ủng hộ phản ứng của Baghdad đối với KRG.
Khu vực tự trị của người Kurd. Nguồn: BBC
Liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu cho biết đang theo dõi sát sao tình hình và thúc giục các bên không leo thang căng thẳng để tránh trượt vào nội chiến.
Lầu Năm Góc trước đó bày tỏ lập trường tương tự.
Mỹ đã huấn luyện, trang bị và tài trợ cho cả quân đội Iraq và lực lượng người Kurd để tham gia liên quân chống IS.
Trong khi đó, giá dầu thế giới tăng lên ngay khi có tin xảy ra giao tranh.
Kênh Al Jazeera nhận định dường như mọi nỗ lực ngoại giao đều thất bại và cho rằng cuộc tấn công mạnh của Baghdad là một diễn biến "rất đáng lo ngại".