Dấu ấn trong công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng

THÀNH NAM (thực hiện) |

“Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đó không chỉ là tiêu chí cực kỳ quan trọng, mà còn phải coi là yêu cầu lớn trong lựa chọn cán bộ”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về kết quả nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Chúng ta đã đi qua chặng đường 2,5 năm của nhiệm kỳ với rất nhiều kết quả quan trọng. Theo ông, đâu là những dấu ấn nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua?

Trước tiên, chúng ta phải nhắc đến quan điểm của Đại hội XIII về xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Đại hội XIII của Đảng đã xác định phải chú trọng xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và công tác tổ chức cán bộ .

Dấu ấn trong công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Cơ quan tố tụng khám xét nhà riêng ông Đỗ Hữu Ca, Thiếu tướng- nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng . Ngày 22/2, ông Ca bị CQĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố tội danh “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Trong công tác cán bộ, Bác Hồ luôn nhấn mạnh quan điểm: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và mọi việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì thế, công tác cán bộ từ sau Đại hội XIII được Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng Bí thư rất chú trọng; luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất.

Nhìn vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, chúng ta thấy có những lựa chọn rất cơ bản, đã mạnh dạn đưa cán bộ trẻ, có trình độ năng lực, được thử thách qua thực tiễn, đưa vào diện cán bộ cấp chiến lược. Quá trình lựa chọn đó, tôi được biết Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo rất chặt chẽ. Các bước công tác cán bộ như quy hoạch, đánh giá cán bộ rất được coi trọng. Phương châm chỉ đạo mà Tổng Bí thư đề ra là tuyệt đối không để lọt vào cấp ủy những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền.

Chính vì thế, bước lựa chọn đưa vào quy hoạch được thực hiện bài bản, chặt chẽ, rồi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các lớp nguồn được mở, không chỉ ở Trung ương mà địa phương cũng có. Đội ngũ cán bộ được trang bị kiến thức rất cơ bản về lãnh đạo, quản lý. Theo tôi, đó là một dấu ấn, thành công.

Từ sau Đại hội XIII, công việc đó vẫn được tiến hành một cách thường xuyên nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ, Trung ương mở lớp bồi dưỡng cho những cán bộ đang là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng một lớp riêng để nâng cao năng lực. Cách làm như thế rất bài bản.

Cùng với đó, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ đang là bí thư huyện uỷ cũng được triển khai... Đó là những bước rất quan trọng để thực hiện công tác cán bộ căn cơ hơn, bài bản hơn. Từ việc chuẩn bị công phu, bài bản như thế, nhất định sẽ lựa chọn được những cán bộ xứng đáng vào các cấp lãnh đạo, kể cả cấp địa phương và cấp chiến lược.

Việc đổi mới và nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng thì sao, theo ông?

Đây cũng là một dấu ấn rõ nét từ sau Đại hội XIII đến nay. Trung ương đã hết sức chú ý đến phương thức lãnh đạo, để rèn luyện, nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng. Vấn đề này phụ thuộc vào việc đổi mới và không ngừng nâng cao phương thức lãnh đạo, phương pháp hành động, làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cũng từ đó, để đi đến quan điểm rất cơ bản đã được xác định ngay ở Đại hội XIII, tức là khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua khó khăn thách thức, dám đổi mới sáng tạo, vì lợi ích chung. Đó cũng là một thành công để khuyến khích cán bộ giỏi, có trách nhiệm, có bản lĩnh, để đảm đương công việc lãnh đạo quản lý.

Chủ trương này luôn được quán triệt, xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt về mặt Đảng và cơ quan chính quyền Nhà nước.

Bước sàng lọc cán bộ

Cũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được làm bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu. Ông đánh giá như thế nào về lĩnh vực quan trọng này?

Quả đúng như vậy. Trung ương, Bộ Chính trị đã tăng cường kỷ luật và áp dụng pháp luật Nhà nước, để loại trừ những cán bộ hư hỏng ra khỏi đội ngũ. Điều đó được thể hiện qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng , tiêu cực, lãng phí. Chỉ đạo đó xuyên suốt từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực xuống cấp địa phương. Chính qua việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương đó cũng là bước sàng lọc để lựa chọn cán bộ. Đó như là bộ lọc để loại trừ những phần tử cơ hội, hư hỏng ra khỏi đội ngũ lãnh đạo, để từ đó lựa chọn được cán bộ ưu tú.

Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực này đúng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đi vào chiều sâu, xử lý rất nghiêm minh với cán bộ sai phạm. Chưa đầy nửa nhiệm kỳ nhưng đã có nhiều cán bộ đang là Ủy viên Trung ương bị xử lý với các mức độ khác nhau, đưa ra khỏi Trung ương, thậm chí khai trừ khỏi Đảng. Ngay cả cán bộ cao cấp trong bộ máy cũng bị xử lý, không vùng cấm, không ngoại lệ.

Từ những kết quả đó, nếu sắp tới chống tiêu cực, tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh hơn, làm đồng bộ hơn, thống nhất theo phương châm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ tạo ra chuyển biến căn bản trong công tác tổ chức và cán bộ.

Ông vừa nhắc đến đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải chăng, đây cần được xem là phẩm chất, tiêu chí đặc biệt quan trọng của cán bộ, theo ông?

Tôi cho rằng, phẩm chất đó không chỉ đơn thuần là một tiêu chí mà còn là một yêu cầu cao đối với công tác cán bộ ở tất cả các cấp, chứ không riêng gì ở cấp nào. Như thế mới tạo ra một hệ thống chính trị hành động; phải kết hợp cả lời nói và hành động, mà hành động ở đây phải có kết quả, mang lại hiệu quả thiết thực, vì lợi ích chung. Họ phải là những cán bộ “sáu dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách) mới có thể đảm đương được trách nhiệm. Còn cán bộ mà sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm gì thì chẳng có ích lợi gì cho đất nước.

Xin được nhấn mạnh rằng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đó không chỉ là tiêu chí cực kỳ quan trọng, mà còn phải coi là yêu cầu lớn trong lựa chọn cán bộ hiện nay.

Ông tin tưởng, kỳ vọng gì về đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là cán bộ cấp chiến lược hiện nay?

Tôi thấy hiện nay đã xuất hiện đội ngũ cán bộ trẻ thực sự có năng lực, có tâm huyết, với đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, được đào tạo cơ bản cả về trình độ học vấn cũng như quan điểm chính trị, lý tưởng cách mạng. Đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo về năng lực lãnh đạo quản lý, được thử thách, kiểm nghiệm qua thực tế. Tôi tin nhất định sẽ chọn được những cán bộ trẻ và giỏi. Chúng ta phải có niềm tin như vậy và thực tế cũng cho thấy điều đó.

photo-1

"Từ những kết quả có được, nếu sắp tới tiếp tục được đẩy mạnh hơn, làm đồng bộ hơn, thống nhất theo phương châm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", nhất định chúng ta sẽ tạo ra chuyển biến căn bản trong công tác tổ chức và cán bộ", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc


Nhìn vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược với lực lượng đông đảo, cũng được đào tạo rất bài bản, rồi đến hàng ngũ bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đều rất trẻ, với đầy đủ năng lực, trình độ.

Với phương thức, cách làm bài bản như vậy, tôi tin, trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhất định sẽ ngày càng có được đội ngũ cán bộ đáp ứng sự đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới.

Cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại