Đâu là động cơ thật sự của Tổng thống Trump trong 'dầu sôi lửa bỏng' quan hệ Mỹ-Trung?

Minh Đức |

CNN đăng tải, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần có thái độ 'lúc nóng, lúc lạnh' với Trung Quốc.

Trong thời kỳ đầu sau khi trở thành người đứng đầu nước Mỹ, ông Trump từng có chuyến công du tới Bắc Kinh. Tại đây, ông đã ăn tối cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Tử Cấm Thành, đồng thời ca ngợi "phản ứng hóa học rất tốt" trong quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, một năm sau đó, cũng chính ông Trump lại là người phát động cuộc chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc trong khi vẫn đề cập tới khả năng kí kết một thỏa thuận lịch sử giữa hai nước.

Thỏa thuận trên hiện vẫn tồn tại nhưng gần như chắc chắn sẽ không được hoàn tất trước khi nhiệm kì của ông Trump kết thúc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục căng thẳng xung quanh một loạt vấn đề như COVID-19, Hong Kong và Tân Cương. Nội các của ông Trump bao gồm nhiều chính trị gia theo trường phái "diều hâu", trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trở thành một trong những nhân vật bị công kích nhiều nhất trên truyền thông Trung Quốc.

Tuy nhiên, để tìm ra được một lập trường thống nhất của Nhà Trắng trước Trung Quốc có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Ngay cả khi đã thông qua luật tước bỏ vị thế thương mại đặc biệt của Hong Kong trong tuần này, ông Trump được cho là vẫn tránh né việc áp dụng lệnh trừng phạt lên một số quan chức Trung Quốc và chưa thực hiện đầy đủ quyền lực của đạo luật.

Thái độ trên dường như khá quen thuộc đối với Tổng thống Trump. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton tiết lộ, cùng thời điểm Washington chỉ trích Bắc Kinh về tình hình Tân Cương, ông Trump lại nói với Chủ tịch Tập rằng, ông đồng ý với chính sách của Trung Quốc tại khu vực. Nhiều nguồn tin nói với CNN rằng, năm ngoái, trong quá trình đàm phán thương mại, ông Trump có thể đã cam kết với Bắc Kinh sẽ giữ thái độ yên lặng về các cuộc biểu tình tại Hong Kong.

Trong suốt cuộc chiến thương mại, ông Trump thường xuyên hứa sẽ đảm bảo một thỏa thuận "chưa từng có trong tiền lệ", sẽ giúp mở cửa Trung Quốc cho các công ty Mỹ và tái cân bằng quan hệ song phương theo một cách có lợi cho công nhân và nông dân Mỹ. Khi kí kết giai đoạn một của thỏa thuận – hiện đang bị ngưng trệ, ông Trump miêu tả đó là "làm đúng lại những gì sai trái trong quá khứ và đem tới một tương lai cho luật pháp và an ninh kinh tế cho các công nhân, nông dân và gia đình Mỹ".

Cứng rắn với Trung Quốc

Hôm thứ 3 (14/7), Tổng thống Trump đã phê chuẩn Đạo luật Tự trị Hong Kong – một đạo luật nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng và cả hai viện. Washinton tuyên bố, việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong đã khiến thành phố không còn đủ quyền tự trị để nhận được những đối xử đặc biệt từ Mỹ.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump tự nhận, "không có chính quyền [Mỹ] nào cứng rắn với Trung Quốc hơn chính quyền hiện tại".

"Chúng tôi đã áp dụng các loại thuế lịch sử. Chúng tôi chống lại nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc ở một mức độ mà chưa từng ai làm được. Chúng tôi đối đầu với những nhà cung cấp công nghệ và viễn thông Trung Quốc", ông Trump nói. "Chúng tôi đã thuyết phục nhiều nước – rất nhiều nước, và tôi tự mình làm điều này là không sử dụng Huawei bởi vì chúng tôi nghĩ đó là một nguy cơ an ninh không an toàn. Đó là một nguy cơ an ninh lớn. Tôi đã khiến nhiều nước không sử dụng nó [Huawei]. Nếu họ muốn làm ăn với chúng tôi, họ không thể sử dụng nó".

Mặc dù thể hiện một lập trường cứng rắn như vậy, nhưng trang Bloomberg chỉ ra, ông Trump đã đẩy lùi kế hoạch trừng phạt các quan chức hàng đầu của Hong Kong và Trung Quốc vì sợ làm ảnh hưởng hơn nữa tới mối quan hệ với Bắc Kinh. Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phủ nhận việc trên đã "ngoài tầm bàn bạc" và khẳng định, Tổng thống vẫn có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt bất kì lúc nào.

Tờ New York Times cũng đưa tin, trong tuần này, một dự thảo chỉ thị đã được soạn thảo nhằm cấm hơn 92 triệu thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc tới Mỹ. Tuy nhiên, chỉ thị không được công khai và có thể bị ông Trump từ chối phê chuẩn.

Thương mại hơn tất cả

Khi công bố đạo luật Hong Kong, ông Trump nhấn mạnh "một trong những nguyên nhân rất lớn khiến tôi trúng cử" chính là "thương mại và những thứ liên quan tới thương mại".

Ông chỉ trích ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vì đã ủng hộ để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đó là "một trong những thảm họa địa chính trị và kinh tế kinh khủng nhất trong lịch sử thế giới", nhà lãnh đạo Mỹ nói.

Và trong khi cuộc chiến thương mại càng làm gia tăng thêm những tổn thương kinh tế vốn đã rất nghiêm trọng dưới tác động của đại dịch COVID-19 tại Mỹ, ông Trump nói, "các công nhân của chúng ta đang làm rất tốt bởi vì chúng ta đạt được những thỏa thuận thương mại thật sự tốt". "Như thỏa thuận với Trung Quốc – họ đang mua rất nhiều", ông tuyên bố.

Một phần quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump là tập trung vào khả năng cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề virus corona mới. Tuy nhiên, chiến lược này chưa chứng minh được tính hiệu quả khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các cuộc thăm dò ý kiến đang thấp hơn đáng kể so với ứng viên Biden.

Nhìn vào lập trường của ông Trump về thương mại, có thể thấy cho dù chỉ với một tia hy vọng mỏng manh nhất về thỏa thuận thương mại, nhiều khả năng ông vẫn sẽ đi ngược lại lời khuyên của một số cố vấn và tìm cách tránh xa một lập trường cứng rắn trước Trung Quốc.

Nếu ông Trump có thể bằng cách nào đó đạt được một thỏa thuận "chưa từng có trong tiền lệ" với Trung Quốc và tạo ra cú hích cho nền kinh tế trước tháng 11, điều đó có thể sẽ thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

"Trong thời kỳ tôi còn ở Nhà Trắng, rất khó tìm thấy bất kì quyết định nào của Trump mà không xuất phát từ những tính toán nhằm tái trúng cử tổng thống", cựu cố vấn Bolton viết trong cuốn hồi kí mới xuất bản của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại