Đối phó với Trung Quốc phức tạp đến mức quá trình này đã tự sản sinh ra những khái niệm mới: Can dự (Engagement). Ngăn chặn (Containment). Đối đầu (Confrontation). Chế ngự (Constrainment). Và thậm chí là "con-gagement" - kết hợp của ngăn chặn (containment) và can dự (engagement).
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), khái niệm này đã phản ánh thế tiến thoái lưỡng nan của những quốc gia đang phải đối mặt với một cường quốc không chỉ đơn giản là "trỗi dậy": Trung Quốc ngày nay tin rằng họ đã đủ mạnh mẽ và có thể chống chọi bất cứ đòn trừng phạt nào.
Cụ thể, Bloomberg đã dẫn chứng việc Trung Quốc thông qua dự luật an ninh quốc gia về Hồng Kông bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia khác trên thế giới, vụ đụng độ chết người giữa binh lính hai nước Trung-Ấn ở khu vực xảy ra tranh chấp biên giới, hay chính sách ngoại giao hung hăng thời đại dịch của Bắc Kinh, để chứng minh rằng phần lớn các cách tiếp cận của phương Tây đều đã không thể kiềm chế hoặc cản bước Trung Quốc.
Bất đồng với Mỹ, nhiều nước muốn tìm lối đi riêng?
Khi Mỹ đặt ưu tiên hàng đầu là "Nước Mỹ Trước tiên" và cấu trúc đa phương với nền tảng là giá trị dần trở nên suy yếu, các quốc gia khác trên thế giới cũng đã dần nhận ra rằng họ cần suy nghĩ lại.
Đến nay, các chiến lược đối phó với Trung Quốc chủ yếu đi theo hai trường phái: Một bên là dựa vào các thể chế và quy định của hệ thống toàn cầu, bên còn lại là dựa vào các biện pháp gây áp lực về quân sự hoặc kinh tế để ngăn cản quốc gia châu Á này.
Đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Tuy nhiên, "vấn đề là các quốc gia thiếu sự đồng thuận và hợp tác nhóm - không phải nước nào có suy nghĩ giống nhau cũng có chung suy nghĩ về vấn đề đối phó với những thách thức do Trung Quốc đặt ra", ông Bates Gill, một giáo sư về châu Á - Thái Bình Dương ở Đại học Macquarie, Sydney, bình luận.
Những "vết nứt" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra trong mối quan hệ với các đồng minh lâu năm của Mỹ cũng là một trong những yếu tố cản trở các nước này thống nhất về cách tiếp cận.
"Nền tảng cơ bản của chiến lược này - hợp tác đa phương, tôn trọng đồng minh, cam kết thực hiện một tổ hợp chính sách thấu đáo và có thể dự đoán được, phù hợp với cách thức, phương tiện và mục đích - không nằm trong sách lược của chính quyền ông Trump", ông Gill nhận định.
Bloomberg cho rằng, trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, ông Trump chưa thực sự dứt khoát đối với Trung Quốc, khi giữa hai nước nổ ra cuộc chiến thương mại nhưng ông Trump vẫn nhiều lần khẳng định có hảo cảm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Gần đây, Mỹ mới đẩy mạnh một số biện pháp mạnh mẽ hơn đối với tập đoàn viễn thông Huawei hay trừng phạt một số quan chức cấp cao của Trung Quốc.
"Đối với Trung Quốc, việc tuân thủ các ưu tiên trong nước - ví dụ như quyết định thông quan luật an ninh Hồng Kông, hay đẩy mạnh sự tự chủ trong ngành công nghiệp công nghệ cao... - chính là sự trả đũa lớn nhất đối với Mỹ và chính quyền ông Trump", ông Shi Yinhong, cố vấn cho nội các Trung Quốc, đồng thời là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho biết.
Theo Bloomberg, các quan chức từ nhiều quốc gia đồng tình rằng cách duy nhất để đối phó với Trung Quốc là củng cố liên minh của họ, dù Mỹ có hay không tham gia liên minh này.
Nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện điều đó bằng những phương thức mới mẻ và thú vị - đặc biệt là những cường quốc tầm trung như Australia, Canada, Ấn Độ và Anh - những quốc gia đã chật vật trong thời gian dài khi tìm cách cân bằng sự phụ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc và những quan ngại chiến lược về hành động của họ.
Dù muộn màng, nhưng Mỹ đang nỗ lực sửa chữa một số mối quan hệ tại châu Á và một số nơi khác, theo một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump và hai nhà ngoại giao phương Tây cấp cao tại Trung Quốc. Trong đó, một phần trong thông điệp của Mỹ gửi tới những quốc gia này là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế thông qua việc từ bỏ chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường đầu tư vào công nghệ và sản xuất tiên tiến trong nước.
Mới đây, sau khi Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh Hồng Kông, các nước Australia, Anh và Canada đã cùng đưa ra tuyên bố với Mỹ để lên án Trung Quốc. Một nhà ngoại giao phương Tây đã nhận định rằng động thái này cho thấy một nỗ lực đoàn kết lớn hơn so với thông thường của các quốc gia đồng minh này.
Bên cạnh đó, sau vụ đụng độ tại biên giới với Trung Quốc, các quan chức Ấn Độ đã tiết lộ về kế hoạch mời Australia tham dự cuộc tập trận hàng hải thường niên cùng với Nhật Bản và Mỹ, điều này cho thấy mối quan hệ của nhóm Quad đã có tiến triển.
Mặc dù vậy, mọi thứ sẽ không dễ dàng khi chiến lược của Mỹ và những quốc gia khác vẫn có sự khác biệt.
Trong một cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại chỉ bàn về Trung Quốc với Mỹ. Tuy nhiên, một quan chức thân cận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng EU không nên trở thành nhà hòa giải của Washington và Bắc Kinh, bởi châu Âu có chiến lược riêng của mình.
Và tại những khu vực khác như châu Phi và châu Á, Trung Quốc là một đối tác quan trọng và giá trị, khiến những nước này khó lòng "buông tay" Trung Quốc.
Ảnh: Bloomberg
"Chia tay" Trung Quốc không dễ dàng?
Cách tiếp cận Trung Quốc của ông Trump cũng đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Một quan chức Mỹ cho biết nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng rằng hai nước sẽ "mắc kẹt" trong vòng xoáy ăn miếng, trả miếng khiến cả hai ngày càng đi xuống.
Trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ đã phát chán khi phải nghe các quan chức Mỹ giảng giải về Huawei, và cho rằng sự ganh đua của Mỹ và Trung Quốc đã chiếm sân tại các diễn đàn song phương, theo một nhà ngoại giao phương Tây. Thay vì nỗ lực khiến Trung Quốc thay đổi, nhiều quốc gia nhỏ hơn đã tìm kiếm sự hợp tác về những vấn đề như biến đổi khí hậu.
Một quan chức cấp cao châu Âu cho biết các lãnh đạo của khối này vẫn muốn duy trì hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề. Một quan chức khác cũng nói rằng các quốc gia châu Âu nhìn thấy nhiều cơ hội hợp tác với Trung Quốc hơn với Mỹ, đồng thời họ cũng lo lắng rằng việc biến Trung Quốc thành thù địch có thể trở thành trở ngại đối với những vấn đề ngoại biên như Afghanistan và Syria.
Hơn nữa, nhiều quốc gia trên thế giới cũng hài lòng với những lợi ích về thương mại và cơ sở hạ tầng mà họ có được từ dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc, theo Bloomberg.
Charles Liu, từng là nhà ngoại giao và sáng lập công ty Hao Capital, cho rằng vai trò của Trung Quốc trong ngành sản xuất toàn cầu và lợi ích mà các đối tác phương Tây nhận được từ điều này cũng sẽ khiến ông Trump khó lòng thuyết phục được họ "chia tay" hoàn toàn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Về mặt tinh thần, Mỹ chưa sẵn sàng để đối diện với sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi vậy nên họ đã cố gắng tìm cách tạo ra những vấn đề và kìm chân Trung Quốc", ông Shen Shishun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhận định. "Mỹ đang tạo ra những vấn đề ở ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc, nên tất nhiên Trung Quốc sẽ không bỏ cuộc".
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: