"Đấu quyết liệt" vì S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ "dẫn tỷ số" trước Mỹ: NATO nên tự trách mình vì bỏ rơi đồng minh?

Mạnh Kiên |

Viễn cảnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và NATO tan vỡ lúc này chỉ còn là vấn đề thời gian, “nó giống như chứng kiến hai chiếc xe hơi lao vào nhau trong hiệu ứng slow motion (chuyển động chậm)".

Đấu quyết liệt vì S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tỷ số trước Mỹ: NATO nên tự trách mình vì bỏ rơi đồng minh? - Ảnh 1.

Quá trình luận tội Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến cách giải quyết căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Va chạm

Bất chấp áp lực chính trị và ngoại giao của Mỹ và các đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đứng vững trước những nỗ lực đe dọa đồng thời từ chối việc rút lại thương vụ S-400 để đổi lấy hệ thống Patriot.

"Họ nói sẽ không bán Patriot trừ khi chúng tôi loại bỏ S-400. Chúng tôi không chấp nhận điều kiện tiên quyết như vậy", tờ Bloomberg dẫn lời Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói hôm 25/12.

"Một thái độ chống Thổ Nhĩ Kỳ phi lý đang chiếm ưu thế trong Quốc hội Mỹ và điều đó không tốt cho quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ", ông Kalin nói thêm, lưu ý rằng Quốc hội Mỹ "nên biết thứ ngôn ngữ đe dọa như vậy sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải làm những điều không hề muốn làm".

Theo tờ Zero Hedge, ngay trong tay Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đang có sự chống lưng của Tổng thống Vladimir Putin, người có quan hệ với Tổng thống Erdogan còn tốt hơn so với Tổng thống Trump. Đây được coi là đòn bẩy mà Ankara sẵn sàng chơi tới cùng.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Erdogan một lần nữa cảnh báo rằng ông sẽ trục xuất lực lượng Mỹ khỏi hai căn cứ quân sự ở đất nước mình nếu Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Đây được coi là giọt nước tràn ly sẽ tạo ra một mối quan hệ cay đắng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, giữa lúc Ankara có mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga.

Tuyên bố của ông Erdogan đã gợi ra phản ứng lo lắng từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người đã đặt ra câu hỏi về sự cống hiến của Thổ Nhĩ Kỳ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương:

"Họ có quyền cho phép hoặc không cho phép NATO đặt căn cứ hoặc quân đội", ông Esper nói. "Nhưng một lần nữa, họ nên cân nhắc một cách nghiêm túc vì đó được coi là cam kết với liên minh".

Một nhà ngoại giao phương Tây mô tả với tờ WSJ rằng, viễn cảnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và NATO tan võ lúc này chỉ còn là vấn đề thời gian, "nó giống như chứng kiến hai chiếc xe lao vào nhau trong hiệu ứng slowmotion (chuyển động chậm)".

Điểm cốt lõi

Đấu quyết liệt vì S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tỷ số trước Mỹ: NATO nên tự trách mình vì bỏ rơi đồng minh? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ có ý định từ bỏ vũ khí Nga.

Trong lúc Quốc hội Mỹ rục rịch đưa ra các lệnh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ đã dự định mua thêm tổ hợp phòng không S-400 thứ hai của Nga và theo đuổi thỏa thuận hợp tác phát triển với Moscow để có thể sản xuất tên lửa đạn đạo tinh vi cho riêng mình. Đây được coi là động thái sẽ gây ra sự hỗn loạn giữa các quốc gia thành viên NATO.

Cần phải nhớ rằng, NATO vốn không chỉ đơn thuần là một liên minh quân sự tồn tại nhằm bảo vệ các quốc gia thành viên, nó còn là hệ thống cung cấp vũ khí tiên tiến từ tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ cho các khách hàng bên trong khối, cũng như chuyển giao vũ khí giữa các thành viên với nhau.

Bằng cách tìm đến Nga để đáp ứng nhu cầu quân sự của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi ngược lại tôn chỉ, mục đích truyền thống của NATO.

Để đối phó với sự giận dữ ngày càng tăng của phương Tây, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thành lập một ủy ban kỹ thuật với Mỹ, hoặc dưới sự giám sát của NATO, để xem xét tháo gỡ vấn đề S-400 và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Nhưng các quan chức Mỹ nói với WSJ rằng, Washington thà trả tiền bồi thường đáng kể còn hơn là giao một chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của chương trình trị giá hàng tỷ USD.

Nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Berat Conkar, phó trưởng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Nghị viện NATO nhấn mạnh: "Nếu vấn đề không thể được bảo đảm một cách công khai bằng hành động cụ thể đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các vết nứt mới có thể mở ra trong liên minh NATO".

Điều trớ trêu lớn nhất trong tranh cãi S-400 giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đó là chính bản thân liên minh quân sự này cũng không hề quan tâm đến mối lo của Ankara đối với người Kurd ở Syria.

Như tờ WSJ mô tả, một số đồng minh châu Âu đã chỉ trích cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, trong khi lại chê trách việc Ankara ngày càng xa rời xa liên minh phương Tây để tìm đến Nga.

Trên thực tế, chính vì không nhận được sự ủng hộ của NATO mà Ankara ngày càng dấn sâu hơn vào mối quan hệ với Nga trong nhiều lĩnh vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với Nga ở miền bắc Syria và cũng đang tìm cách hợp tác với Nga trong cuộc xung đột ở Libya.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang trong một cuộc chiến quyết liệt và họ đang chiến thắng", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu tại NATO nói.

Cách duy nhất mà phương Tây có thể làm lúc này là đưa ra các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng buộc ông Erdogan phải điều chỉnh lại lập trường của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại